Thứ Hai, 25/06/2007 06:44

Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản thời hội nhập

Bài 1: Những câu chuyện thần kỳ

Chuyện xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam, dưới mắt nhiều nhà kinh doanh nước ngoài như những “câu chuyện thần kỳ”. Chỉ thời gian ngắn, những mặt hàng như gạo, hạt điều, hồ tiêu, cà phê, gỗ chế biến… và mới nhất là con cá tra, cá basa đã lớn mạnh, chi phối thị trường thế giới.

Chuyện thứ 1: Thần kỳ con cá da trơn

Tại hội nghị thương mại và công nghệ cá da trơn toàn cầu, Thứ trưởng Bộ Thủy sản Lương Lê Phương phát biểu, vốn là loài cá bản địa châu thổ sông Mekong, cá tra, ba sa được sử dụng làm thực phẩm cho người dân nghèo, giờ đây lại là món ăn ưa thích của người dân các nước phát triển.

Từ 1997 đến 2006, diện tích nuôi loài cá này tăng 7 lần (từ 1.200 ha lên 9.000 ha), sản lượng tăng 36,2 lần (từ 22.500 tấn lên 825.000 tấn), xuất khẩu tăng hơn 40 lần (từ dưới 20 triệu USD lên 736,8 triệu USD (chiếm gần 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD của ngành thủy sản).

Trong đó, thị trường Mỹ chiếm 80% thị phần giúp nghề nuôi và chế biến cá tra, basa phát triển. Nhưng lo ngại trước sự lớn mạnh này, Hiệp hội Cá nheo Mỹ kiện doanh nghiệp (DN) VN bán phá giá. Năm 2003, Bộ Thương mại Mỹ đánh thuế chống bán phá giá từ 36% đến 64%. Lúc đó, nhiều người nghĩ rằng, cá da trơn sẽ bị “chết yểu”. Thế nhưng, việc bị “xử thua” trong vụ kiện chống bán phá giá là động lực để các DN tích cực tìm kiếm thị trường mới và nhờ đó, cá da trơn VN đã được nhiều nước biết đến.

Chỉ 3 năm sau vụ kiện, sản lượng nuôi lên đến 825.000 tấn, dự kiến năm 2007 là 1 triệu tấn, cơ cấu thị trường thay đổi căn bản: Mỹ chỉ còn 9,9%, EU cao nhất với 46,6%, Nga 11,3%, các nước ASEAN 8,5%, Trung Quốc (kể cả Hồng Công) 5,1%, Australia 4,2% và 14,4% các thị trường khác. Cá da trơn VN có mặt ở 80 nước. Có thể nói, sự phát triển nghề nuôi và chế biến, xuất khẩu cá tra, basa VN là câu chuyện thần kỳ, đứng thứ 3 thế giới, sau cá hồi (Na Uy), cá rô phi (lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc).

Chuyện thứ 2: Chế biến gỗ - “phù đổng” tỉnh giấc

Vài năm qua, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ chế biến có sự bứt phá rất ngoạn mục. Năm 2004, xuất khẩu gỗ chế biến tạo bước ngoặt mới, đạt 1,1 tỷ USD, tăng 88% so với năm 2003, năm 2005 tăng 35% và năm 2006 là 24,5%. 5 tháng đầu năm 2007, xuất khẩu gần 1 tỷ USD, dự kiến cả năm 2,5 tỷ USD.

Đồ gỗ trở thành mặt hàng xuất khẩu thứ 5 sau dầu thô, dệt may, giày dép và thủy sản. Thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, với kim ngạch xuất khẩu 1,93 tỷ USD năm 2006 (Malaysia là 1,98 tỷ USD), VN vượt Indonesia, Thái Lan trở thành 1 trong 2 nước xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất vùng Đông Nam Á. Không chỉ cạnh tranh thị phần đồ gỗ ngoài trời, các DN còn lấn sân sản phẩm đồ gỗ nội thất, là nước xuất khẩu đồ gỗ nội thất thứ 3 thế giới vào Mỹ.

Theo Tổng Giám đốc tập đoàn đồ gỗ Trường Thành, ngành chế biến gỗ có tốc độ phát triển mạnh mẽ là nhờ chính sách ổn định của Nhà nước và 3 năm qua tận dụng tốt thời cơ (Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế chống bán phá giá đồ gỗ), nhà đầu tư các nước tìm đến VN xây dựng nhà máy. Năng lực cạnh tranh và chế biến gỗ tăng gấp 4 lần so với năm 2003, giảm tỷ lệ giá trị nguyên liệu gỗ so với trị giá xuất khẩu thành phẩm từ trên 50% xuống 37%. Đồ gỗ VN vươn ra 120 nước

Chuyện thứ 3: “Bé như hạt tiêu” hóa “khổng lồ”

Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, ông Đỗ Hà Nam cho biết, thập niên 80, hồ tiêu VN chưa là gì trên thị trường xuất khẩu chất gia vị thế giới. Nhưng những năm qua, diện tích, sản lượng hồ tiêu tăng nhanh, thu nhập cao gấp nhiều lần các loại cây trồng khác. Thị phần hồ tiêu VN cũng tăng nhanh trên thị trường thế giới, từ 27,29% năm 2001 lên gần 36% năm 2002 và hiện nay chiếm 55% đến 60%.

Câu chuyện về hạt tiêu bé nhỏ đưa VN trở thành anh “khổng lồ” trên thị trường gia vị thế giới làm ngạc nhiên, lẫn lo ngại cho các nước như Indonesia, Brazil…

Theo thông tin từ hội nghị về chất lượng hạt điều tổ chức tại TP Florida (Mỹ) tháng 4 vừa qua, năm 2006, sản lượng điều nhân xuất khẩu VN là 130.000 tấn, vượt Ấn Độ (118.000 tấn), trở thành nước dẫn đầu về xuất khẩu mặt hàng này. Có được như ngày hôm nay là nhờ ngành điều VN đã tạo ra ngả rẽ mới, khi một nhóm kỹ sư nghiên cứu thành công công nghệ chế biến hạt điều theo phương pháp chao hạt để cắt, giá thành chỉ bằng 10% dây chuyền nhập của Nhật lúc đó. Và trong thời gian ngắn đã làm chuyển đổi toàn bộ ngành điều VN, từ chỗ xuất điều thô, sang xuất điều nhân với giá trị cao hơn.

Từ một nước hàng năm phải nhập khẩu gạo trở thành quốc gia xuất khẩu gạo thứ 2, thứ 3 thế giới liên tục hơn 10 năm qua. Gạo là mặt hàng đầu tiên khiến thế giới khâm phục và biết đến VN như một “cường quốc” về xuất khẩu nông sản. Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu gạo đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Với mặt hàng cà phê, năm 2006, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1 tỷ USD, VN là quốc gia có diện tích trồng và xuất khẩu cà phê Robusta thứ 2 thế giới sau Brazil cũng chỉ sau thời gian ngắn.

SGGP

Các tin tức khác

>   Các khu kinh tế thu hút 8,6 tỷ USD vốn đầu tư (25/06/2007)

>   Giá hàng hóa liên tục “sốt nóng”: Liệu có kềm chế CPI dưới 6%? (25/06/2007)

>   TP hồ Chí Minh: Mời gọi đầu tư vào cơ sở hạ tầng (25/06/2007)

>   TP.HCM - Đài Trung: Tăng tần suất bay lên 7chuyến/tuần (25/06/2007)

>   Cơ quan thuế được quyền khám xét (25/06/2007)

>   DN Việt Nam: Phải chủ động nâng tầm! (24/06/2007)

>   Nhiệt điện Ninh Bình II gặp nguy vì... quy hoạch (24/06/2007)

>   Chính phủ cho phép quảng bá du lịch trên kênh CNN (24/06/2007)

>   TPHCM thu hút thêm 576 triệu USD vốn FDI (24/06/2007)

>   Hỗ trợ dự án sản xuất máy tính xách tay tại Vĩnh Phúc (24/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật