Thứ Năm, 21/06/2007 23:54

Xu hướng giảm tỷ giá hối đoái giữa đồng won Hàn Quốc và yên Nhật

Gần đây, giới tài chính Hàn Quốc đang hết sức chú ý đến những biến động của đồng yên Nhật. Xu hướng đồng yên giảm giá đã đe dọa kéo tỷ giá hối đoái giữa đồng won và đồng yên (won/yên) xuống dưới mức 100 yên ăn 760 won và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Hàn Quốc.

Trên thực tế, cho tới tận đầu tháng 3 vừa qua tỷ giá won/yên vẫn đứng ở mức 100 yên ăn 820 won song chỉ sau 3 tháng đã giảm xuống mức 100 yên ăn 760 won. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư vẫn tiếp tục chảy vào Hàn Quốc do xu hướng tăng giá cổ phiếu nên có những dự báo cho rằng tỷ giá won/yên sẽ giảm xuống mức 100 Yên đổi 720 won. Nền kinh tế Hàn Quốc đang có những dấu hiệu phục hồi sau một thời gian dài sẽ giải quyết khó khăn này như thế nào?

Tiến sĩ Hong Seung-beom, thuộc Viện nghiên cứu thương mại quốc tế, đã nghiên cứu những biến động của tỷ giá hối đoái trong thời gian gần đây và những đối sách của Hàn Quốc trong thời gian tới. Phân tích về việc tỷ giá won/yên giảm trong tháng thứ 3 liên tiếp, Tiến sĩ Hong nhận định: “Tỷ giá hối đoái won/yên đã giảm từ 100 yên đổi 859 won xuống còn 100 yên ăn 781 won vào năm ngoái. Hồi đầu tháng 6, tỷ giá này đã giảm xuống mức 100 yên ăn 760 won và là mức thấp nhất sau hơn 9 năm kể từ tháng 10/1997. Tỷ giá won/yên tại thời điểm hiện nay đang ở mức 100 yên ăn 768,1 won, tăng chút ít so với hồi đầu tháng, song khó có thể loại bỏ khả năng tỷ giá này tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên vẫn có khả năng đồng won sẽ giảm giá so với đồng yên trong trường hợp tỷ giá hối đoái của đồng yên giảm do nền kinh tế Nhật Bản phục hồi và giải quyết dứt điểm được hiện tượng vay đồng yên rồi bán đi và mua vào các đồng tiền khác có lãi suất cao hơn”.

Trong 3 tháng qua, giá trị đồng won đã tăng hơn 60 won so với đồng yên và giới kinh tế Hàn Quốc đã gọi hiện tượng giảm tỷ giá hối đoái trong thời gian gần đây là "cuộc tấn công của đồng yên". Từ cuối năm ngoái, giá trị đồng yên đã giảm 2,5% so với đồng USD, và vẫn tiếp tục giảm trên thị trường thế giới. Thêm vào đó là hiện tượng đồng yên mất giá do xu hướng giá cổ phiếu tăng mạnh tại thị trường Hàn Quốc gần đây đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Hàn Quốc.

Trên thực tế, việc tỷ giá won/yên đang tiếp tục sụt giảm đã và đang trở thành nguy cơ lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Hàn Quốc hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Lợi nhuận của các doanh nghiệp này ngày càng giảm do tỷ giá hối đoái sụt giảm và giá dầu tăng cao trong thời gian gần đây. Nếu tỷ giá won/yên tiếp tục duy trì ở mức 100 yên ăn 760 won như hiện nay thì các doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê thì tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu sang Nhật Bản trong 4 tháng đầu năm 2007 rất thấp, chỉ đạt 1,1%, giảm mạnh so với mức 10,4 % cùng kỳ của năm 2006. Ngoài ra, theo kết quả thăm dò ý kiến các doanh nghiệp do Viện nghiên cứu thương mại quốc tế tổ chức, 51,7% các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tăng giá các sản phẩm xuất khẩu đề bù vào phần giảm đi của tỷ giá won/yên bởi như vậy sẽ làm giảm sức cạnh tranh về giá. Ngoài ra, một số đối tác không chấp nhận việc tăng giá hay vì đã ký hợp đồng cung cấp dài hạn.

Sự sụt giảm của tỷ giá won/yên gần đây đang đặt các doanh nghiệp xuất khẩu Hàn Quốc vào tình trạng báo động. Cùng với việc giá trị đồng won tăng vọt so với đồng yên thì các doanh nghiệp Hàn Quốc xuất khẩu sang Nhật Bản đã mất đi sức cạnh tranh về giá cả và tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu sang Nhật Bản vốn ở mức hơn 10%/năm thì hồi tháng trước đã bị âm. Mức thấp nhất của tỷ giá won/yên mà ở đó các doanh nghiệp Hàn Quốc không bị thiệt hại khi xuất khẩu sang Nhật Bản là 100 yên ăn 851 won. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang phải đối mặt với mức tỷ giá thấp hơn nhiều so với mức giới hạn trên. Đặc biệt, nếu so sánh với mức 100 yên ăn 1050 won ở thời điểm tháng 10 năm 2004 có thể thấy chỉ sau hơn 2 năm tỷ giá này đã giảm tới 27% và cũng vì thế mà khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu Hàn Quốc càng chồng chất.

Vậy xu hướng giảm của tỷ giá won/yên sẽ còn tiếp tục tới khi nào?

Trước hết cần phải dự đoán sự thay đổi của tỷ giá won/USD và yên/USD. Đồng USD đang có xu hướng mất giá nên khả năng gia tăng của tỷ giá won/USD không nhiều trong khi khả năng giảm là tương đối lớn. Đồng thời, đồng won có thể sẽ tiếp tục tăng giá trong một thời gian nữa do gần đây Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc-ASEAN đã được ký kết; vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đang được giải quyết; và mức tín nhiệm quốc gia của Hàn Quốc cũng đang được xem xét điều chỉnh. Mặt khác, mặc dù hiện tượng vay đồng yên sau đó bán ra và mua vào các đồng tiền khác có lãi suất cao hơn vẫn tiếp tục diễn ra, song tỷ giá yên/USD sẽ giảm một cách hạn chế. Theo dự đoán của các ngân hàng đầu tư quốc tế lớn thì trong 6 tháng tới tỷ giá won/Yên sẽ ở mức 100 yên ăn 750-810 won.

Phần lớn các nhà chuyên môn đều đánh giá rằng, mặc dù Chính phủ Nhật đang xem xét nâng lãi suất huy động song mức lãi suất của Nhật vẫn sẽ thấp hơn so với các nước phát triển trên thế giới và xu hướng đồng yên mất giá vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Ngoài ra, dù giá trị đồng yên có tăng đi chăng nữa thì cũng vẫn không thể đạt tới điểm hòa vốn. Do vậy các doanh nghiệp Hàn Quốc cần có các biện pháp đối phó với tình hình này.

Hàn Quốc sẽ phải làm gì để vượt qua khó khăn về tỷ giá hối đoái?

Xu hướng tỷ giá hối đoái diễn ra như hiện nay là do các nguyên nhân khách quan do đó các doanh nghiệp Hàn Quốc cần tập trung hơn nữa vào việc quản lý rủi ro. Trước hết, họ cần tham gia bảo hiểm đề phòng các biến động tỷ giá hối đoái trong xuất khẩu. Tuy nhiên, điều căn bản là các doanh nghiệp phải có khả năng vận hành một cách an toàn các kế hoạch tiền tệ và theo dõi biến động của đồng yên. Đây cũng là thời điểm đòi hỏi những nỗ lực tích cực của chính phủ để ổn định tỷ giá hối đoái. Ngoài ra, về lâu dài các doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải đảm bảo được năng lực cạnh tranh trong các yếu tố phi giá cả như chất lượng, thương hiệu, mẫu mã và tập trung hơn nữa vào việc phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao để có thể bù đắp thiệt hại do tỷ giá hối đoái gây ra.

Để giải quyết cú sốc của việc đồng won tăng giá so với đồng yên, hiện nay Hàn Quốc đang tăng cường quản lý rủi ro và và tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, để đối phó với hiện tượng vay đồng Yên Nhật sau đó bán đi và mua vào các đồng tiền khác có lãi suất cao hơn thì trong thời gian tới Hàn Quốc phải cải thiện mạnh mẽ hơn nữa nền tảng kinh tế của mình. Cũng giống như các doanh nghiệp Nhật Bản đã chuyển từ việc cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng công nghệ trong thời kỳ đồng yên tăng cao một cách đáng sợ, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng phải khắc phục khó khăn do những yếu tố khách quan bằng khả năng của chính mình thông qua việc đa dạng hóa và toàn cầu hóa cấu trúc kinh doanh.

Tỷ giá won/yên giảm đã tạo nên những thay đổi trong nền kinh tế Hàn Quốc. Đây sẽ là nguy cơ cuối cùng trong quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế của nước này.

Theo KSB

Các tin tức khác

>   Thực trạng nguồn nhân lực kiểm toán, kế toán: Cung chưa đủ cầu (21/06/2007)

>   Kiểm soát giá có vấn đề (21/06/2007)

>   Yên giảm giá mạnh so với USD (21/06/2007)

>   Đôi điều về chính sách tiền tệ (21/06/2007)

>   Các trung tâm thẩm định giá phải chuyển sang mô hình DN (21/06/2007)

>   Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Thúc giục các ngân hàng thành viên giảm lãi suất (21/06/2007)

>   Khan hiếm tiền lẻ (21/06/2007)

>   Techcombank được công nhận thành tựu về ứng dụng công nghệ đi đầu trong giải pháp phát triển thị trường (20/06/2007)

>   Điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng TMCP (20/06/2007)

>   ACB chính thức khai trương phòng giao dịch An Lạc (20/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật