Khống chế cho vay đầu tư chứng khoán: Một liều thuốc mạnh cho bệnh... cảm xoàng
Đó là nhận định của ông Vũ Thành Tự Anh, Phó giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright khi trả lời phỏng vấn của Thanh Niên về quy định khống chế tỷ lệ cho vay đầu tư kinh doanh và cầm cố chứng khoán của các NH ở mức dưới 3% tổng dư nợ của Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN).
* Dư luận vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về mức khống chế cho vay đầu tư chứng khoán 3% đối với các NH, xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
- Điều đầu tiên phải khẳng định là việc kiểm soát dư nợ tín dụng đối với các hoạt động cho vay chứng khoán là cần thiết. Thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển nhanh trong mối quan hệ liên thông với các thị trường tín dụng và nhà đất... Sự biến động của TTCK có thể có tác động lớn và trực tiếp đến các thị trường còn lại. Nếu có rủi ro ở TTCK thì có thể ngân hàng (NH) và thị trường đất đai cũng bị ảnh hưởng, và khi ảnh hưởng đủ lớn thì có thể gây nên khủng hoảng cho nền kinh tế. Cộng thêm vào bối cảnh đó là lo ngại của Nhà nước về lạm phát. 6 tháng đầu năm, mức độ lạm phát cao hơn nhiều so với dự đoán. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục thì đến cuối năm sẽ không đạt được mục tiêu lạm phát đã đặt ra. Từ những yếu tố đó, việc NHNN đưa ra một biện pháp nào đó là cần thiết.
* Một biện pháp can thiệp thích hợp là cần thiết, thế nhưng quy định khống chế nói trên lại không được nhiều người đồng tình?
- Cái mà người ta không đồng ý, theo tôi là cách làm của NHNN. Rất khó để luận giải về cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn để đưa ra con số 3% này. Nhưng điều này cũng chưa quan trọng bằng mục đích của bản thân việc điều tiết. Rõ ràng, mục đích của hoạt động điều tiết là đảm bảo an toàn cho hệ thống NH. Để làm việc này, NHNN đã có sẵn công cụ. Theo tôi hiểu, các NH VN đang áp dụng tiêu chuẩn Basel 1 (tiêu chuẩn về hệ số đủ vốn của các NH), trong khi các nước tiên tiến đang áp dụng tiêu chuẩn Basel 2. Chính trên cơ sở hệ số đủ vốn này mà các NH sẽ quyết định xem khoản tiền cho vay chứng khoán của mình là bao nhiêu. Đứng dưới góc độ quản lý của Nhà nước, điều nên làm là quy định hệ số rủi ro cho các khoản cho vay đầu tư chứng khoán. Từ đó, từng NH sẽ phải tính xem mình được phép cho vay chứng khoán bao nhiêu phần trăm trên tổng dư nợ. Hay nói cách khác, phải giải bài toán ngược xuất phát từ tính ổn định và bền vững của hệ thống NH. Sau đó căn cứ vào công cụ đã có là Basel để quy định trọng số rủi ro cho vay đầu tư chứng khoán. Nếu thấy quá rủi ro thì tăng trọng số rủi ro lên và ngược lại. Như vậy, NHNN sẽ không can thiệp quá thô bạo vào hoạt động của các NH mà vẫn đạt được mục đích đảm bảo được an toàn cho hệ thống NH.
* Đơn giản vậy nhưng theo ông, vì sao NHNN VN không thực hiện theo cách này?
- Theo tôi là do hệ thống thông tin quá kém. NHNN không kiểm soát được mức độ an toàn vốn của các tổ chức tín dụng nên đành phải dùng biện pháp rất hành chính như vậy. Sử dụng các biện pháp hành chính thì dễ cho NHNN nhưng làm khó cho các NH thương mại, làm khó cho nền kinh tế vì can thiệp quá sâu vào hoạt động nội bộ và trói chân trói tay, làm cho các NH mất đi sự linh hoạt của mình. Có thể nói, NHNN đã sử dụng một liều thuốc mạnh cho bệnh cảm xoàng.
* Các NH đang cho vay cầm cố chứng khoán với mức định giá cho vay chỉ khoảng 30 - 40% giá thị trường. Có ý kiến cho rằng, TTCK có giảm xuống 1/2 so với hiện nay thì các NH vẫn an toàn. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Như tôi đã nói trên, mục đích cuối cùng là an toàn. Vì vậy, nên quy định tỷ lệ là bao nhiêu. Ở đây có 2 sự lựa chọn. Thứ nhất, giải bài toán ngược. Với cơ cấu dư nợ như thế này, với cách các NH thương mại cho vay như thế này thì đến hiện nay là bao nhiêu phần trăm? Ở từng đó phần trăm thì mức độ rủi ro như thế nào? Mỗi NH sẽ so sánh với tiêu chuẩn Basel. Nếu quy định là 3% mà vẫn đạt được tiêu chuẩn Basel thì hiển nhiên có thể nới rộng ra tới 5%, 7%... miễn là đạt được tiêu chuẩn Basel. Cách thứ hai là thay đổi trọng số rủi ro trong hoạt động cho vay chứng khoán. Nếu thấy thời điểm này thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro thì tăng trọng số rủi ro lên. Làm như vậy, NH sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc lựa chọn danh mục cho vay của mình, tức là nếu đã cho vay một số khoản với hệ số rủi ro cao thì phải bớt cho vay cái khác. Chứ làm như NHNN là chỉ cho các NH đi một cửa duy nhất. Đưa ra mức trần là 3%, tự dưng trói các NH trong hoạt động kinh doanh cho vay đầu tư chứng khoán mà vẫn không tác động được với khu vực còn lại và không biết chắc là mức độ an toàn của toàn hệ thống như thế nào. Như vậy, NHNN VN vẫn nắm đằng lưỡi chứ không phải nắm đằng chuôi.
* Các biện pháp can thiệp hành chính kiểu như vậy sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đối với sự phát triển kinh tế nói chung, thưa ông?
- Một trong những yêu cầu rất quan trọng khi chúng ta gia nhập WTO là giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế. Đây cũng là yêu cầu nội tại của nền kinh tế. Tức là tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định, có khả năng dự đoán được và minh bạch. Nếu không có khả năng dự đoán được các dự lệnh của Nhà nước hoặc các dự lệnh đưa ra quá ngắn như kiểu 15 ngày (15 ngày có hiệu lực sau khi đăng công báo) sẽ khiến các doanh nghiệp (DN) không thích nghi được với điều kiện, quy định, cơ chế mới. Đứng từ góc độ quản lý vĩ mô, sẽ làm cho môi trường không ổn định. Đứng từ góc độ của những người chịu tác động trực tiếp là các ngân hàng, các DN... sẽ hết sức bị động và khó thích nghi. Chúng ta hay nói VN không có DN lớn. Nhưng lớn làm sao được nếu anh chỉ có tầm nhìn một vài năm và luôn trong trạng thái phải đối mặt với những thay đổi đột ngột, không được báo trước trong môi trường kinh doanh. Theo tôi, Nhà nước phải thay đổi cách thức can thiệp vào nền kinh tế. Có thể can thiệp bằng các công cụ điều tiết nhưng khi thực hiện chức năng đó cũng phải biết được sẽ gây ra điều gì, các DN sẽ phản ứng như thế nào... Tức là các cơ quan nhà nước phải phân tích và cân nhắc chi phí kinh tế - xã hội của từng chính sách, chứ không chỉ ra chính sách dựa vào cảm tính hay sự thuận tiện của mình.
* Xin cảm ơn ông.
Thanhnien
|