Giá khởi điểm đấu giá của Bảo Việt là chấp nhận được
Cả thị trường chứng khoán (TTCK) đang hồi hộp chờ đợi phiên đấu giá gần 60 triệu cổ phiếu (CP) Bảo Việt (BV) ngày 31.5 tới. Đây không chỉ là đợt đấu lớn mà còn có tác động đến thị trường từ góc độ là mốc tham chiếu giá với các CP khác, nhất là các Cty cùng ngành và khả năng hút một lượng tiền lớn "chảy" ra khỏi thị trường niêm yết lẫn OTC.
Theo nhiều nhà đầu tư (NĐT), mức giá khởi điểm của BV đưa ra 30.500đ/CP là một mức giá hợp lý vì dựa trên kết quả kinh doanh, thương hiệu, lợi thế kinh doanh, chiến lược hoạt động, tài sản, nguồn vốn của doanh nghiệp (DN) và so sánh với giá các loại CP cùng ngành bảo hiểm (BH) trên thị trường...
Với tài sản thực chỉ có gần 1.900 tỉ đồng (tương đương 1,2 tỉ USD như Credit Suise định giá) thì mức giá khởi điểm 30,5 của BV đưa ra là có thể chấp nhận được.
Theo một số NĐT, lý do BV đưa ra mức giá khởi điểm như vậy là: Kết quả kinh doanh khá hạn chế nên không thể đưa ra mức giá chào bán quá cao; Bài học từ các vụ đấu giá trước đây của CADIVI, PVGAS, Thác Mơ vẫn còn nóng.
Sau các cuộc đấu giá đó, nhiều NĐT “bỏ cọc chạy lấy người” quá nhiều, BV không muốn để tình trạng đó xảy ra với mình nên đưa ra một mức giá được coi chấp nhận được và hấp dẫn các NĐT.
Một cuộc "điều tra" nhỏ cho thấy giá đấu của BV sẽ không cao lắm. Mặc dù có rất nhiều lợi thế về thương hiệu, mạng lưới, hệ số an toàn cao, quyền sử dụng đất lớn nhưng BV cũng còn những hạn chế của một DNNN.
Đó là hạn chế về năng lực cạnh tranh trên các mặt: Cơ chế, vốn chủ sở hữu, nhân lực, danh mục sản phẩm... Kết quả kinh doanh và các chỉ số tài chính ở mức bình thường, nhất là tỉ lệ trả cổ tức không thật sự hấp dẫn.
Một NĐT cho biết "Một tập đoàn bảo hiểm lớn mà chỉ có 318 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế là một kết quả tương đối kém. Nếu so với các DN cùng ngành như BMI, VASS, PVI, PJICO, VNR... thì BV còn kém về tốc độ tăng trưởng".
Trong thời gian tới, BV sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các DN bảo hiểm khác (cả trong và nước ngoài), có nguy cơ tụt hậu và giảm thị phần nếu không có nền tảng quản trị DN tốt, có cơ chế linh hoạt về hoa hồng, về quan hệ khách hàng và các sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường...
Ngoài ra, xu hướng thị trường có những nhân tố tác động đến IPO của các DN: BV chưa phải là DN duy nhất thuộc loại "khủng long" IPO, do đó NĐT cũng không quyết tâm "ăn thua" CP BV vì họ vẫn còn nhiều cơ hội ở phía trước.
Ý kiến của nhiều NĐT cho rằng "chỉ mua với giá chấp nhận được để mà còn có lãi, chứ không phải mua bằng mọi giá để rồi "chôn" đó 2-3 năm, bán không được, bỏ cơ hội đấu giá BIDV, VCB... hàng ngon còn nhiều lắm". Tại thời điểm này, thị trường cả chính thức lẫn OTC vẫn đang ở tình trạng thăm dò và xu hướng này sẽ tác động khá lớn vào mức đấu giá CPBV.
Rất khó dự đoán tâm lý NĐTTN lúc này, nhất là các NĐT nhỏ lẻ vì họ hay thay đổi, dễ bị lôi kéo. Xu hướng hiện nay chủ yếu là "lướt sóng, đánh nhanh, thắng nhanh" nên đa số muốn mua một mức giá hợp lý để sau khi trúng giá có thể "đẩy" đi ngay trước khi đến hạn chót phải đóng tiền.
Về NĐTNN và các tổ chức, chưa có nhiều thông tin hé lộ. Tuy nhiên, từ thực tế những phiên đấu giá vừa qua có thể thấy NĐTNN không chấp nhận những mức giá "điên rồ trên trời" và chỉ đặt mua ở mức giá được cho là hợp lý. Khả năng NĐTNN hoặc các tổ chức trả giá cao để mua bằng được CP BV là không nhiều.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng khi đấu giá nhiều khả năng giá sẽ không cao, tất nhiên với điều kiện không có "bàn tay vô hình" nào đẩy giá lên bất thường. Theo bản công bố thông tin, nếu không có biến động bất thường, LNST 2007 của BV đạt 524,007 tỉ đồng thì EPS 2007 sẽ khoảng 770,59đ/CP. Giả sử giá bình quân BV sau khi đấu là 50.000đ thì P/E là 64,89 lần; 70.000đ thì P/E là 90,84 lần; 100.000đ: P/E là 129,77 lần...
Như vậy, phần nào có thể khẳng định giá khởi điểm đấu BV là 30.500đ/CP sát với giá trị nội tại là có cơ sở. Vậy nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cho CP BV bao nhiêu khi tính cả yếu tố cạnh tranh và kỳ vọng?
LĐ
|