Khan hiếm tiền lẻ
Mặc dù tiền mệnh giá nhỏ được ngành ngân hàng (NH) theo dõi sát sao để không thiếu tiền lẻ trong lưu thông, thế nhưng trên thị trường, tiền lẻ có mệnh giá từ 1.000 đồng - 5.000 đồng tại một số khu vực khá khan hiếm.
Ngân hàng khi có, khi không
Ngày 20-6, chúng tôi đến NH Đông Á đề nghị đổi 1 triệu đồng sang loại tiền mệnh giá 1.000 đồng và 2.000 đồng. Nhân viên ở đây thông báo, NH chỉ còn loại tiền 5.000 đồng, số lượng rất ít. Trường hợp doanh nghiệp yêu cầu chi trả loại tiền này vài chục triệu đồng, NH phải huy động từ các chi nhánh nhưng chưa chắc đã có đủ. Tương tự, một cán bộ kho quỹ NH Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cho biết nhu cầu tiền lẻ của các đối tượng kinh doanh nhà hàng, siêu thị... rất lớn. Riêng Công ty Metro Cash – Carry Việt Nam mỗi ngày NH phải cung cấp 30-50 triệu đồng tiền lẻ. Gần đây, Sacombank nhiều lần liên hệ NH Nhà nước cho rút 300- 500 triệu đồng tiền kim loại, song không phải lúc nào cũng được đáp ứng, lý do là kho quỹ NH đã hết. Nếu khách hàng đề nghị đổi hay chi trả bằng tiền lẻ vào thời điểm mà Sacombank không có, thì NH chỉ biết mong “quý khách thông cảm”.
Trước thực trạng này, một số chuyên gia cho rằng, do tâm lý không thích sử dụng tiền kim loại nên nhiều gia đình thực hành tiết kiệm bỏ “ống heo”, hoặc trong quá trình sử dụng người dân làm rơi rớt. Tiền kim loại hầu như không trở lại với NH. Mặt khác, NH thu hồi và tiêu hủy một số lượng tiền giấy đã hư hỏng. NH Nhà nước chưa phát hành thêm các loại tiền lẻ. Đó là những yếu tố có thể làm cho lượng tiền lẻ lưu thông trên thị trường thiếu cân đối tại một số khu vực, khan hiếm đối với giới kinh doanh bán lẻ.
Tự xoay xở là chính
Khan hiếm tiền lẻ là nỗi khổ của nhiều người mua bán tại các khu thương mại. Người mua hàng thường xuyên phải nhận tiền thối lại bằng kẹo hoặc bao thư... dẫn đến những phản ứng không đáng có; bởi đã quá nhiều lần họ phải nhận bằng hình thức này. Siêu thị Maximark trung bình mỗi ngày cần 6 triệu đồng tiền lẻ nhưng không bao giờ đủ số lượng để thối lại cho khách hàng. “Đến NH đổi tiền lẻ không phải lúc nào cũng có. Hằng ngày, chúng tôi phải tìm đến một số cửa hàng quen biết có nhiều tiền lẻ để đổi” - bà Nguyễn Ánh Hồng, Tổng Giám đốc Maximark, than thở. Chị Bùi Thị Kim, bán hàng tạp hóa tại chợ Nguyễn Đình Chiểu (Phú Nhuận – TPHCM), cho biết mỗi ngày chị phải đổi ở chỗ quen biết ít nhất 500.000 đồng tiền lẻ, nếu không khó mà buôn bán bình thường được. Có lúc không đủ tiền lẻ phải chấp nhận giảm giá bán 500 - 1.000 đồng, hoặc phải đi mua món hàng thường dùng để có tiền lẻ thối lại cho khách. Chúng tôi đã từng dùng tờ 20.000 đồng trả tiền tô cháo huyết có giá 4.000 đồng, thế mà người bán cháo vất vả ngược xuôi đến 3 cửa hàng gần đó đổi tiền lẻ mà vẫn không đủ, đành phải thuyết phục khách hàng nhận tiền thối lại bằng 2 điếu thuốc lá.
Thực tế cho thấy, từ năm 2005, NH Nhà nước chủ trương không phát hành thêm tiền giấy mệnh giá nhỏ (dưới 10.000 đồng) nhằm tăng cường lưu thông tiền kim loại. Tuy nhiên, hiện nay lượng tiền này lưu thông không đồng đều, đang có dấu hiệu vơi đi. NH Nhà nước cần phải theo dõi chặt chẽ hơn nữa, để có biện pháp xử lý thích hợp.
NLĐ
|