Thị trường chứng khoán - những điều cảnh báo!
Thị trường chứng khoán là thị trường cao cấp nhất trong các loại thị trường, khác với các loại thị trường khác, như thị trường hàng hóa, thị trường sức lao động, thị trường khoa học - công nghệ, bởi nó thường ra đời sau các loại thị trường trên, bởi nó là thị trường vốn, mà lại là dòng vốn tài chính.
Tuy mục tiêu cũng là huy động vốn, nhưng huy động vốn trên thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế, khác với việc huy động vốn từ kênh ngân hàng là kênh huy động vốn ngắn hạn.
Về tính "cao cấp" của nó thì đã có nhiều người nghi ngờ. Vào cuối năm 2006 và đầu năm 2007, các nhà đầu tư chuyên nghiệp gần như đứng ngoài cuộc đua đầu tư, trong hàng trăm nghìn nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán có không ít người đầu tư là chị tiểu thương, các cháu sinh viên, các bác về hưu với số tiền nhỏ lẻ và điều bất ngờ là ai cũng thắng, tính bình quân chung là bỏ ra một thì thu về ba, có người gấp năm, gấp mười! Tuy nhiên, thị trường này đã sàng lọc dần các nhà đầu tư thiếu tính chuyên nghiệp, đầu tư theo phong trào theo hai nghĩa.
Nghĩa thứ nhất là do nguồn vốn nhỏ lẻ, lại phải đi vay, nên cứ có lãi là bán do ăn non, thấy giá cao thì mua, thấy giá xuống thì bán do sợ lỗ. Nghĩa thứ hai là đầu tư theo phong trào, dễ rơi vào "bẫy" của những người "làm giá". Người làm giá bây giờ có nhiều mánh khóe lắm, trong đó có một mánh khóe mà không ít người đã mắc "bẫy". Những nhà đầu tư này, nếu từng người một thì số vốn không đủ lớn để "làm giá", nhưng nếu họ góp vốn liên doanh với nhau thì có một lượng vốn không nhỏ, có thể làm khuynh đảo một mã chứng khoán nào đó. Họ chọn một mã chứng khoán có lượng vốn không lớn, họ mua tất cả hoặc gần như tất cả. Sau đó họ vừa mua, vừa bán, tất nhiên là với giá kịch trần, để đẩy giá của mã chứng khoán này "phi mã", gây cho các nhà đầu tư khác có cảm giác đây là cổ phiếu "quý". "Quý" chưa đủ, họ còn tạo ra tình trạng "hiếm" bằng cách bán rất nhỏ giọt, còn đưa ra lệnh mua lớn hơn nhiều để tạo ra là liên tục dư mua. "Quý" càng làm cho "hiếm" và "hiếm" càng làm cho "quý", khi "quý và hiếm" kết hợp với nhau sẽ tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư trên thị trường, tốc độ tăng giá của mã chứng khoán này đã "phi mã" lên mức gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần, đến công ty niêm yết cũng không thể ngờ tới, đến cơ quan chức năng có kiểm tra, thanh tra cũng khó phát hiện được, vì người mua và người bán khác hẳn nhau.
Một câu hỏi đặt ra là họ lấy tiền ở đâu ra để mua với một lượng vốn lớn khi thị giá của mã chứng khoán đó đã cao ngất ngưởng. Thật đơn giản, vì mua và bán đều là một nhóm chung, vốn chung, họ có mất gì đâu khi mua của chính mình! Đến một độ cao nhất định, họ sẽ bán nhiều hơn mua để thu lãi; lúc này dù giá có giảm một vài phần trăm thì họ cũng đã lãi gấp hàng chục, hàng trăm lần mệnh giá rồi.
Nói là sàng lọc, nhưng có lẽ chẳng bao giờ lại không có những nhà đầu tư nhỏ lẻ cả (cũng giống như bên cạnh những nhà tư bản lớn thì cũng không bao giờ thiếu các nhà sản xuất kinh doanh cá thể). Hãy tưởng tượng, khi giá chứng khoán xuống, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ bán tháo để khỏi lỗ, thì nhà đầu tư lớn lại đẩy mạnh mua vào, giá chứng khoán lại lên một chút và sẽ kéo các nhà đầu tư nhỏ lẻ không những không bán ra nữa mà còn tiếp tục mua vào. Vốn của họ tuy nhỏ, nhưng số nhà đầu tư nhỏ lẻ lại gấp hàng trăm hàng nghìn lần các nhà đầu tư lớn, nên họ cũng là một lực lượng đáng nể trên thị trường chứng khoán hiện nay. Về mục tiêu huy động vốn, thì thị trường chứng khoán hiện mới chỉ đạt được một phần. Một phần đó là khi các công ty huy động vốn thông qua việc đấu giá, hoặc phát hành cổ phiếu (còn gọi là thị trường sơ cấp). Còn một phần khác quan trọng hơn lại chưa đạt được khi tính theo thị giá (còn gọi là thị trường thứ cấp) thì chủ yếu là các nhà đầu tư "chơi" với nhau mà sự thắng lợi của nhà đầu tư này đồng thời là sự thua thiệt, thậm chí là sự phá sản của các nhà đầu tư khác. Lượng vốn "chơi" với nhau này không trực tiếp làm tăng vốn chủ sở hữu của các công ty cổ phần, mà chỉ là chuyển từ nhà đầu tư này sang nhà đầu tư khác.
Một biểu hiện khác của việc chưa thực hiện được đầy đủ mục tiêu của thị trường chứng khoán, đó là đáng lẽ vốn huy động vào thị trường chứng khoán là nguồn vốn được huy động trực tiếp từ các nhà đầu tư, chứ không phải là chảy từ ngân hàng thương mại sang. Chính vì thế, khi Ngân hàng Nhà nước khống chế tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán không được vượt quá 3% tổng dư nợ tín dụng, thì lập tức ảnh hưởng đến giá trên thị trường chứng khoán, từ thị trường tập trung đến phi tập trung (OTC), từ thị trường sơ cấp (phát hành cổ phiếu khi đấu giá hoặc phát hành bổ sung khi cần huy động thêm) đến thị trường thứ cấp (giá mua, bán cổ phiếu giữa các nhà đầu tư).
Đây là những cảnh báo cần thiết về thị trường chứng khoán hiện nay.
TN
|