Thứ Bảy, 26/05/2007 16:05

“Vinamit sẽ niêm yết cổ phiếu vào đầu năm 2008”

Ngày 25/5, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 15, Công ty TNHH Thương mại Vinamit đã chính thức ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Quỹ Đầu tư Indochina Capital Holdings thông qua việc bán 20% cổ phần.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit, trò chuyện với báo giới xung quanh việc bán cổ phần và chiến lược mới của công ty.

Xin ông cho biết vì sao Vinamit quyết định chọn Indochina Capital làm đối tác chiến lược thông qua việc bán 20% cổ phần khi họ không hề hoạt động trong ngành chế biến nông sản, thực phẩm?

Dù đã đạt được những thành công nhất định trong kinh doanh nhưng chúng tôi vẫn muốn nâng tầm vóc của thương hiệu Vinamit trên thị trường thế giới. Theo Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO), thị trường trái cây, rau củ quả của thế giới trị giá hơn 100 tỉ đô la Mỹ, nhưng Việt Nam chỉ mới chiếm được 0,2% thị phần. Do đó, Vinamit muốn góp phần đưa hàng nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường thế giới.

Để thực hiện chiến lược nói trên, Vinamit cần có một đối tác có nhiều uy tín, kinh nghiệm trên thương trường quốc tế và sẵn sàng đồng hành với chúng tôi. Và Vinamit đã tìm thấy điều đó ở Indochina Capital. Quỹ đầu tư này đã có ý định đầu tư vào ngành nông nghiệp Việt Nam từ lâu nên hai bên đàm phán với nhau rất thuận lợi trước khi đặt bút ký hợp đồng hợp tác chiến lược.

Vậy, Indochina Capital sẽ hỗ trợ những gì cho Vinamit trong việc phát triển thương hiệu?

Indochina Capital là nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp có quan hệ toàn cầu. Cùng với việc tham gia công tác quản lý, Indochina Capital cũng sẽ giúp Vinamit rất nhiều trong các kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, giới thiệu các đối tác, các nhà phân phối lớn trên thế giới.

Mặt khác, đội ngũ chuyên gia của Indochina Capital còn có nhiệm vụ tư vấn cho Vinamit nâng cao khả năng quản trị toàn diện và tăng tính minh bạch trong toàn bộ hệ thống của công ty.

Khi chọn đối tác là nhà đầu tư tài chính như thế, ngoài những yếu tố mà ông vừa phân tích, có phải Vinamit đang chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết cổ phiếu?

Đó chính là một trong hai mục tiêu mới nhất trong chiến lược phát triển của Vinamit trước những thuận lợi cũng như khó khăn mà WTO mang lại. Theo tôi, để đưa Vinamit thành một thương hiệu nông sản thực phẩm mang tầm vóc quốc tế thì một trong những cách tốt nhất là biến nó thành tài sản chung của xã hội. Và việc niêm yết trên thị trường chứng khoán là một bước đi để hiện thực hóa ý tưởng đó.

Chúng tôi sẽ niêm yết cổ phiếu vào đầu năm 2008 thông qua Công ty Chứng khoán Mekong, một đơn vị mà Indochina Capital cũng là đối tác chiến lược.

Vậy mục tiêu thứ hai của công ty là gì, thưa ông?

Đó là làm sao xây dựng được nguồn nguyên liệu thật sự ổn định để chế biến. Ngoài một nhà máy chính rộng 5 héc ta ở Bình Dương, năm nhà máy đông lạnh ở Daklak, Tây Ninh, Bình Phước có tổng công suất chế biến 250 tấn nguyên liệu/ngày, Vinamit cũng vừa đưa vào hoạt động thêm một nhà máy sơ chế sản phẩm ở Buôn Ma Thuột với công suất 40 tấn nguyên liệu/ngày.

 Nhưng trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường, có những thời điểm nhà máy không đủ sản phẩm để cung cấp vì thiếu nguyên liệu mặc dù chúng tôi đã đầu tư ba nông trường và bao tiêu toàn bộ sản phẩm trên diện tích hơn 40.000 héc ta cho nông dân ở Bình Dương, Bình Phước, Daklak.

Thông qua việc bán cổ phần cho Indochina Capital, Vinamit sẽ đẩy mạnh đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu. Ngoài mít sấy là sản phẩm truyền thống, Vinamit tiếp tục mở rộng sản phẩm chế biến sang hàng chục loại trái cây, rau củ như xoài, cà rốt, khoai, đu đủ, khổ qua, táo, cà chua... Và bên cạnh dòng sản phẩm sấy khô tự nhiên, Vinamit cũng có dòng sản phẩm sấy dẻo dùng thay mứt, dòng sản phẩm mặn được tẩm thêm gia vị hải sản, tôm, bò, cà ri, pizza...

Thời gian qua, nhiều người đã lên tiếng về việc hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân thường bị phá vỡ vì nhiều lý do khác nhau. Vinamit đã làm gì để tránh chuyện này khi ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân, thưa ông?

Theo tôi, nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến tình trạng này là do sự thiếu minh bạch và chặt chẽ giữa các bên khi làm ăn với nhau. Nông dân Việt Nam còn nghèo và chịu nhiều thua thiệt nên có lúc xem trọng cái lợi trước mắt.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cũng làm ăn chụp giựt, thiếu bài bản mỗi khi thị trường có biến động. Nếu các bên ngồi lại với nhau trong sự chân thành, sẵn sàng công khai các thông tin dù là nhỏ nhất thì sẽ hạn chế được rất nhiều tình trạng phá vỡ hợp đồng.

Trên thực tế, nhiều năm qua, Vinamit chưa gặp phải trường hợp nào bị phá vỡ hợp đồng. Cái mà nông dân quan tâm nhất là đầu ra ổn định cho sản phẩm. Do đó, Vinamit chủ động ký hợp đồng bao tiêu và đưa ra mức giá sàn trong tám năm để nông dân yên tâm sản xuất. Nếu giá ngoài thị trường có thấp hơn giá sàn thì chúng tôi cũng mua toàn bộ sản phẩm như đã cam kết.

Được biết Vinamit đang tập trung xây dựng hệ thống phân phối trên quy mô cả nước, xin ông cho biết thêm về kế hoạch này?

Để bán được nhiều hàng trong thời buổi cạnh tranh gay gắt như hiện nay, ai có hệ thống phân phối tốt hơn sẽ chiến thắng. Vinamit nhận thức được điều này và cũng đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống phân phối của mình. Hiện nay, chúng tôi đã thiết lập được 25 chi nhánh, cửa hàng ở các tỉnh, thành. Dự kiến cuối năm nay con số đó sẽ là 30 và sang năm sau sẽ tăng nhiều hơn.

Tuy nhiên, hướng đi của Vinamit không phải là xây dựng hệ thống bán lẻ mà theo hình thức tổng kho ở từng khu vực. Sau này, khi các tập đoàn phân phối lớn của nước ngoài nhảy vào Việt Nam thì chúng tôi sẽ trở thành nhà cung cấp sản phẩm cho họ chứ không tự mình bán lẻ sản phẩm tới người tiêu dùng đầu cuối.

* Vinamit là nhà sản xuất, chế biến và xuất khẩu các loại trái cây, hàng nông sản với mức tăng trưởng khoảng 35%/năm trong năm năm vừa qua. Sản phẩm của công ty hiện đã được xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines… Công ty cũng đã nhận được các chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm như HACCP, GMP, và chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO... Tổng giá trị tài sản của Vinamit hiện tại ước đạt 300 tỉ đồng và mức tăng trưởng khoảng 35%/năm.

TBKTSG

Các tin tức khác

>   “Cổ phần hóa không phải để bán cổ phiếu” (26/05/2007)

>   Deutsche Bank AG tư vấn cổ phần hóa cho MHB (26/05/2007)

>   Kiến nghị thu hồi 1.000 tỉ đồng tiền lãi từ PVFCCo: Nhà đầu tư có bị thiệt? (26/05/2007)

>   Chấp thuận nguyên tắc đăng ký chào bán cổ phiếu của CTCP Giấy Sài Gòn (25/05/2007)

>   Thông tin đăng ký làm đại lý đấu giá của Cty CP Giày Bình Định (25/05/2007)

>   CTCP Thủy điện Miền Trung đầu tư 450 tỷ đồng xây dựng Thủy điện Sơn Hà – Quảng Ngãi (25/05/2007)

>   Giá khởi điểm đấu giá của Bảo Việt là chấp nhận được (25/05/2007)

>   Chính thức rút giấy phép đầu tư đối với CTCP Vina Mobi (25/05/2007)

>   Làm rõ những thông tin về CPH Bảo Việt (25/05/2007)

>   Đạm Phú Mỹ: Cáo bạch đã rõ ràng chưa? (25/05/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật