Thứ Bảy, 26/05/2007 15:43

“Cổ phần hóa không phải để bán cổ phiếu”

Hỏi chuyện ông Huỳnh Nam Dũng, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) về kế hoạch cổ phần hóa sắp tới.

MHB vừa ký hợp đồng chọn Deutsche Bank Singapore làm tổ chức tư vấn cổ phần hóa. Them MHB, đến tháng 10/2007, quá trình tư vấn sẽ hoàn thành và ngân hàng thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Thưa ông, sau IPO, MHB có tiến hành niêm yết luôn không?

Giữa IPO và niêm yết là hai việc khác nhau. Ngân hàng có những đặc thù khác với những doanh nghiệp bình thường khác như Vinamilk hay Vietnam Airlines...

Nếu niêm yết trên sàn, giá cổ phiếu giảm 10 – 20%, ví dụ như Vinamilk thì người ta vẫn uống sữa và chỉ các cổ đông, nhà đầu tư mới quan tâm; hoặc như cổ phiếu Vietnam Airlines có tăng – giảm 40% thì khách hàng vẫn đi máy bay và điều họ quan tâm là giá vé. Còn với ngân hàng, nếu giá cổ phiếu giảm mạnh như vậy thì sẽ rất nhạy cảm, ảnh hưởng đến tâm lý người gửi tiền. Vì vậy việc niêm yết phải được tính toán kỹ.

Theo quy định của Chính phủ thì các ngân hàng khi cổ phần hóa phải gắn liền với niêm yết. Với MHB thì việc niêm yết có nên để quá lâu?

Cái này thì trong phương án cổ phần hóa mình phải tính cụ thể, lúc nào lên và lên như thế nào; lên rồi thì lại phải có cơ chế bảo vệ giá cổ phiếu để sao cho có những diễn biến đều, hợp lý. Đó là những tính toán mang tính kỹ thuật.

Kế hoạch lựa chọn đối tác chiến lược sẽ tiến hành như thế nào, thưa ông?

Có một thời gian 3 – 4 năm trước đây người ta cho rằng việc chọn đối tác chiến lược trước khi IPO như là một nguyên tắc, vì các ngân hàng Việt Nam quá yếu kém, phải đưa các đối tác chiến lược vào để nâng giá lên, chứ không thì không bán được.

Nhưng nay tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam đã khác, không phải nhờ đối tác chiến lược vào thì giá mới lên, mới bán được. Hầu như các ngân hàng nào bán người ta cũng mua.

Thứ hai là việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cũng phải tính toán kỹ, nó cũng giống như cưới vợ, lấy chồng vậy, họ có hợp với chiến lược phát triển của mình không, điều kiện như thế nào, giá cả bao nhiêu… Quá trình đó nhanh thì cũng mất vài năm, trong khi yêu cầu của Chính phủ là phải cổ phần hóa ngay trong năm nay.

Cổ phần hóa là vấn đề cấp bách, là yêu cầu của Chính phủ, trong khi chọn đối tác chiến lược là kế hoạch quan trọng của doanh nghiệp. Đây là hai vấn đề khác nhau, mặc dù nó tiến hành song song. Nếu gắn được hai cái đó vào làm một thì tốt nhưng rất khó đồng nhất.

Dự kiến MHB sẽ dành một tỷ lệ bao nhiêu cho nhà đầu tư nước ngoài, sẽ có bao nhiều nhà đầu tư chiến lược?

Hiện nay MHB là một ngân hàng có tốc độ phát triển rất nhanh. Đến một thời điểm nào đó nó đòi hỏi thêm vốn. Trong lĩnh vực ngân hàng, thường thì tốc độ tăng trưởng là 30% và sau 3 năm là phải tăng vốn lên gấp đôi. Để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn ở tốc độ đó, nếu lợi nhuận không có thì anh phải huy động 30% vốn nữa. Như vậy thì lúc nào cũng có thể có chỗ cho nhà đầu tư nước ngoài.

Còn về số nhà đầu tư chiến lược, đã gọi là đầu tư chiến lược thì chỉ có một, cũng như không thể lấy hai chồng hay hai vợ được. Trong nước hay ngoài nước, theo cá nhân tôi, tôi thích gọi “đối tác lâu dài” thay vì “đối tác chiến lược”.

Thời điểm MHB tiến hành IPO cũng là điểm hẹn của một số ngân hàng khác. Như thế có khả năng cạnh tranh không?

Cạnh tranh thì tốt thôi, nhưng sợ nhất là tín hiệu thị trường bị phân tán. Trong đầu tư hiện nay có trường hợp là do đầu tư, giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp bị đẩy lên do nhà đầu tư ngắn hạn, trong khi nhà đầu tư dài hạn đầu tư vào phát triển doanh nghiệp không mua được.

Ở đây giá cả sai lệch sẽ dẫn đến nguồn đầu tư bị sai lệch. Những nhà đầu tư ngắn hạn, trục lợi không mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, còn nhà đầu tư dài hạn muốn đưa vốn, công nghệ, trình độ quản lý vào doanh nghiệp thì lại không mua được vì giá không thật.

Trường hợp thị trường thời điểm đó nóng quá thì mình đưa ra cùng lúc để thị trường loãng bớt đi, giá thật hơn. Có những doanh nghiệp thích giá cao vì họ thu được rất nhiều tiền. Nhưng với giá cao đó, anh có đủ khả năng mang lại lợi nhuận, đáp ứng được kỳ vọng mà nhà đầu tư, cổ đông đã đưa ra giá cao đó? Đó là trách nhiệm của ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Vấn đề ở đây không phải là thu được giá cao hay thấp mà là khả năng của anh trước nguồn tiền thu về đó, thu về nhưng cơ hội đầu tư không có sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông. Với nhà đầu tư chân chính, phần vốn họ bỏ vào là để mang lại sự ổn định lâu dài về sau chứ không phải là do động cơ ngắn hạn.

Theo ông có những yếu tố nào có thể sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của MHB?

Ở đây không nên hiểu cổ phần hóa là để IPO, bán cổ phiếu. Chúng tôi thấy cần quan tâm hơn đến vấn đề sau cổ phần hóa. Thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp sau cổ phần hóa, không riêng gì các ngân hàng, là sự thay đổi mô hình quản trị, là chiến lược phát triển phù hợp và hiệu quả.

Mặt khác, khi cổ phần hóa, tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước cũng không quá quan trọng, quan trọng là mô hình quản trị doanh nghiệp có thay đổi hay không.

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Deutsche Bank AG tư vấn cổ phần hóa cho MHB (26/05/2007)

>   Kiến nghị thu hồi 1.000 tỉ đồng tiền lãi từ PVFCCo: Nhà đầu tư có bị thiệt? (26/05/2007)

>   Chấp thuận nguyên tắc đăng ký chào bán cổ phiếu của CTCP Giấy Sài Gòn (25/05/2007)

>   Thông tin đăng ký làm đại lý đấu giá của Cty CP Giày Bình Định (25/05/2007)

>   CTCP Thủy điện Miền Trung đầu tư 450 tỷ đồng xây dựng Thủy điện Sơn Hà – Quảng Ngãi (25/05/2007)

>   Giá khởi điểm đấu giá của Bảo Việt là chấp nhận được (25/05/2007)

>   Chính thức rút giấy phép đầu tư đối với CTCP Vina Mobi (25/05/2007)

>   Làm rõ những thông tin về CPH Bảo Việt (25/05/2007)

>   Đạm Phú Mỹ: Cáo bạch đã rõ ràng chưa? (25/05/2007)

>   Lilama 3 XK sản phẩm cơ khí sang Nhật Bản và Ấn Độ (25/05/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật