Đạm Phú Mỹ: Cáo bạch đã rõ ràng chưa?
Xung quanh việc điều tiết thu lại 50% lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ và giá khí đầu vào tính theo giá thị trường xin nói lại thêm là đề xuất nói trên của Bộ Tài chính được ký ngày 27 tháng 4 năm 2007.
Thông thường, ngày kết thúc năm tài chính diễn ra vào 31 tháng 12. Tuy nhiên, các báo cáo tài chính của doanh nghiệp thường được hoàn tất trong khoảng quý I của năm tiếp sau.
Đối với các doanh nghiệp được hưởng những ưu đãi nhất định mà Nhà nước dành cho thì chắc chắn lúc nào đó phải thực hiện đối chiếu sổ sách, hóa đơn chứng từ với ngành tài chính. Khi đó, có thể một vài khoản chi của doanh nghiệp sẽ không được ngành tài chính chấp nhận nên mới có chuyện yêu cầu “xuất toán khoản này” ở dự án nọ hay ở doanh nghiệp Nhà nước kia.
Trong khi đó, việc huy động ngân sách không phải làm lúc nào cũng được mà phải theo đợt hoặc có thời điểm nhất định. Như vậy, rất có thể ngày 31 tháng 3 năm sau, cơ quan tài chính mới có thể có được “bức tranh tổng hợp về thu - chi” để tiến hành một vài cân đối. Và thời điểm đề xuất là ngày 27 tháng 4 năm 2007 có tính logic nhất định trong câu chuyện thời gian dù PVFCCo đã có kế hoạch tiến hành đấu giá cổ phần vào ngày 21 tháng 4 năm 2007.
Ở một góc độ khác nếu nhìn vào bản cáo bạch của PVFCCo tại trang chủ của UBCKNN bắt đầu công bố từ ngày 4 tháng 4 năm 2007 có thể thấy rõ thông tin không hẳn đã thực sự rõ ràng.
Mặc dù có công bố thông tin về giá khí trước khi cổ phần hóa là 1,3 USD/triệu BTU và sau khi hoạt động theo hình thức công ty cổ phần là 2,2 USD/triệu BTU cố định tới năm 2012 và từ năm 2013 là 3,66 USD/triệu BTU, trượt giá 2%/năm đến hết đời dự án như quyết định của PetroVietnam nhưng xem ra phần này ở khá xa bảng tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2004-2006.
Bên cạnh đó, trong báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn 2004-2006 của PVFCCo có số liệu của năm 2004 và 2005 đã được kiểm toán bởi VACO, còn năm 2006 thì chưa được kiểm toán.
Nhưng như nói trên, do có được hưởng ưu đãi về giá khí đầu vào đối với doanh nghiệp Nhà nước nên việc PVFCCo phải thực hiện quyết toán hoạt động sản xuất kinh doanh với cơ quan tài chính là điều hoàn toàn chắc chắn. Tuy nhiên, không biết vấn đề này đã được thực hiện ở PVFCCo, một doanh nghiệp Nhà nước mới hoạt động được khoảng 3 năm tính tới thời điểm cổ phần hóa?
Cũng cần nói lại là trong văn bản của Bộ Tài chính có nhắc tới việc, dù được hỗ trợ giá khí đầu vào thấp, giá thành sản xuất thấp, cỡ 140-150 USD/tấn nhưng giá bán của đạm Phú Mỹ vẫn “bám sát” với giá đạm thế giới ở mức 250-300 USD/tấn.
Điều này cũng có nghĩa là người nông dân, sản xuất nông nghiệp - đối tượng cuối cùng sử dụng phân đạm lẽ ra được hưởng ưu đãi của giá khí thấp chẳng được lợi gì dù Nhà máy đạm Phú Mỹ chiếm hơn 30% nhu cầu sử dụng đạm mỗi năm của Việt Nam.
Tất nhiên, việc PetroVietnam không đồng tình với các đề xuất của Bộ Tài chính cũng là dễ hiểu bởi PVFCCo là “con đẻ” của “mẹ-PetroVietnam” và theo qui chế tài chính của Tập đoàn thì “con” có nghĩa vụ đóng góp cho “mẹ” theo một tỷ lệ nào đó.
Tại bản cáo bạch cũng nói rằng do mới đi vào hoạt động, số liệu thống kê chưa đầy đủ để nhà máy xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật nên chưa hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tiêu hao định mức, chi phí giá thành. Một số chi phí sửa chữa, duy tu bảo dưỡng có thể tăng cao vào những năm tới.
Điều này xem ra cũng khá thú vị bởi khi xây dựng đề án sản xuất sản phẩm thường chủ đầu tư phải có những thông số nhất định về định mức tiêu hao nguyên vật liệu của một dây chuyền có trình độ công nghệ tương tự ở vào các thời kỳ vận hành. Có thể do mới vận hành nhà máy chưa đạt được mức ổn định nhưng cũng không phải là không đưa ra được thông số nào cả.
Liệu nhà đầu tư có quá chú ý tới mức lợi nhuận mà Nhà máy đạm Phú Mỹ có được từ năm 2004-2006 mà bỏ qua vài tình tiết trong bản cáo bạch với tâm lý “đánh nhanh thắng nhanh”?
ĐTCK
|