Thứ Bảy, 26/05/2007 06:54

Kiến nghị thu hồi 1.000 tỉ đồng tiền lãi từ PVFCCo: Nhà đầu tư có bị thiệt?

Thông tin Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cho phép thu điều tiết hơn 1.000 tỉ đồng lợi nhuận giai đoạn 2004-2006 của Cty Phân đạm và hóa chất dầu khí (PVFCCo) ngay trong ngày cuối cùng (25-5) thực hiện việc đóng tiền mua cổ phần PVFCCo đã khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang.

Nhà đầu tư “lên ruột”!

Sáng 25-5, thông tin về việc Bộ Tài chính kiến nghị thu điều tiết hơn 1.000 tỉ đồng tiền lãi của PVFCCo khiến không khí ở các sàn chứng khoán (CK) tại TP.HCM xôn xao.

Nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã mua cổ phần của PVFCCo trong đợt đấu giá vừa qua đều bày tỏ tâm trạng lo lắng. “Tôi trúng đấu giá 5.000 cổ phần của PVFCCo với giá được cho là khá rẻ so với tiềm năng của đơn vị này. Nhưng chẳng biết sắp tới giá cổ phiếu có bị ảnh hưởng gì không nếu Nhà nước thu của đơn vị này một khoản tiền lớn như vậy...” - chị Nguyễn Thị Thu, một NĐT, lo lắng.

Theo chị Thu, nếu khoản thu lại này được lấy từ số tiền đấu giá cổ phần, chắc chắn chị chẳng còn dám giữ số cổ phần này. Anh Nguyễn V. - một nhà môi giới cổ phiếu OTC - cho biết giá cổ phiếu PVFCCo vào sáng 25-5 đã tăng thêm khoảng 2.000 đồng/cổ phiếu, lên 74.000-74.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, anh V. cũng khá lo lắng về nguy cơ thị trường trong những ngày tới sẽ phản ứng tiêu cực trước thông tin này.

Không chỉ lo ngại về khả năng biến động giá cổ phiếu PVFCCo trong thời gian tới, nhiều NĐT cũng lo lắng về chuyện lời lãi của đơn vị này trong tương lai xa, khi cho rằng lợi nhuận của đơn vị này trong thời gian qua chủ yếu do giá khí được ưu đãi.

Anh Nguyễn Bình - người đã trúng đấu giá 3.000 cổ phiếu PVFCCo - bày tỏ bức xúc khi cho biết những thông tin về việc thu khoản tiền khá lớn này không rõ ràng, chẳng biết thu từ nguồn nào. Theo anh Bình, cơ sở để Bộ Tài chính thu hồi điều tiết là trong giai đoạn 2004-2006, PVFCCo được mua giá khí ưu đãi chỉ 1,3 USD/1 triệu BTU, dẫn đến lợi nhuận cao. Trong khi đó, NĐT không thể xác định khoản lợi nhuận này có tính vào giá trị doanh nghiệp hay không?

PVFCCo nói gì?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Thanh Bình - tổng giám đốc PVFCCo - khẳng định: “Dù Nhà nước có thu hồi khoản tiền lãi như kiến nghị hay không cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của NĐT”.

Theo ông Bình, tất cả những khoản lợi nhuận từ nguồn vốn nhà nước của công ty từ năm 2004-2006 do Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN - công ty mẹ của PVFCCo - quản lý, không nằm trong số tiền 3.800 tỉ đồng vốn điều lệ của công ty được xác định khi cổ phần hóa (trong đó bán cho NĐT 40%).

Trong khi đó, việc thu điều tiết hơn 1.000 tỉ đồng nếu được thực hiện như kiến nghị của Bộ Tài chính chỉ liên quan đến phần lãi của những năm trước, tức là liên quan đến khoản lợi nhuận đã quyết toán, do Tập đoàn Dầu khí quản lý.

“Vốn điều lệ của doanh nghiệp, phần vốn của Nhà nước cũng như phần vốn của NĐT không thay đổi, do đó cũng không liên quan hay ảnh hưởng đến quyền lợi NĐT...” - ông Bình khẳng định.

Đối với những lo ngại của NĐT về khả năng sinh lợi của PVFCCo trong tương lai khi giá khí không còn được bao cấp, ông Bình cho rằng toàn bộ những thông tin liên quan đến lợi thế cũng như những rủi ro của doanh nghiệp, trong đó có vấn đề về giá khí mà PVFCCo được mua đều đã được công bố công khai trong bản cáo bạch.

Theo ông Bình, kể từ khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần đến năm 2012, mức giá khí mà PVFCCo sẽ mua là 2,2 USD/1 triệu BTU, gần gấp đôi so với mức giá được mua khi còn là doanh nghiệp nhà nước. Từ năm 2013 đến cuối đời dự án, mức giá khí phải mua là 3,66 USD/1 triệu BTU. “Đây là mức giá đã được Bộ Công nghiệp duyệt, được công bố công khai cho NĐT trong bảng cáo bạch. Những thông tin này sẽ không có sự thay đổi nào. Do đó, NĐT cũng không cần phải lo lắng về khả năng sinh lợi của đơn vị...” - ông Bình khẳng định.  

Theo chuyên gia chứng khoán Huy Nam, những thông tin mà PVFCCo cung cấp là chính xác, tức là khoản lợi nhuận trong giai đoạn 2004-2006 của đơn vị do Tập đoàn Dầu khí quản lý, không đưa vào để xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

“Nếu có sự liên quan với PVFCCo ở đây, chỉ là... cái tên của doanh nghiệp. Còn tính chất của khoản tiền lại nằm ngoài PVFCCo, cũng nằm ngoài quyền lợi và trách nhiệm NĐT...” - ông Nam nói.

“Không chỉ PVFCCo, mà Bộ Tài chính và cả Tập đoàn Dầu khí cũng phải có trách nhiệm giải thích thông tin cụ thể trong thời gian sớm nhất, tránh việc khiến NĐT hiểu nhầm, ảnh hưởng rất lớn không chỉ đối với cổ phiếu của công ty này mà cả thị trường nói chung...” - giám đốc một công ty chứng khoán đề nghị.

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Chấp thuận nguyên tắc đăng ký chào bán cổ phiếu của CTCP Giấy Sài Gòn (25/05/2007)

>   Thông tin đăng ký làm đại lý đấu giá của Cty CP Giày Bình Định (25/05/2007)

>   CTCP Thủy điện Miền Trung đầu tư 450 tỷ đồng xây dựng Thủy điện Sơn Hà – Quảng Ngãi (25/05/2007)

>   Giá khởi điểm đấu giá của Bảo Việt là chấp nhận được (25/05/2007)

>   Chính thức rút giấy phép đầu tư đối với CTCP Vina Mobi (25/05/2007)

>   Làm rõ những thông tin về CPH Bảo Việt (25/05/2007)

>   Đạm Phú Mỹ: Cáo bạch đã rõ ràng chưa? (25/05/2007)

>   Lilama 3 XK sản phẩm cơ khí sang Nhật Bản và Ấn Độ (25/05/2007)

>   VDSC chính thức là thành viên của TTGDCK Hà Nội (25/05/2007)

>   Doanh nghiệp Nhà nước mạnh hay yếu? (25/05/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật