Thứ Năm, 21/06/2007 15:23

Đôi điều về chính sách tiền tệ

Từ đầu năm đến nay, đặc biệt là từ một vài tháng nay, nhiều nội dung của chính sách tiền tệ đã được đưa ra. Đầu tiên phải kể đến việc mở rộng biên độ giao dịch ngoại tệ, rồi khống chế cho vay đầu tư chứng khoán, tăng dự trữ bắt buộc... Có thể thấy, những nội dung này là cần thiết, phù hợp với thực tiễn và mục tiêu của chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, cũng có đôi điều xin lạm bàn về chính sách và kết quả thực hiện.

Trước hết là việc mở rộng biên độ giao dịch ngoại tệ từ ± 0,25% lên ± 0,5%. Mục tiêu của quy định này là tránh sự lên giá của VND, nhằm khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Nhưng đã qua hơn 5 tháng thực hiện, quy định này đã không trở thành hiện thực ở cả hai mục tiêu. Thứ nhất, tỷ giá thực tế giao dịch trên thị trường vẫn thấp hơn tỷ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước quy định (đúng ra là chưa có ngày nào tỷ giá thực tế giao dịch bằng hoặc cao hơn tỷ giá liên ngân hàng; tháng 5 tỷ giá có tăng 0,2% so với tháng 4, nhưng tính chung 5 tháng vẫn còn giảm 0,2% so với cuối năm trước). Thứ hai, kim ngạch nhập khẩu vẫn cao hơn xuất khẩu, nên nhập siêu đã gia tăng so với cùng kỳ năm trước cả về kim ngạch tuyệt đối (3.255 triệu USD so với 1.540 triệu USD, tức là cao gấp đôi), lẫn tỷ lệ nhập siêu (18% so với 10,1%).

Việc khống chế cho vay đầu tư chứng khoán đã được đề cập hai lần, bằng Quyết định 03/2007/NHNN và Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN, với nội dung chính là khống chế dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán của các ngân hàng không được vượt quá 3% tổng dư nợ. Đây là việc làm rất cần thiết nhằm hạn chế rủi ro cho cả ngân hàng, nhà đầu tư và thị trường chứng khoán, bởi nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã vượt quá tỷ lệ được coi là an toàn trên.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng hoan nghênh, coi đây là bước đi để giúp các ngân hàng bớt phải chịu rủi ro từ thị trường chứng khoán và dự phòng trước chu kỳ bùng nổ - suy thoái về giá chứng khoán. Trong kinh tế thị trường, hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán vốn được ví như “hai chiếc bình thông nhau”. Thực tế, vốn tín dụng có xu hướng tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, trong khi vốn cho vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán có nguy cơ rủi ro cao nhất trong nhóm các khoản vay (lên đến 150%) và rủi ro càng cao do giá trên thị trường chứng khoán đang điều chỉnh theo xu hướng giảm. Tuy nhiên, thời gian 15 ngày (kể từ khi đăng Công báo đến lúc Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN ký ngày 28/5/2007 có hiệu lực) là quá ngắn đối với một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng như nhiều nhà đầu tư khi hai đối tượng này muốn xử lý khoản vay từ ngân hàng để đầu tư cho thị trường chứng khoán.

Quy định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên gấp đôi so với hiện nay của Ngân hàng Nhà nước cũng là cần thiết. Sự cần thiết này bắt nguồn từ hai thực tế. Một là, vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại khá dư dật và kéo dài, mặc dù cách đây hơn một tháng, các thành viên trong Hiệp hội Ngân hàng đã đồng thuận hạ lãi suất huy động và một số ngân hàng lớn đã có điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng. Hai là, lạm phát vẫn chưa giảm, mà thực tế tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 5 lên khá cao (0,8%) và tính chung 5 tháng đã lên đến 4,3% (vừa cao hơn mức 3,6% của cùng kỳ năm trước, vừa vượt quá một nửa tốc độ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu cả năm, trong khi mục tiêu giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế). Như vậy, biện pháp tăng dự trữ bắt buộc sẽ giảm “độ nóng” của tăng trưởng tín dụng và góp phần kiềm chế lạm phát, bởi nó rút khỏi thị trường một lượng tiền khá lớn (theo tính toán sơ bộ, số tiền được rút trở về Ngân hàng Nhà nước sẽ lên đến 40.000 - 50.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, quy định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc được đưa ra khá đột ngột, thậm chí gây sốc đối với một số ngân hàng thương mại. Việc tăng tỷ lệ tăng dự trữ bắt buộc lên gấp đôi là rất lớn, làm giảm vốn khả dụng và làm tăng chi phí vốn của ngân hàng (100% vốn vay phải trả lãi, nhưng chỉ được cho vay 90% và thu lãi trên 90% đó). Tình hình này buộc các ngân hàng hoặc phải giảm lãi suất huy động hoặc phải tăng lãi suất cho vay (như thế sẽ làm tăng chi phí, giảm hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp).

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Các trung tâm thẩm định giá phải chuyển sang mô hình DN (21/06/2007)

>   Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Thúc giục các ngân hàng thành viên giảm lãi suất (21/06/2007)

>   Khan hiếm tiền lẻ (21/06/2007)

>   Techcombank được công nhận thành tựu về ứng dụng công nghệ đi đầu trong giải pháp phát triển thị trường (20/06/2007)

>   Điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng TMCP (20/06/2007)

>   ACB chính thức khai trương phòng giao dịch An Lạc (20/06/2007)

>   IMF giám sát chính sách ngoại hối các nước (20/06/2007)

>   “Cần xem lượng ngân hàng hiện tại đã “vừa” chưa?” (20/06/2007)

>   Vì sao giá USD tăng nhanh ? (20/06/2007)

>   Bảo hiểm nhân thọ có dấu hiệu hồi phục (19/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật