Cảnh báo nguy cơ bị kiện chống bán phá giá
Mặc dù Việt Nam không có tên trong danh sách các nước bị kiện chống bán phá giá trong 6 tháng cuối năm 2006 nhưng nguy cơ của những vụ kiện loại này vẫn rất lớn.
Một thông tin đáng mừng mà Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại) vừa công bố là trong danh sách các nước bị kiện chống bán phá giá mà WTO vừa công bố không có tên Việt Nam.
Theo báo cáo mới nhất của Ban thư ký WTO hồi trung tuần tháng 6/2007, số lượng các vụ điều tra chống bán phá giá mới được tiến hành trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2006 trên toàn thế giới đã tăng nhẹ, với tổng cộng 103 vụ điều tra mới so với 96 vụ trong cùng kỳ năm ngoái.
Trong số đó, Liên minh châu Âu dẫn đầu với 17 vụ, tiếp sau đó là Ấn Độ 12 vụ, Argentina 10 vụ, Brazil 9 vụ, Malaysia 8 vụ và Trung Quốc 7 vụ. So với cùng giai đoạn này năm 2005, Ấn Độ là nước tiến hành nhiều nhất các vụ điều tra chống bán phá giá mới với 14 vụ, tiếp theo là Trung Quốc 13 vụ, Argentina 11 vụ, EU 9 vụ, Pakistan 8 vụ và Hoa Kỳ 8 vụ.
Tuy nhiên, báo cáo của WTO cũng cho biết số lượng các biện pháp chống bán phá giá chính thức được áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2006 lại giảm với tổng cộng 66 biện pháp (trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ là nước áp dụng nhiều nhất với tổng cộng 10 biện pháp chống bán phá giá chính thức, gấp đôi số lượng trong cùng kỳ năm 2005; đứng thứ hai là Trung Quốc với 9 lần áp dụng, tiếp theo là Ấn Độ 8 lần, EU và Hàn Quốc 7 lần, Hy Lạp 5 lần) so với 76 biện pháp trong 6 tháng cuối năm 2005. Xu hướng này ngược lại với diễn biến trong 6 tháng đầu năm 2006 khi số lượng các vụ kiện chống bán phá giá mới giảm nhưng số biện pháp áp dụng chính thức lại tăng lên.
Liên quan đến các sản phẩm bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức trong 6 tháng cuối năm 2006, dẫn đầu là dệt may bị áp dụng nhiều nhất với 14 trên tổng số 66 biện pháp. Các sản phẩm nhựa đứng thứ 2 với 13 biện pháp. Tiếp theo là các sản phẩm trong lĩnh vực kim loại và máy móc với 8 biện pháp cho mỗi loại sản phẩm. Trong số 14 biện pháp chống bán phá giá chính thức cho sản phẩm dệt may, Ấn Độ là nước sử dụng nhiều nhất với 7 biện pháp, tiếp theo là Hàn Quốc, Trung Quốc, Peru và Đài Loan.
Xét trên khía cạnh bị kiện chống bán phá giá, Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng đầu với 36 lần bị kiện (trên tổng số 103 vụ), tăng nhẹ so với 33 lần (trên tổng số 96 vụ) cùng kỳ năm 2005. Còn Indonesia đứng ở vị trí thứ hai với 7 vụ bị điều tra; Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng bị kiện 6 vụ, Brazil 5 vụ. Tiếp theo là các nước bị kiện ít hơn 5 vụ gồm Singapore, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thái Lan, Kazakstan, Nga, Argentina, EU, Mexico, Nam Phi, Australia, Bulgaria, Hy Lạp, Macedonia, Ucraina, Philippines và Saudi Arabia.
Về sản phẩm bị kiện chống bán phá giá, các sản phẩm hoá chất bị kiện chống bán phá giá nhiều nhất với 25 vụ kiện, tiếp theo là các sản phẩm bột giấy và kim loại với cùng 16 vụ kiện cho mỗi loại. Trong số 25 vụ kiện về các sản phẩm hoá chất, EU dẫn đầu với việc tiến hành 8 vụ kiện, theo sau là Trung Quốc và Ấn Độ, mỗi nước 7 vụ, Thổ Nhĩ Kỳ 2 vụ và Hy Lạp 1 vụ.
Mặc dù Việt Nam không có tên trong danh sách các nước bị kiện chống bán phá giá trong 6 tháng cuối năm 2006 nhưng vẫn rất khó có thể đánh giá tác động của những vụ việc tương tự trong thời gian sắp tới khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, mạnh mẽ và thực chất hơn vào nền kinh tế thế giới. Vì vậy, Cục Quản lý cạnh tranh nhận định rằng các vụ kiện chống bán phá giá mới đối với Việt Nam khó có thể giảm trong thời gian tới.
Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã và đang phải đối phó với 23 vụ kiện chống bán phá giá (riêng khu vực EU kiện 10 vụ) liên quan đến một số sản phẩm như giày dép, hàng nông sản, thuỷ sản, một số sản phẩm cơ khí, sản phẩm công nghiệp..., trong đó có 20 vụ kiện chống bán phá giá đã có kết luận cuối cùng, còn lại 3 vụ kiện chống bán phá giá giày mũ vải xuất khẩu vào thị trường Peru, dây curoa xuất khẩu vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và nan hoa xe đạp, xe máy xuất khẩu vào thị trường Argentina vẫn chưa có kết luận của các cơ quan điều tra.
Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo các doanh nghiệp trong nước cần phải quan tâm đến việc xây dựng chiến lược thị trường xuất khẩu, tránh không để cho xuất khẩu tăng đột biến vào những thị trường có thể xảy ra những khiếu kiện chống bán phá giá.
Bên cạnh đó, trong công tác nghiên cứu và xây dựng chiến lược phát triển xuất khẩu ngành, Nhà nước cũng cần xem xét, cân nhắc đến nguy cơ đe doạ từ các vụ kiện chống bán phá giá tại những thị trường lớn và những thị trường đã có tiền lệ kiện chống bán phá giá đối với những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam hoặc những sản phẩm xuất khẩu tương tự hoặc giống của các nước khác trên thế giới.
TBKTVN
|