Châu Á cần có vai trò lớn hơn với kinh tế TG
Quan chức và các lãnh đạo doanh nghiệp châu Á đang cho rằng châu lục này cần đảm nhiệm một vai trò lãnh đạo đối với nền kinh tế thế giới hiện nay trong công cuộc đối phó với các thử thách, khủng hoảng mang tầm cỡ toàn cầu.
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á tổ chức cuối tuần qua tại Singapore. | Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á tổ chức cuối tuần qua tại Singapore, nhiều ý kiến cho rằng đó là một định hướng cần suy tính.
Thứ trưởng Tài chính Singapore, ông Tharman Shanmugaratnam, cảnh báo rằng nguy cơ về một cộc khủng hoảng tài chính khu vực như cách đây 10 năm vẫn còn đâu đó. Và để phòng chống, không có cách nào tốt hơn là chủ động tham gia vào việc giải quyết các vấn đề chung của nền tài chính toàn cầu, với một vai trò năng động và quan trọng hơn.
"Bất chấp những thành công vang dội của các nước châu Á thời gian qua, thế giới vẫn có định kiến rằng châu lục này thiếu khả năng khắc chế các thử thách, khủng hoảng mang tầm cỡ toàn cầu. Do vậy, các nước này cần thể hiện vai trò là những tay chơi chính có khả năng giải quyết các tình huống toàn cầu", Carlos Ghosn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hãng xe Pháp Renault và hãng xe Nhật Nissan, nhận xét.
Tổng thống Philippines Gloria Arroyo cho rằng tại châu Á, có đủ các nhà lãnh đạo tài ba cũng như các tổ chức đủ khả năng để đảm nhiệm một vai trò lãnh đạo đối với nền kinh tế thế giới hiện nay trong công cuộc chống bất cân bằng thương mại và tài chính trên toàn cầu.
Một trong những tổ chức đủ mạnh để làm điều đó được bà đưa ra chính là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Theo bà Gloria Arroyo, hiện Mỹ đang bận tâm với những mối quan tâm lớn ở Trung Đông nên tại châu Á, có thể coi là đang xuất hiện khoảng trống quyền lực.
Theo bà, cho dù Nhật Bản, Trung Quốc vẫn đang cố gắng khẳng định vai trò của mình tại đây thì những mối quan tâm chính của họ vẫn mới chỉ nằm ở vài điểm nóng nhỏ lẻ, như bán đảo Triều Tiên mà thôi.
Trong khi đó, tại khu vực năng động này, có quá nhiều vấn đề có thể được đưa lên bàn nghị sự.
Nhiều đại biểu cũng đồng ý với những nhận định trên, đồng thời tin rằng châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng cần có vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, chẳng hạn đóng góp vào thành công của vòng đàm phán Doha, vốn đang vô cùng bế tắc.
Trên tất cả, đa số đại biểu vẫn tin rằng, thế kỷ XXI là thế kỷ của châu Á.
VNN, AP, CNNMoney, Reuters
|