Cổ tức "vịt trời"!
Giới đầu tư chứng khoán luôn đặt ra hai mục đích hàng đầu : giá tăng và hưởng cổ tức. Đối với cổ phiếu trên thị trường OTC, sau khi thất vọng vì giá xuống trong hơn một tháng qua thì nhà đầu tư chỉ còn trông chờ vào cổ tức. Tuy nhiên không ít người đang méo mặt vì cổ tức “vịt trời”...
Chị Đ. T. H mua 17.000 CP của công ty xây dựng CII 8 tại TP.HCM. giữa tháng 3/2007 với hợp đồng ghi rõ “hưởng mọi quyền chia cổ tức...”. Chị H. càng tin tưởng hơn khi Công ty này thông báo đến đại hội cổ đông cuối tháng 4/2007 mới biểu quyết về thời gian chốt danh sách, mức chia cổ tức và chính thự ký HĐQT cũng xác định điều này. Nhưng cuối cùng cổ tức 10% bằng tiền mặt đã “bốc hơi” vì cả kế toán trưởng lẫn thư ký HĐQT trả lời rằng danh sách cổ đông chốt danh sách từ 31/12/2006!
Không chỉ chị H. mà nhiều cổ đông mua CP của công ty này từ đầu năm 2007 đến nay đang đặt nghi vấn : tại sao lại có chuyện lùi ngày chốt danh sách cổ đông và cổ tức thực sự đã vào túi ai vì nhiều người bán xong đã không bao giờ quay lại công ty hỏi cổ tức. Sự “nhập nhèm” này với từng người chỉ mất khoảng 3-5 triệu nhưng với hàng trăm cổ đông thì con số hàng tỷ kia đi đâu?
Không chỉ riêng với công ty CII 8 mà vừa qua chúng tôi còn nhận hàng loạt các phản ánh khách từ bạn đọc về việc cổ tức “vịt trời” dù trong hợp đồng mua bán ghi rõ họ được hưởng cổ tức phát sinh từ số CP được chuyển nhượng. Ông Đặng Vũ T. mua 500 CP của ngân hàng Eximbank. với giá 13,5 triệu/ CP (mệnh giá 1 triệu đồng) với hy vọng đựoc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nhưng do ngân hàng này bị NHNN “huýt còi” vì phát hành CP thưởng tăng vốn điều lệ mà chưa xin phép nên việc giao sổ cổ đông chậm hơn hứa hẹn gần 3 tháng, người bán tìm cách ghi lùi ngày để hưởng cổ tức và hai bên tranh chấp gần 2 tháng qua vẫn chưa ngã ngũ. Ông T. bực tức nói “ nếu ngân hàng này giữ chữ tín giao sổ đúng hạn thì tôi đâu có bị thiệt hàng trăm triệu đồng”. Trên thị trường OTC việc hứa, cam kết để người mua hưởng cổ tức rồi sau đó “xù” là “chuyện thường ngày ở chợ”.
Không chỉ những nhà đầu tư mới bị dụ theo kiểu "cổ tức được chia theo danh sách từ 31/12/2006 về trước anh chị mới mua nên chỉ hưởng được cổ phiếu phát hành thêm theo giá ưu đãi thôi” mà cả các nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm cũng bị thách “cứ đi kiện đâu thì kiện”. Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Trưởng bộ phận môi giới OTC Công ty chứng khoán ACBS khuyên: “nếu không hiểu rõ về cổ tức, quyền lợi và nghĩa vụ khi mua CP OTC thì nhà đầu tư nên tham khảo hoặc nhờ các công ty tư vấn, mức phí rất thấp chỉ khoảng 0,5% nếu giao dịch thành. Họ cũng sẽ giúp bạn soạn thảo hợp đồng, tìm hiểu kỹ thời gian chốt danh sách cổ đông, tình hình công ty...”.
Do thị trường OTC gần như bị “ buông lỏng” nên đại đa số đều mua bán theo thoả thuận, hợp đồng khá sơ sài và đầy kẽ hở nếu ra tranh chấp thì phần lớn người mua chịu thiệt. Ông Trịnh Hồng Nam, GĐ môi giới Công ty chứng khoán SSI cho biết: “nhiều người chỉ lấy tiền cọc khi bán, họ vừa bán được đúng giá mong muốn nếu thị trường xuống, vừa có thể kéo dài thời gian chuyển sổ để nhập nhằng chuyện cổ tức”. Khi mua CP, nhà đầu tư thường được (bị) tính luôn phần cổ tức sẽ có để nâng giá CP lên nhưng nếu gặp cổ tức “vịt trời” như trên thì thua lỗ đã rõ.
Chuyên gia chứng khoán Huy Nam cho rằng: “VN chưa có thị trường OTC đúng nghĩa. Tuy nhiên vẫn có những luật lệ ràng buộc để người bán, người mua thực hiện những cam kết đã thoả thuận, nếu tỉnh táo và biết xót tiền, nhà đầu tư vẫn có thể không mua phải những lời hứa ảo”.
Theo một số chuyên gia chứng khoán thì khi thoả thuận mua CP OTC, tốt nhất là tính đúng gía trị hiện tại của CP, còn việc có cổ tức hay được mua CP mới ưu đãi thì không nên tính ngay vào vì còn phụ thuộc vào rất nhiều thứ. Chỉ khi nào Công ty có CP OTC chính thức thông báo và đựoc cơ quan chức năng cho phép trả cổ tức, phát hành CP nâng vốn điều lệ thì khi đó thông tin mới có giá có giá trị pháp lý. Với nhà đầu tư thì họ lại “phải đón gió mới có lời nhiều chứ”, nếu như thế thì nên chấp nhận rủi ro, may nhờ rủi chịu hơn là tính chuyện kiện cáo.
VNN
|