Bảo Việt chờ kết quả đấu giá
Vấn đề cổ đông chiến lược và việc xử lý số tiền thu về sau khi thực hiện cổ phần hóa của Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) đang là những vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư.
|
Buổi họp báo về việc tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Bảo Việt tại Khách sạn Melia, Hà Nội, ngày 15/5/2007. | Cuộc trao đổi với ông Lê Quang Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bảo Việt, sẽ giải đáp phần nào những băn khoăn này.
Nhiều nhà đầu tư đang thắc mắc về khoản tiền thu được từ cổ phần hóa sẽ được sử dụng như thế nào tại Bảo Việt. Ông giải thích với họ ra sao?
Trong Công văn số 5857/BTC-BH của Bộ Tài chính ngày 3/5/2007, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn cụ thể về xử lý số tiền thu từ cổ phần hóa Bảo Việt.
Theo đó, số tiền thu từ cổ phần hóa được để lại cho Bảo Việt phần giá trị tương ứng với số cổ phần phát hành thêm tính theo mệnh giá (số này là 2.357 tỷ đồng). Số còn lại được sử dụng để thanh toán chi phí cổ phần hóa và giải quyết chính sách lao động dôi dư, nếu thiếu sẽ bổ sung từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp do Nhà nước quản lý.
Số tiền còn lại này (nếu có) để lại cho công ty mẹ theo tỷ lệ tương ứng với cổ phần phát hành thêm trong cơ cấu vốn điều lệ, nghĩa là 34,66%. Số tiền này sẽ thuộc nguồn vốn chủ sở hữu của công ty mẹ và được chủ động sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh như: bù đắp khoản vốn điều lệ thiếu hụt hiện nay như: bổ sung vào vốn điều lệ của Bảo Việt Việt Nam 500 tỷ đồng, Bảo Việt nhân thọ 750 tỷ đồng, và thành lập các pháp nhân mới như: Ngân hàng Bảo Việt 600 tỷ đồng (phần vốn góp 40% của Bảo Việt), Công ty Bất động sản Bảo Việt 30 tỷ đồng, Công ty Bảo hiểm y tế cộng đồng Bảo Việt 100 tỷ đồng.
Nhà đầu tư chiến lược của Bảo Việt được lựa chọn theo tiêu chí nào, thưa ông?
Về nguyên tắc thì nhà đầu tư chiến lược trong nước hay nước ngoài đều là nhà đầu tư chiến lược nên phải thỏa mãn điều kiện chung như: có tiềm năng tài chính, năng lực quản lý, có khả năng cam kết hỗ trợ Bảo Việt về tài chính, chuyển giao công nghệ kinh doanh mới, quản trị doanh nghiệp và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, gắn bó lợi ích lâu dài với Bảo Việt, cam kết không được chuyển nhượng cổ phần của Bảo Việt trong thời hạn tối thiểu là ba năm kể từ ngày chính thức trở thành công ty cổ phần.
Riêng đối với nhà đầu tư chiến lược trong nước, ngoài việc đáp ứng các điều kiện chung thì cần phải đáp ứng các tiêu chí như: có quy mô lớn, có nguyện vọng đầu tư vào kinh doanh bảo hiểm, thỏa mãn các điều kiện như: có tiềm năng về về doanh thu phí bảo hiểm, có cam kết ưu tiên thu xếp bảo hiểm tài sản, hỗ trợ nguồn nhân lực cho Bảo Việt, có mạng lưới kinh doanh rộng, cơ sở khách hàng lớn, cam kết sử dụng ưu thế của mình hỗ trợ Bảo Việt phát triển dịch vụ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp này không xung đột lợi ích với Bảo Việt, không phải là các công ty thành viên trong Tập đoàn Bảo Việt, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam bao gồm các công ty thành viên lẫn quỹ đầu tư thuộc các doanh nghiệp đó.
Các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ là nhà đầu tư chiến lược của Bảo Việt phải là các tập đoàn tài chính bảo hiểm, ngoài chuyện đáp ứng tiêu chí chung, còn phải đáp ứng các điều kiện riêng như phải nằm trong danh sách 500 tập đoàn tài chính, bảo hiểm hàng đầu thế giới năm 2006 do tạp chí Fortune 500 xếp hạng và thỏa mãn các điều kiện sau:
- Có kinh nghiệm chuyên môn, thành công trong kinh doanh các dịch vụ tài chính bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng, quản lỹ quỹ, thuê mua tài chính trên các thị trường, đặc biệt là các thị trường tương tự Việt Nam;
- Có chiến lược kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp phù hợp với chiến lược, văn hóa kinh doanh của Bảo Việt;
- Có cam kết hỗ trợ kỹ thuật về công nghệ kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho Bảo Việt;
- Không xung đột lợi ích với Bảo Việt, không phải là cổ đông lớn tham gia hội đồng quản trị, chiến lược với các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam.
Tỷ lệ sở hữu của mỗi nhà đầu tư chiến lược sẽ được xác định thế nào, thưa ông?
Tỷ lệ vốn cổ phần nhà đầu tư chiến lược tương quan với các cam kết hỗ trợ kỹ thuật đối với Bảo Việt. Giá mua cổ phần của các nhà đầu tư chiến lược không thấp hơn giá đấu bình quân của số cổ phần được bán đấu giá ra bên ngoài theo Quyết định 945 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Các nhà đầu tư chiến lược trong nước được mua 7,22%, trong đó 7% dành cho các tập đoàn kinh tế trong nước và 0,22% dành cho đội ngũ đại lý bảo hiểm nhân thọ của Bảo Việt. Các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được mua 18%.
Ông nói rằng Bảo Việt đã lựa chọn được một số nhà đầu tư chiến lược trong nước. Vậy đó là những doanh nghiệp nào?
Sau khi lựa chọn trong số các công ty đăng ký thì chúng tôi đã tìm được 3 nhà đầu tư chiến lược trong nước với tỷ lệ được mua là 7% vốn điều lệ và đã được Bộ Tài chính phê duyệt.
Trong đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là 3,25%, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) 3% và Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco): 0,75%.
TBKTVN
|