Chậm tiến độ nhà máy lọc dầu, do đâu?
Ông Trần Lê Trung, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất, giải thích vì sao tiến độ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất không được như dự kiến.
Vấn đề được nhiều người quan tâm là tiến độ xây dựng dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Theo hợp đồng đã ký với Tổ hợp nhà thầu Technip (TPC) thì thời gian thi công là 44 tháng, kể từ ngày 25/6/2005. Như vậy, đến nay đã tròn 2 năm và qua hơn nửa chặng đường. Chúng ta đã làm được những gì, thưa ông?
Trước hết cũng cần nói để các bạn được rõ: trong thời hạn 44 tháng theo hợp đồng với TPC thì việc thiết kế, mua sắm và xây lắp cơ khí chiếm 36 tháng; chạy thử, chạy nghiệm thu 8 tháng.
Đến tháng 6/2007, công tác thiết kế các gói thầu 1+4, 2+3 đã đạt trên 95% khối lượng; mua sắm thiết bị và vật tư đạt gần 80% khối lượng. Hơn 70.000 tấn thiết bị, trong đó có những thiết bị siêu trường, siêu trọng như Tháp tách propylene (cao 81 mét, nặng 431 tấn) đã được nhập về từ Malaysia để chuẩn bị lắp đặt. Có gần 10.000 cán bộ, chuyên gia, công nhân đang làm việc trên công trường xây dựng nhà máy; trong đó có gần 400 chuyên gia nước ngoài.
Riêng 2 hạng mục quan trọng là đê chắn sóng (gói thầu 5A), cảng xuất sản phẩm (gói thầu 5B) thi công ngoài biển có nhiều khó khăn nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ chung. Đê chắn sóng theo thiết kế dài gần 1.600 mét, thân đê rộng 11 mét, cao so với mặt nước biển 10-11 mét; nay đã thi công được 1.200 mét ở cao trình +2 mét đến +4 mét...
Nói chung, tiến độ tổng thể của nhà máy lọc dầu sau 24 tháng thi công đạt trên 60%, chậm khoảng 19% (tương đương hơn 4 tháng)...
Thưa ông, đâu là nguyên nhân và Ban quản lý Khu kinh tế có phần trách nhiệm nào trước thực tế chậm trễ này?
Nguyên nhân gây nên tình trạng chậm tiến độ, theo nhà thầu Technip là do các thầu phụ, chủ yếu là phía Việt Nam còn yếu về năng lực và kinh nghiệm thi công, lao động có tay nghề cao còn thiếu, nên thi công không đồng bộ và hiệu quả.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo của Ban quản lý dự án nhà máy lọc dầu thì nguyên nhân từ rất nhiều phía: do nhà thầu Technip chưa có đủ chuyên gia giám sát, việc điều hành một số khâu không chặt chẽ; một số nhà thầu phụ Việt Nam thiếu phương tiện thi công và nhân lực; ngoài ra còn có nguyên nhân do địa chất công trình quá phức tạp, công tác khảo sát trước đây lại không thực hiện đầy đủ, các nhà thầu chưa lường hết khó khăn khi đối diện với thực tế..
Theo tôi, trách nhiệm lớn nhất và trực tiếp nhất đối với dự án nhà máy lọc dầu là chủ đầu tư và nhà thầu. Đến nay, những trở ngại lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ nhà máy liên quan rất ít đến vai trò quản lý nhà nước một khu công nghiệp, khu kinh tế. Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất chúng tôi đã tập trung cao độ để phát triển hạ tầng, tiện ích, dịch vụ phục vụ tốt cho việc thi công Nhà máy Lọc dầu.
Đến nay vẫn có một số người cho rằng hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất hiện có là thừa thãi và lãng phí. Ông có ý kiến gì trước vấn đề này?
Hệ thống hạ tầng, tiện ích trong Khu kinh tế Dung Quất được hình thành, trước hết để đáp ứng yêu cầu triển khai dự án nhà máy lọc dầu, đồng thời với yêu cầu thu hút đầu tư để từng bước hình thành tổ hợp công nghiệp - đô thị quy mô lớn của niền Trung. Vì vậy khi nhà máy gặp trục trặc thì dưới mắt nhiều người, hệ thống hạ tầng này trở nên thừa thãi và lãng phí.
Đến nay, toàn bộ hệ thống hạ tầng tại đây đã được đầu tư với tổng vốn khoảng 200 triệu USD. Trong đó vốn ngân sách khoảng 1.300 tỷ đồng, nhưng đã hình thành được: khoảng 100 km đường trục chính, một đài truyền hình kỹ thuật số, một trung tâm quan trắc môi trường, một trường đào tạo nghề thuộc loại quy mô lớn trong cả nước, một bệnh viện 100 giường theo chuẩn quốc tế, một trung tâm văn hoá thể thao...
Tất cả lại đang trở nên nhỏ bé và thiếu thốn so với nhu cầu của một loạt dự án lớn đang được triển khai, không kể dự án nhà máy lọc dầu sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2009. Nếu chỉ kể riêng các công trình hạ tầng kỹ thuật do ngân sách Nhà nước đầu tư trong thời gian qua là khoảng 500-700 tỷ đồng để phục vụ 4 dự án lớn đang triển khai (là nhà máy lọc dầu, nhà máy đóng tàu, nhà máy thép Tycoon và nhà máy thiết bị nạng Doosan) có tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ USD thì đã thấy ngay sự bất cập.
Dự kiến ngay năm 2008, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Khu kinh tế Dung Quất sẽ thiếu nghiêm trọng. Quy hoạch tổng thể đầu tư - phát triển Khu kinh tế Dung Quất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì nay đến năm 2010, cần ít nhất 5.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách..
Thưa ông, vậy đâu là giải pháp quan trọng nhất để khắc phục nhanh và hiệu quả những bất cập của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và tiện ích ở Khu kinh tế Dung Quất trong thời gian tới?
Giải pháp quan trọng nhất để khắc phục bất cập này không có gì khác hơn là Nhà nước phải tiếp tục đầu tư, trước hết là đáp ứng tỷ lệ giữa vốn đầu tư hạ tầng, tiện ích chung và vốn đầu tư của doanh nghiệp theo tỷ lệ phổ biến của các khu công nghiệp.
Tức là phải tăng tỷ lệ từ khoảng 0,5% hiện nay lên khoảng 2% so với tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp.
Con số hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư từ ngân sách cho hạ tầng tại Dung Quất thực sự có ý nghĩa nếu như nó chỉ phục vụ cho vài chục, thậm chí vài trăm dự án quy mô nhỏ; nhưng nó chưa là gì khi phải phục vụ cho chỉ riêng 5 dự án mà số vốn đầu tư đã gần 5 tỷ USD (tức gần 80 nghìn tỷ đồng).
TBKTVN
|