Vai trò dòng vốn FDI với Việt Nam
Dòng vốn FDI đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt với các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Dòng vốn này thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam thông qua việc gia tăng xuất khẩu, tạo việc làm, và phát triển chuỗi cung ứng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các dự án FDI mới được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Xu hướng dòng FDI toàn cầu
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ lâu đã trở thành động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy hội nhập toàn cầu ở các nước đang phát triển. Xu hướng này bắt đầu từ thế kỷ 20 nhờ quá trình toàn cầu hóa và tự do thương mại giữa các quốc gia. Đặc biệt, trong những năm 1980-1990, dòng vốn FDI có xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ giữa các quốc gia. FDI thường chảy từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển để tận dụng lợi nhuận cao hơn và tiếp cận các thị trường tiềm năng mới.
Các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Singapore, và Hồng Kông trở thành điểm đến thu hút dòng vốn này nhờ môi trường kinh tế ổn định, vị trí chiến lược, và cơ sở hạ tầng được cải thiện mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Bắc Mỹ đứng thứ hai nhờ sự dẫn dắt từ Mỹ khi nhà đầu tư nhận thấy cơ hội trong các lĩnh vực công nghệ cao và chăm sóc sức khỏe.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tác động lớn đến dòng vốn FDI toàn cầu trong những năm gần đây. Theo đó, ASEAN trở thành điểm đến hấp dẫn với những điểm sáng như Singapore, Indonesia, và Việt Nam. Mỹ đã trở thành quốc gia đầu tư FDI vào ASEAN lớn nhất với giá trị trên 74 tỷ USD, vượt xa Liên minh châu Âu (24 tỷ USD), phản ánh tiềm năng kinh tế to lớn của khu vực. Đồng thời, Việt Nam nổi lên như một điểm đến hấp dẫn với dòng vốn FDI toàn cầu, thu hút hơn 30 tỷ USD đăng ký mỗi năm.
Vai trò của dòng vốn FDI đối với Việt Nam
Dòng vốn FDI vào Việt Nam đã hình thành một nhóm doanh nghiệp đặc thù là các doanh nghiệp FDI. Nhóm này đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế khi trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thể hiện qua những đóng góp trong xuất khẩu, tạo việc làm, và xây dựng chuỗi cung ứng ở các ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, máy móc, dệt may, và giày dép.
Số liệu từ GSO cho thấy thặng dư thương mại của Việt Nam trong những năm gần đây phần lớn đến từ khu vực FDI. Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 72% tổng giá trị xuất khẩu quốc gia, nhờ vào các doanh nghiệp như Samsung, LG, Hyosung, và Apple. Các ngành dẫn dắt chính bao gồm Máy móc, Thiết bị, và CEPP (Máy tính, Sản phẩm điện tử & Linh kiện). Đặc biệt, Samsung đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam với 6 nhà máy đang hoạt động, với kim ngạch xuất khẩu vào khoảng 65 tỷ USD.
FDI và GDP có mối tương quan chặt chẽ khi dòng vốn FDI gia tăng, tăng trưởng GDP thường tăng theo. Điều này là do FDI cung cấp vốn cho các khoản đầu tư sản xuất, tạo ra sản phẩm, việc làm, và thu nhập, từ đó thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, FDI còn mang lại công nghệ mới và kỹ năng quản lý, cải thiện năng suất, thúc đẩy xuất khẩu, và đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Các dự án FDI lớn tại Việt Nam
Khu vực FDI tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, phản ánh sức hút ngày càng lớn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Trong hai thập kỷ qua, FDI giải ngân đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 10% từ năm 2000 đến 2023.
Các dự án FDI lớn giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, trong năm 2024, Việt Nam nhận được sự chú ý từ các tập đoàn lớn trên thế giới với các dự án từ Hàn Quốc, Đài Loan, và Singapore. Các dự án này tập trung vào lĩnh vực sản xuất với giá trị lớn, nổi bật là các dự án từ Samsung, Amkor, và Foxconn với giá trị hơn 1 tỷ USD.
Những dự án này được kỳ vọng sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, đồng thời nâng cao tay nghề và trình độ lực lượng lao động, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Trần Trương Mạnh Hiếu
FILI - 08:00:00 06/01/2025
|