Thứ Bảy, 23/06/2007 00:23

“Sóng thần” 03 tiếp tục lan tỏa

Liên tiếp 2 số báo gần đây, ĐTTC đã đề cập ảnh hưởng của Chỉ thị 03 về khống chế dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán (CK). Điều này đã thực sự trở thành cơn “sóng thần” làm chao đảo thị trường và tác động khá rõ nét đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng (NH) thương mại.

* “Đóng cửa” cho vay kinh doanh CK

Do dư nợ cho vay kinh doanh CK chiếm 10% tổng dư nợ (TDN) nên khi có quy định khống chế dư nợ dưới 3%, OCB đã chỉ đạo ngay các chi nhánh rà soát lại các hợp đồng vay vốn kinh doanh CK đến hạn thu hồi nợ, không cho gia hạn và không tái cho vay để kinh doanh CK. Nay OCB cho vay cầm cố CK để thực hiện các mục đích khác và NH này đã giảm 100 tỷ đồng dư nợ từ cho vay kinh doanh CK.

Ông Lâm Hữu Hạnh, Phó Tổng giám đốc OCB, cho biết thời hạn thu nợ đến đâu thì NH thực hiện đến đó chứ không thể phá vỡ hợp đồng vay, thu nợ trước hạn với khách hàng để thực hiện đúng tiến độ theo quy định của NHNN.

Việc thu hồi nợ đến hạn và không cho gia hạn nợ làm không ít khách hàng phải bán CK và rút bớt vốn từ sản xuất kinh doanh để trả nợ NH. Ngay cả việc xử lý nợ cũng phải có thời gian vì CK đang rớt giá, không dễ gì nhà đầu tư bán được. Vì vậy, có thể gần đến cả năm, NH mới có thể thực hiện đúng theo quy định của Chỉ thị 03.

Là một trong những NH đầu tiên triển khai cho vay kinh doanh CK, đến nay ACB cho vay vượt mức quy định của NHNN khoảng 1-2% TDN. Đây không phải là mức khó khi xử lý nhưng NH này cũng đã tiến hành các biện pháp quản lý chặt chẽ. Với những món cho vay đã cam kết trước, ACB vẫn giải ngân và thu nợ các hợp đồng tín dụng cũ lúc đến hạn nhưng NH hạn chế cho vay mới và kiểm tra kỹ mục đích khi cho vay cầm cố bằng CK.

Trước đây, Sacombank cho vay kinh doanh CK chiếm 4% TDN nên việc xử lý theo Chỉ thị 03 cũng khá nhanh. Đến thời điểm này  TDN của Sacombank đạt 20.000 tỷ đồng, trong đó cho vay kinh doanh CK đạt 600 tỷ đồng, chiếm 3% TDN. Hiện Sacombank đã chính thức ngưng cho vay kinh doanh CK.

Bà Phan Bích Vân, Tổng giám đốc Sacombank, cho biết sở dĩ Sacombank xử lý nhanh là vì NH cho vay thời hạn chỉ 2 tháng và luôn có hạn mức cụ thể để bảo đảm an toàn.  Trước đó Sacombank cũng đã có dự đoán việc NHNN Việt Nam siết chặt tỷ lệ này nên việc xử lý khá chủ động. Các NH khác như VIB Bank, VPbank… cũng đang gấp rút thu hồi nợ và ngưng cho vay. Eximbank cho vay kinh doanh CK chiếm 2,7% TDN nhưng vẫn tuyên bố dừng cho vay.

Phần lớn các NH  cho biết sẽ thực hiện Chỉ thị 03 nhưng nếu phá vỡ hợp đồng dân sự giữa NH với khách hàng để thu nợ trước hạn, NH sẽ có nguy cơ bị người vay kiện. Vì vậy giảm tỷ lệ dư nợ cho vay kinh doanh CK xuống 3% là sức ép lớn cho các NH hiện nay.

* Chuyển hướng kinh doanh

Theo ông Phạm Linh, Giám đốc kinh doanh VIB Bank TPHCM, hiện nay các NH cho vay vượt tỷ lệ khống chế 3% khá nhiều. Việc đáo hạn và không tiếp tục cho vay đang gây một áp lực bán CP dữ dội cho các nhà đầu tư vì những người kinh doanh CK đa phần đều vay tiền để kinh doanh.

Thực tế cho thấy lượng cung tiền tệ cho TTCK càng giảm thì áp lực bán CP càng lớn. “Chỉ thị 03 đưa ra nhưng không có số liệu thống kê rủi ro đối với nhà đầu tư và việc xác định mức 3% sẽ có tác động như thế nào đến nền kinh tế. Trong khi tham gia TTCK với tư cách là người cấp vốn, các NH đánh giá rủi ro rất tốt, CK được các NH sàng lọc và cho vay thường bảo đảm an toàn…” – ông Linh nói.

Việc hạn chế cho vay CK buộc các NH thắt chặt hầu bao tín dụng không những có nguy cơ khách hàng quay lưng với hoạt động NH mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận của các NH. Hiện nay nhiều NH đã rút nguồn vốn từ cho vay kinh doanh CK để chuyển sang cho vay vào lĩnh vực khác như xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh, bất động sản, tín dụng tiêu dùng, mua ô tô…

Theo bà Phan Bích Vân, thay vì khống chế tỷ lệ dư nợ, NHNN nên khống chế tỷ lệ trích lập dự phòng đối với khoản dư nợ cho vay CK thì khả thi hơn. Ông Nguyễn Lê Nam, bộ phận cho vay có thế chấp của ACB, cho biết sẽ gửi công văn xin ý kiến của NHNN có hướng dẫn lộ trình cụ thể để thực hiện Chỉ thị 03 nhằm hạn chế khó khăn cho khách hàng và ảnh hưởng đến quan hệ giữa NH và khách hàng.

Theo ông Nam, ACB triển khai cho vay kinh doanh CK từ năm 2002 đến nay nhưng chưa xảy ra tình trạng nợ quá hạn. Việc này xuất phát từ việc ACB có hệ thống quản lý rủi ro chặt chẽ trong lĩnh vực này.

* Nhà đầu tư bất an

Ông Nguyễn Quốc Hương, Phó tổng giám đốc Eximbank, cho rằng việc đưa một biện pháp hành chính can thiệp vào nền kinh tế là không nên. Nhà đầu tư rất ngại môi trường kinh doanh mà họ không thể ngờ trước rủi ro có thể xảy ra do sự can thiệp bằng biện pháp hành chính.

Thời gian gần đây, các chính sách liên quan đến TTCK tác động rất lớn đến tâm lý của nhà đầu tư, ngoài UBCKNN quản lý và giám sát TTCK còn có NHNN và cả cơ quan thuế cũng thể hiện vai trò can thiệp vào TTCK. Nhà đầu tư cảm thấy khi họ kiếm được lời thì các cơ quan quản lý nhảy vào can thiệp, siết lại trong khi lúc bị rủi ro thì không ai tính đến.

Ông Hồ Hữu Hạnh, Phó Giám đốc thường trực NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết NHNN chi nhánh TPHCM sẽ kiểm tra việc thực hiện theo Chỉ thị 03, nếu NH nào không chấp hành và không đạt yêu cầu thì NHNN sẽ cảnh báo và có biện pháp xử lý. Nếu gặp khó khăn trong quá trình thực hiện các NH có thể gửi văn bản kiến nghị NHNN để tìm ra các giải pháp tháo gỡ.

Để rộng đường dư luận, PV báo ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng vụ chiến lược NH –NHNN Việt Nam. Ông cho biết: Cách đây hơn một năm, NHNN Việt Nam đã dự định sẽ gây áp lực hạn chế các NH thương mại Việt Nam cho vay kinh doanh CK. Sau khi cân nhắc, NHNN Việt Nam thấy rằng không nên cấm vì TTCK Việt Nam là một thị trường mới nổi nên chỉ cảnh báo các NH thương mại tự kiểm soát rủi ro, cho vay ít vào TTCK. Tuy nhiên, một số NH thương mại không quan tâm đến khuyến cáo của NHNN Việt Nam. Nhiều NH đẩy mạnh cho vay kinh doanh CK rất cao, dễ phát sinh mất an toàn tín dụng.

Theo thanh tra toàn ngành NH của NHNN Việt Nam thì có đến 12 NH thương mại nhỏ cho vay vượt xa mức 3% đến hàng chục lần, dễ dẫn đến nguy cơ làm đổ bể NH và làm mất an toàn hệ thống. Chính vì vậy, NHNN Việt Nam buộc phải ban hành Chỉ thị 03. Chỉ thị này chủ yếu làm nền tảng cho NHNN Việt Nam kiểm soát được việc cho vay kinh doanh CK ở một số NH.

Sắp tới, NHNN Việt Nam sẽ có hướng dẫn thực hiện chỉ thị đó, trong đó quy định lộ trình 9 tháng hoặc một năm để hỗ trợ các NH thương mại hiện đang cho vay kinh doanh CK ở mức cao giảm xuống tỷ lệ dư nợ cho vay 3% theo quy định của Chỉ thị 03. Tỷ lệ 3% này cũng có thể thay đổi nếu NHNN Việt Nam thấy cần thiết.

Hiện nay ở một số nước như Ấn Độ quy định tỷ lệ cho vay kinh doanh CK không quá 5% và ở hầu hết các nước khác, các NH thương mại tự khống chế tỷ lệ đó phù hợp khả năng quản trị rủi ro của từng NH.

SGGP

Các tin tức khác

>   “Bội thực” chia cổ tức bằng cổ phiếu (23/06/2007)

>   Giao dịch CP bất thường: “Bắc thang lên hỏi ông Trời” (22/06/2007)

>   Nên bắt đầu từ đâu trên thị trường chứng khoán? (22/06/2007)

>   Nhiều tín hiệu tốt cho TTCK (22/06/2007)

>   Tin vắn DN đăng ký giao dịch tại TTGDCK Hà Nội ngày 22/6 (22/06/2007)

>   SAV Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (22/06/2007)

>   VIS Thông báo thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị (22/06/2007)

>   VTA: Nghị quyết Hội đồng Quản trị (22/06/2007)

>   ITA: Kết quả giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (22/06/2007)

>   Thông tin quản lý thị trường (22/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật