Thứ Hai, 25/06/2007 00:44

Giá hàng hóa liên tục “sốt nóng”: Liệu có kềm chế CPI dưới 6%?

Chưa có năm nào giới truyền thông và người tiêu dùng lại “bận tâm” nhiều về giá cả hàng hóa như thời gian qua. Nguyên nhân là hầu hết các mặt hàng thiết yếu đều đã tăng giá khá cao, trong số đó, có không ít mặt hàng đã tăng giá gấp rưỡi, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2006!

Giám đốc một chuỗi siêu thị tại TPHCM cũng khẳng định, ngay từ đầu quý 2-2007, không có ngày nào họ không nhận được đơn đề nghị tăng giá hàng hóa từ phía các nhà cung cấp. Nhiều ý kiến cho rằng, cho dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chưa phải đã đạt mức kỷ lục so với cùng kỳ những năm vừa qua (5 tháng CPI tăng 4,32% so với đầu năm và tăng tới 7,31% so với cùng kỳ năm ngoái), nhưng với những động thái hiện nay của thị trường thế giới và trong nước, nhiều khả năng CPI năm nay sẽ khó có thể kiềm chế dưới mức 6%.

Có nhiều căn cứ để chứng minh cho nhận định trên. Thứ nhất, đây là năm đầu tiên VN gia nhập WTO. Điều này cũng đồng nghĩa, giá cả thế giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp việc hình thành giá hàng hóa trong nước, và rằng nền kinh tế chúng ta có độ mở rất lớn ở đầu vào nhập khẩu (NK) trong bối cảnh do chưa tự chủ được nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Hiện có đến 70% nguyên liệu chúng ta phải NK từ nước ngoài, thậm chí một số mặt hàng phải nhập tới 90%. Con số 3,2 tỷ USD chúng ta nhập siêu trong 5 tháng đầu năm đã minh chứng rất rõ điều này. Về giá, các số liệu cho thấy, 4 tháng đầu năm kim ngạch NK của 29 mặt hàng nguyên liệu đã tăng lên tới 10,6 tỷ USD, chiếm 63,5% trong tổng lượng hàng NK của VN…

Xét trên bình diện tổng thể, từ năm 2007, chúng ta bước vào thực hiện cơ chế thị trường đối với các mặt hàng sắt thép, xi măng, phân bón, giấy, than; không bù lỗ cho giá xăng, tiến tới đến cuối năm 2007 hoặc đầu năm 2008 sẽ bỏ bù lỗ giá dầu; tiếp tục thực hiện điều chỉnh giá điện… Do vậy, ngay từ ngày 1-1-2007, giá điện đã được điều chỉnh tăng thêm 7%, rồi đến đợt điều chỉnh giá than cho các hộ tiêu dùng lớn.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng chi phí phải trả thêm cho tiền điện trong năm 2007 của ngành thép sẽ vào khoảng 220 tỷ đồng. Thêm vào đó, giá phôi thép trong đã tăng mạnh, hệ quả là mặt hàng thép thành phẩm đã mở màn cho đợt sốt giá với mức tăng từ 200.000-300.000đ/tấn ngay từ những tháng đầu năm. Ngay sau đó là hàng loạt các mặt hàng công nghiệp, tiêu dùng và hàng thực phẩm tăng theo. Thế nhưng, cơn sốt giá chỉ thực sự bùng nổ kể từ khi chúng ta thực hiện điều chỉnh giá xăng lần thứ nhất vào đầu tháng 3 với mức tăng 900đ/lít và lần 2 là 800đ/lít vào ngày 7-5 vừa qua. Theo Tổng cục Thống kê, nếu như giá xăng tính mức bình quân 12.000đ/lít, tăng 9,1% so với trước ngày 7-5 thì chỉ riêng mặt hàng này đã khiến cho giá hàng hóa và dịch vụ tăng thêm 0,47%.

Một quan chức của Bộ Thương mại thừa nhận, thực tế cho thấy sau bất kỳ đợt tăng giá các mặt hàng thiết yếu nào cũng xảy ra tình trạng “tát nước theo mưa” đối với hầu hết các mặt hàng. Về hạn chế này, đến nay các bộ, ngành chức năng vẫn chưa tìm được cách khắc phục.

Còn một nguyên nhân không kém phần quan trọng đó là nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào VN và nguồn kiều hối chuyển về nước trong những năm gần đây tăng vọt, đã góp phần đẩy mặt bằng giá tiêu dùng lên cao. Đó là chưa kể đến sự phát triển nóng của thị trường chứng khoán, đã tác động không nhỏ đến nhiều lĩnh vực khác như kinh doanh nhà đất liên tục trong tình trạng sốt nóng…

Bằng những điều đã nói, có thể thấy giá tiêu dùng trong nước và giá thế giới đang trong giai đoạn nóng bỏng. Theo dự báo, trong những tháng cuối năm 2007 giá hàng hóa sẽ còn tiếp tục tăng. Trong khi đó khả năng kềm chế tốc độ tăng giá của chúng ta là bất khả kháng như những phân tích ở trên nên nhiều khả năng CPI năm 2007 sẽ tăng không dưới 6%. Và như vậy, mục tiêu duy trì tốc độ tăng giá dưới tốc độ tăng trưởng sẽ khó trở thành hiện thực. Giá tăng, không chỉ người tiêu dùng khổ vì ngân sách gia đình ngày càng thêm mỏng mà ngay cả nhà quản lý cũng khổ vì khó có thể bảo đảm chỉ tiêu!

SGGP

Các tin tức khác

>   TP hồ Chí Minh: Mời gọi đầu tư vào cơ sở hạ tầng (25/06/2007)

>   TP.HCM - Đài Trung: Tăng tần suất bay lên 7chuyến/tuần (25/06/2007)

>   Cơ quan thuế được quyền khám xét (25/06/2007)

>   DN Việt Nam: Phải chủ động nâng tầm! (24/06/2007)

>   Nhiệt điện Ninh Bình II gặp nguy vì... quy hoạch (24/06/2007)

>   Chính phủ cho phép quảng bá du lịch trên kênh CNN (24/06/2007)

>   TPHCM thu hút thêm 576 triệu USD vốn FDI (24/06/2007)

>   Hỗ trợ dự án sản xuất máy tính xách tay tại Vĩnh Phúc (24/06/2007)

>   Sẽ có “siêu đường sắt” (23/06/2007)

>   Tạm dừng quy hoạch các dự án xi măng mới (23/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật