TP hồ Chí Minh: Mời gọi đầu tư vào cơ sở hạ tầng
Cơ cấu kinh tế của TPHCM có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, xây dựng; giảm dần tỉ trọng nông nghiệp. Đầu tư vào một TP lớn nhất nước sẽ là một thuận lợi đối với các doanh nghiệp FDI
Năm 2006, quan hệ thương mại giữa Mỹ và VN đạt 9,7 tỉ USD; trong đó hàng hóa VN xuất khẩu sang Mỹ đạt 6 tỉ USD, nhập khẩu từ Mỹ đạt 1,1 tỉ USD. Trước sự phát triển này, nhiều doanh nghiệp (DN) Mỹ rất nóng lòng muốn tìm hiểu thị trường và đầu tư vào Việt Nam”. Ông William Marshak, tùy viên Tổng Lãnh sự Mỹ tại TPHCM, đã khẳng định như vậy tại hội thảo “Cơ hội đầu tư, kinh doanh tại VN” do Bộ Công nghiệp, VCCI tổ chức ngày 23-6 tại TPHCM, với sự tham gia của hơn 200 DN thuộc Hiệp hội DN Mỹ và các DN trong nước.
Các ngành công nghiệp mũi nhọn
Trong năm 2006, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2006–2010, cả nước có khoảng 797 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép với vốn đăng ký 7,57 tỉ USD, trong đó đa số đầu tư vào khu vực công nghiệp, đạt 5 tỉ USD. Một số dự án mới được cấp phép có quy mô đầu tư lớn như: Công ty TNHH Điện tử Meiko đầu tư 300 triệu USD. Công ty TNHH Intel Products VN đầu tư giai đoạn 2 là 605 triệu USD, Công ty Thép Posco đầu tư hơn 1,1 tỉ USD. Tính chung cả giai đoạn này, nguồn vốn FDI cần huy động khoảng 24 tỉ USD (lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là 14 tỉ USD).
Giải đáp thắc mắc của một số DN Mỹ đến từ Texas về danh mục các lĩnh vực mà VN đang kêu gọi đầu tư, ông Lê Văn Được, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ Công nghiệp, cho biết: VN đang chú trọng đến các dự án FDI cho công nghiệp năng lượng, công nghiệp sản xuất vật liệu, công nghiệp hóa, dầu, công nghiệp có công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp điện tử – tin học, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn và các ngành công nghiệp nằm trong danh mục các ngành ưu tiên, mũi nhọn. Một số dự án công nghiệp trọng điểm kêu gọi vốn FDI giai đoạn 2006-2010 cũng đã được giới thiệu với các DN Mỹ. Cụ thể như: Nhà máy thép tấm cán nóng tại Hà Tĩnh hoặc Bà Rịa – Vũng Tàu, vốn đầu tư khoảng 270 – 500 triệu USD. Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn – Thanh Hóa, công suất 7 triệu tấn/năm, với vốn đầu tư 3,5 tỉ USD. Nhà máy sản xuất Olefin và chất dẻo PE ở miền Nam hoặc miền Trung, công suất 600.000 tấn/năm với vốn đầu tư 1,17 tỉ USD. Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 2 tại Cần Thơ, công suất 720 MW với vốn đầu tư 480 triệu USD.
Bốn dự án được mời gọi với chính sách ưu đãi
Bà Nguyễn Vương Nga, Trưởng Phòng Xúc tiến thương mại, Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM, thông tin thêm: Hiện nay, TP có hơn 82.000 DN tư nhân, mỗi ngày lại có thêm 100 DN mới. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các đơn vị FDI tìm kiếm đối tác liên doanh. Trong đó, các dự án đầu tư về hạ tầng cơ sở được ưu tiên nhất. TP quyết định dành cho những nhà đầu tư về hạ tầng cơ sở được kèm theo một dự án FDI về bất động sản, phát triển thành khu đô thị mới tìm kiếm lợi nhuận nhằm thu hút những dự án liên quan đến lĩnh vực này. Có 4 dự án hiện đang kêu gọi đầu tư là cầu Bình Khánh – Cần Giờ, khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu bán đảo Bình Quới – Thanh Đa và một số tuyến metro dự kiến đến năm 2020 đi vào hoạt động. Trong đó, tuyến Bến Thành – Suối Tiên – Thủ Đức sẽ khởi công xây dựng vào năm 2008 với vốn đầu tư trên 1 tỉ USD (85% sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật).
“Ngoài các lĩnh vực đầu tư như: công nghiệp điện, chế tạo máy móc, công nghệ thông tin, đóng gói, không lưu... các DN Mỹ nên chú ý lĩnh vực “nhượng quyền thương hiệu” vì đối với một TP năng động như TPHCM, đời sống ngày càng nâng cao, người dân TP rất ưa chuộng các thương hiệu mang đẳng cấp quốc tế” - ông William Marshak đã đưa ra lời khuyên cho các DN Mỹ.
NLĐ
|