Làm thế nào để đấu giá CP thành công?
Những cuộc đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các công ty, các tổ chức được xem là cơ hội đầu tư mới đối với nhà đầu tư (NĐT). Tuy nhiên, làm thế nào để đấu giá thành công với mức giá tốt nhất là bài toán nan giải đối với đa số NĐT.
Những cuộc đấu giá sôi động
Ngày 31/5, cuộc đấu giá gần 60 triệu cổ phiếu (CP) của Tập đoàn Bảo Việt sẽ mở đầu cho những đợt IPO lớn của nhiều tổng công ty, tập đoàn lớn trong nước. Đây là đợt IPO lớn nhất từ trước đến nay nên đã thu hút khá đông NĐT trong và ngoài nước tham gia. Nếu chỉ tính theo mức giá khởi điểm là 30.500 đồng/CP thì riêng tiền đặt cọc cho số lượng CP đưa ra đấu giá cũng đã lên đến 1.800 tỉ đồng, tương đương giá trị giao dịch của khoảng 2 phiên tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán (TTGDCK) TP.HCM hiện nay. Sau Bảo Việt, dự kiến đợt IPO của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng sẽ diễn ra vào tháng 8. Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty Thông tin di động MobiFone, Tổng công ty Bia rượu và nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)... dự kiến cũng sẽ bán đấu giá CP. Đó là chưa kể đến hàng loạt cuộc đấu giá CP khác, chẳng hạn sắp tới sẽ có đấu giá CP của Công ty Vincom, Công ty Chè Lâm Đồng, Công ty Du lịch quốc tế Vũng Tàu... Theo tính toán của các chuyên gia, một lượng tiền không nhỏ đang được các NĐT chuẩn bị cho các cơ hội này, trong đó có cả vốn rút từ thị trường niêm yết.
Tính giá đấu theo cơ sở nào?
Ở thời điểm thị trường niêm yết đang nóng, nhiều cuộc đấu giá CP có giá đấu thành công rất cao. Thậm chí có những NĐT bỏ giá đến mức không thể tưởng tượng nổi. Chẳng hạn giá đấu thành công cao nhất của Công ty Kem Kido là 80 triệu đồng/CP; Công ty Cadivi là 44,6 triệu đồng; Thủy điện Thác Mơ là 56 triệu đồng... Thế nhưng, thị trường hiện nay đã có sự thay đổi, các NĐT đã thận trọng hơn. Sự kiện IPO Đạm Phú Mỹ là một ví dụ khi giá khởi điểm là 50.000 đồng/CP thì giá đấu thành công bình quân chỉ ở mức 54.000 đồng/CP. Theo các chuyên gia chứng khoán, giá đấu CP bình quân của các doanh nghiệp (DN) sắp tới khó có thể cao như những cuộc đấu giá trước. Hầu hết NĐT cá nhân hiện nay đã có kinh nghiệm trong khi các NĐT lớn đều có chiến lược đấu giá, tính toán giá cả hợp lý.
Các NĐT cá nhân hiện nay cảm thấy rất khó khăn trong việc xác định mức giá khi tham gia IPO, sao cho đấu giá thành công nhưng giá ở mức hợp lý nhất, bởi nếu bỏ giá quá cao thì lỗ còn bỏ giá quá thấp lại không trúng. Nhiều NĐT xác định giá theo tin đồn hoặc theo sự suy đoán cảm tính. Ông Nguyễn Ngọc Tươi, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Đà Nẵng cho rằng, NĐT cần phải phân tích tình hình tài chính của tổ chức phát hành CP như lợi nhuận, nợ quá hạn, tổng tài sản để xem chỉ số tài chính có tốt hay không. Kế đến, NĐT nên đánh giá về mức tăng trưởng của DN trong vòng 3 năm gần nhất (DN có tiềm lực tốt sẽ đạt được mức tăng trưởng cao), sau đó đem so sánh DN này với các DN cùng ngành đang được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán hoặc đã có CP được giao dịch ngoài thị trường. Những thông tin này thường được nêu ra trong bản cáo bạch phát hành. "Tuy nhiên, không loại trừ nhiều số liệu không được công bố. Ví dụ một số DN nhà nước khi định giá trị để cổ phần hóa thường không tính giá trị đất hoặc những tài sản trên đất đã được khấu hao hết... Khi đó giá trị của DN được đưa ra thường thấp hơn giá thị trường", ông Tươi nói. Cũng theo ông Tươi, những NĐT cá nhân thường không có cơ hội để tìm hiểu và đánh giá hết mọi mặt về DN trong khi một số NĐT có tổ chức sẽ có cơ hội tìm hiểu DN kỹ hơn nên sự phân tích tốt hơn và sẽ đưa ra được mức giá đấu thầu sát với giá trị thực hơn. Ông Tươi cho rằng, các DN phát hành CP nên tổ chức những buổi giới thiệu về mình cho NĐT trước khi tổ chức đấu giá.
Ông Võ Hữu Tuấn, Phó giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt chi nhánh TP.HCM cho rằng, ngoài việc căn cứ vào những thông tin được công bố chính thức từ tổ chức phát hành, NĐT cần lấy thông tin về số lượng đăng ký tham gia đấu giá, tổng số lượng CP đăng ký mua để làm cơ sở đưa ra quyết định bỏ giá nào. Do đó thông tin từ phía TTGDCK TP.HCM sau ngày hết hạn đăng ký đấu giá cần phải được công bố nhanh chóng, kịp thời để NĐT có thời gian suy nghĩ và xem xét lại trước khi bỏ giá đấu thầu. Đó là những vấn đề mà các NĐT cần lưu ý và quan trọng nhất là sự thận trọng của NĐT khi đưa ra quyết định. "Khó có thể có một lời khuyên nào về mức giá đấu thầu tốt nhất cho các NĐT mà phải tùy thuộc vào sự kỳ vọng của từng người đối với CP của từng công ty, từng tổ chức phát hành khác nhau", ông Võ Hữu Tuấn nói.
Hiện nay có một số công ty chứng khoán, tổ chức tài chính có dịch vụ ủy thác đấu giá. NĐT cá nhân có thể ủy thác cho các tổ chức này tham gia đấu giá CP. Các chuyên gia chứng khoán nhận xét dịch vụ ủy thác đấu giá có ưu điểm là một tổ chức gom lại được nguồn cung rất lớn và có đội ngũ phân tích chuyên nghiệp. Từ đó có thể đưa ra được mức giá dẫn dắt thị trường nếu có những cơ sở phân tích đúng đắn.
Tuy nhiên, NĐT sẽ gặp nhiều rủi ro khi sử dụng dịch vụ này vì không có quyền tham gia bỏ giá theo ý riêng của mình. Thậm chí cũng có những tổ chức vẫn chỉ chạy theo giá thị trường, bỏ qua những chỉ số tài chính cơ bản nên có thể đưa giá quá cao. Khi đó, NĐT sẽ phải chịu thiệt. Bên cạnh đó, thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu CP sau phiên đấu giá cũng khá phức tạp.
TN
|