Thứ Hai, 28/05/2007 14:21

Giá khí cho đạm Phú Mỹ đã theo thị trường?

Theo cáo bạch của Công ty Phân đạm và hoá chất Dầu khí (PVFCCo) thì giá khí cho Nhà máy đạm Phú Mỹ khi chuyển sang công ty cổ phần thay vì 1,3 USD/triệu BTU như trước đây sẽ được nâng lên 2,2 USD/triệu BTU cố định đến năm 2012 và 3,66 USD/triệu BTU từ năm 2013, trượt 2%/năm cho đến hết đời dự án.

Quyết định về giá này cũng được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) ban hành trước đó phục vụ cho việc cổ phần hoá của PVFCCo. Không biết giá khí mới cho đạm Phú Mỹ này đã được tham khảo ý kiến các cơ quan hữu trách đến đâu bởi theo đề nghị của Bộ Tài chính, giá khí cho Nhà máy đạm Phú Mỹ phải là giá thị trường, kể từ ngày 1 tháng 4 năm 2007. Điều này cũng đặt ra câu hỏi “giá khí mới mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) công bố cho Nhà máy đạm Phú Mỹ đã là giá thị trường chưa?”

Dự án Khí- Điện- Đạm tại Bà Rịa Vũng Tàu được thông qua chủ trương xây dựng tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 10 theo Nghị quyết 06/1997/QH10 (tháng 11 năm 1997) và đã được công nhận kết thúc tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XI với đa số các công trình đã được hoàn thành.

Theo Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội mới đây thì sử dụng khí Bạch Hổ – Rạng Đông có Nhà máy nhiệt điện Bà Rịa (thuộc Công ty nhiệt điện Bà Rịa), Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 2.1 và 2.1 mở rộng (thuộc Công ty TNHH 1 TV Phú Mỹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam-EVN) và Nhà máy đạm Phú Mỹ (thuộc PetroVietnam).

Khu vực Phú Mỹ-Bà Rịa cũng là nơi cập bờ của đường ống Nam Côn Sơn nên ở đây còn có các nhà máy điện khác sử dụng khí như Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3 (được nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo hình thức BOT); Nhà máy điện Phú Mỹ 1, Nhà máy điện Phú Mỹ 4 (thuộc EVN).

Vào thời điểm Nhà máy xử lý khí Dinh Cố (PetroVietnam) bắt đầu hoạt động-năm 1999, với đầu vào là khí đồng hành từ Bạch Hổ và Rạng Đông, các hộ tiêu thụ khí lúc đó mới chỉ có Nhà máy nhiệt điện Bà Rịa (đã vận hành bằng khí từ năm 1995), Nhà máy điện Phú Mỹ 2.1 và 2.1 mở rộng (vận hành từ tháng 2/1999) và Nhà máy điện Phú Mỹ 1 (tổ máy cuối cùng vận hành vào tháng 11/2001).

Sau khi có thêm khí của đường ống Nam Côn Sơn được đấu nối vào Nhà máy xử lý khí Dinh Cố (từ cuối tháng 11 năm 2002) Nhà máy điện Phú Mỹ 1 đã chuyển sang dùng khí Nam Côn Sơn và tiếp theo đó khi các nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 (vận hành tháng 12/2004), Phú Mỹ 3 (vận hành tháng 3/2004), Phú Mỹ 4 (tháng 8/2004) đi vào hoạt động thì nguồn nhiên liệu đầu vào chính cho các hộ điện này là khí Nam Côn Sơn.

Do mang tính chất thương mại nên khí Nam Côn Sơn tại thời điểm này đang được bán cho các hộ điện với giá 3,35 USD/triệu BTU, trượt giá 2%/năm. Còn khí Bạch Hổ và Rạng Đông bởi các điều kiện hình thành và nhiều yếu tố lịch sử liên quan khác nên PetroVietnam nói riêng và phía Việt Nam nói chung có thể tác động vào để có giá khí thấp. Giá khí Bạch Hổ và Rạng Đông bán cho các hộ điện là 2,2 USD/triệu BTU và hộ đạm Phú Mỹ là 1,3 USD/triệu BTU.

Nếu PVFCCo vẫn là doanh nghiệp Nhà nước 100% thì việc duy trì giá bán khí ở mức 1,3 USD/triệu BTU có lẽ không phải bàn cãi gì nhiều. Tuy nhiên, khi chuyển thành công ty cổ phần thì việc ưu đãi này khó có thể chấp nhận được. Có lẽ vậy nên PetroVietnam đã quyết định đưa giá khí mới bán cho đạm Phú Mỹ lên 2,2 USD/triệu BTU-như các hộ điện đang mua khí Bạch Hổ-Rạng Đông.

Thoạt nhìn có vẻ mức giá 2,2 USD này khá là hợp lý vì đã ngang bằng với giá mua của các hộ điện cùng sử dụng nguồn khí Bạch Hổ-Rạng Đông. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ duy nhất có Nhà máy đạm Phú Mỹ của PetroVietnam là được sử dụng “trọn gói” nguyên liệu đầu vào là khí Bạch Hổ-Rạng Đông. Các nhà máy điện khác có sử dụng nguồn Bạch Hổ- Rạng Đông đều phải dùng thêm khí Nam Côn Sơn bởi nguồn Bạch Hổ-Rạng Đông không đủ đáp ứng nhu cầu.

Như đã nói ở trên, khi trước khi Nhà máy đạm Phú Mỹ của PetroVietnam đi vào vận hành, các hộ điện gồm Nhà máy nhiệt điện Bà Rịa, Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 mở rộng và Nhà máy điện Phú Mỹ 1 là hộ tiêu thụ chính của khí Bạch Hổ-Rạng Đông. Nhưng do bản thân nguồn cung cấp từ Bạch Hổ và Rạng Đông cũng không dồi dào nên khi có khí Nam Côn Sơn từ đầu năm 2003, Nhà máy điện Phú Mỹ 1 công suất 1.099 MW và Phú Mỹ 2.1 đã chuyển sang sử dụng khí Nam Côn Sơn. Hai nhà máy điện còn lại là Nhà máy nhiệt điện Bà Rịa công suất hơn 300 MW và Nhà máy điện Phú Mỹ 2.1 mở rộng phần sử dụng khí có công suất 288 MW là hộ tiêu thụ chính khí Bạch Hổ-Rạng Đông.

Tuy nhiên, hai hộ điện này cũng nhanh chóng “tụt hạng” khi Nhà máy đạm Phú Mỹ chính thức vận hành thương mại vào tháng 9/2004.

Bởi ý nghĩa của việc có nhà máy đạm (công suất thiết kế 740 nghìn tấn/năm) tại một nước nông nghiệp như Việt Nam (nhu cầu khoảng 2 triệu tấn/năm) nên không chỉ có giá khí cho đạm được ưu tiên ở mức 1,3 USD/triệu BTU so với cho điện là 2,2 USD/triệu BTU mà nguồn cung cấp khí cho đạm cũng được đảm bảo hơn. Đặc biệt khi Nhà máy xử lý khí Dinh Cố hay Nhà máy đạm Phú Mỹ đều là thành viên của PetroVietnam.

Chẳng vậy mà các hộ tiêu thụ điện đều “ngậm bồ hòn” khi khí Bạch Hổ-Rạng Đông được dồn cho đạm, thừa mới đến hộ điện. Mà theo sơ đồ công nghệ khai thác dầu thì nguồn khí Bạch Hổ-Rạng Đông đang trên đà sụt giảm nên không đủ sức “cõng” cả các hộ vốn chỉ dùng khí của Bạch Hổ-Rạng Đông.

Theo diễn giải của PetroVietnam thì tới năm 2009, nguồn khí Bạch Hổ-Rạng Đông là 0,57 tỷ m3- “nhỉnh” hơn nhu cầu 0,52 tỷ m3/năm của Nhà máy đạm Phú Mỹ. Còn từ năm 2010, thì phải bù từ nguồn khí khác.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện của Công ty TNHH 1 TV nhiệt điện Phú Mỹ-nơi đang quản lý và vận hành cụm nhà máy điện Phú Mỹ 2.1 có tổng công suất 565 MW cho hay, từ năm 2004 (thời điểm nhà máy đạm Phú Mỹ xuất hiện), Nhà máy điện Phú Mỹ 2.1 mở rộng đã bắt đầu phải sử dụng thêm khí Nam Côn Sơn với giá cao hơn khá nhiều so với khí Bạch Hổ –Rạng Đông bởi khí Bạch Hổ –Rạng Đông không còn đủ như trước.

Như vậy, giá khí bán cho các hộ điện có dùng nguồn Bạch Hổ –Rạng Đông không chỉ đơn thuần là 2,2 USD/triệu BTU mà các hộ này phải chấp nhận một mức giá bình trung bình nào đó giữa khoảng 2,2 USD/triệu BTU với 3,35 USD/triệu BTU của Nam Côn Sơn.

Đối với Nhà máy nhiệt điện Bà Rịa công suất 388 MW, nơi hiện chỉ sử dụng duy nhất nguồn khí từ Bạch Hổ-Rạng Đông thì chẳng có sự lựa chọn nào khác ngoài “đổ dầu vào” hoặc dừng mấy tổ máy khi khí đã được ưu tiên cho đạm Phú Mỹ. Năm 2006, sản lượng điện từ khí của Nhà máy điện Bà Rịa chỉ chiếm khoảng 65% công suất các tổ máy tuabin khí đặt tại đây.

Phân tích của Bộ Tài chính “với giá khí 3 USD/triệu BTU, Nhà máy đạm vẫn không phát sinh lỗ” không biết có xuất phát từ những thực tế mua khí của các hộ điện phải chấp nhận dùng lẫn khí Bạch Hổ-Rạng Đông và khí Nam Côn Sơn hiện nay không!

Nhưng qua đề xuất điều tiết thu lại 50% lợi nhuận của Nhà máy đạm Phú Mỹ, dân tình mới biết rằng, dù được “ưu đãi đủ đường” nhưng giá đạm Phú Mỹ “bám sát” giá đạm thế giới. Không những vậy, khoản lợi nhuận thu được từ việc có giá khí thấp lại được “để lại” ở PetroVietnam và nếu không có đề xuất của Bộ Tài chính thì không biết khoản lợi nhuận “khổng lồ” đó sẽ “được sử dụng như thế nào”. Còn người nông dân, đối tượng chính lẽ ra được hưởng lợi từ việc có nhà máy đạm xem ra chẳng nhận được gì nhiều với sự an ủi “Đạm Phú Mỹ- cho mùa vàng bội thu”.

Cũng cần nói thêm rằng, hàng loạt các dự án đạm khác đi từ nguyên liệu than của Công ty hoá chất phân đạm Hà Bắc, Nhà máy đạm Ninh Bình do không có những ưu đãi nhất định trong giá nguyên liệu than đầu vào nên “giẫm chân tại chỗ” nhiều năm nay.

Hiện tại, các hộ mua khí Bạch Hổ-Rạng Đông đều đã có những thay đổi nhất định về chủ sở hữu cùng với việc tiến trình cổ phần hoá.

PVFCCo (quản lý Nhà máy đạm Phú Mỹ) và Công ty Nhiệt điện Bà Rịa đều vừa hoàn tất việc bán cổ phần lần đầu khi thực hiện cổ phần hoá và Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối. Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 2.1 mở rộng vẫn là đơn vị hạch toán phụ thuộc trong Công ty TNHH 1 TV nhiệt điện Phú Mỹ (thuộc EVN).

Với mức độ quan trọng đối với nền kinh tế của hoạt động sản xuất điện và sản xuất đạm, sự thay đổi của loại hình doanh nghiệp, cũng như nguyên tắc đối xử công bằng, khó có thể nói nên “ưu ái” cho doanh nghiệp nào, nhất là khi khí giá rẻ là tài nguyên quốc gia.

Đã đến lúc các cơ quan hữu trách của Nhà nước cần vào cuộc để tránh tình trạng lợi nhuận lẽ ra thuộc về Nhà nước lại “chảy ra” ngoài bởi sự  “ưu ái” lẫn nhau khi có lợi thế được giao quản lý nguồn tài nguyên quốc gia.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Mô hình Công ty Mua bán điện: Mua của mình để bán cho mình (28/05/2007)

>   Tin vắn về đấu giá cổ phần (26/05/2007)

>   Cổ tức "vịt trời"! (26/05/2007)

>   “Vinamit sẽ niêm yết cổ phiếu vào đầu năm 2008” (26/05/2007)

>   “Cổ phần hóa không phải để bán cổ phiếu” (26/05/2007)

>   Deutsche Bank AG tư vấn cổ phần hóa cho MHB (26/05/2007)

>   Kiến nghị thu hồi 1.000 tỉ đồng tiền lãi từ PVFCCo: Nhà đầu tư có bị thiệt? (26/05/2007)

>   Chấp thuận nguyên tắc đăng ký chào bán cổ phiếu của CTCP Giấy Sài Gòn (25/05/2007)

>   Thông tin đăng ký làm đại lý đấu giá của Cty CP Giày Bình Định (25/05/2007)

>   CTCP Thủy điện Miền Trung đầu tư 450 tỷ đồng xây dựng Thủy điện Sơn Hà – Quảng Ngãi (25/05/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật