Kinh tế Việt Nam qua góc nhìn quốc tế: Khẳng định vị thế toàn cầu
Với những nền tảng bền vững và chiến lược phát triển phù hợp, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những điểm sáng nổi bật tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Gần 2.000 tấn Module “Made in Vietnam” do Doosan Vina sản xuất lên đường đến thị trường Hoa Kỳ. (Ảnh: TTXVN)
|
Năm 2024 không chỉ là câu chuyện về sự phục hồi và tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, mà còn là minh chứng cho khả năng thích nghi và sáng tạo của một quốc gia đang vươn lên mạnh mẽ trong bức tranh kinh tế toàn cầu.
Với những nền tảng bền vững và chiến lược phát triển phù hợp, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những điểm sáng nổi bật tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Triển vọng tăng trưởng tích cực
Các tổ chức tài chính quốc tế hàng đầu, như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đã liên tục nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong các năm 2024 và 2025.
Theo ADB, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam được dự báo đạt 6,4% trong năm 2024 và 6,6% trong năm 2025 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong sản xuất và thương mại, cùng các biện pháp tài khóa hỗ trợ.
Tương tự, WB cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên 6,1% trong năm 2024 và 6,5% trong năm 2025.
Ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Lào và Campuchia, nhấn mạnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát, bất ổn địa chính trị và thiên tai, kinh tế Việt Nam trong năm 2024 tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Á-Thái Bình Dương.
Ông Coppola cho rằng sự ổn định của môi trường kinh doanh và các cải cách không ngừng là những yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam và thu hút đầu tư nước ngoài. Đầu tiên, thực tế là môi trường kinh doanh của Việt Nam mang lại sự ổn định cho các nhà đầu tư. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng.
Thứ hai, cộng đồng quốc tế rất đánh giá cao nỗ lực liên tục của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này cũng rất quan trọng.
Thứ ba, Việt Nam đã tận dụng tốt vị trí chiến lược là "cầu nối" giữa hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ. Nhờ tất cả những điều này, Việt Nam có thể thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài.
Dây chuyền sản xuất modul camera và linh kiện điện tử xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn MCNEX VINA, 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, trong Khu công nghiệp Phúc Sơn, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
|
Điểm sáng trong thu hút đầu tư và công nghệ
Trong năm 2024, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Tổng cục Thống kê cho biết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam trong 11 tháng của năm 2024 đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp dòng vốn này vượt ngưỡng 20 tỷ USD. Các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, bất động sản và công nghệ cao là điểm đến ưu tiên của các nhà đầu tư.
Tháng 12, chuyên trang về đầu tư Vietnam-briefing.com của tập đoàn Dezan Shira & Associates đã đăng tải bài viết nhận định, trong lĩnh vực công nghệ, thỏa thuận chiến lược với NVIDIA để phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) đã khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường AI tại Việt Nam dự kiến đạt 753,4 triệu USD trong năm 2024, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 28,36% trong giai đoạn 2024-2030. Mức tăng trưởng của Việt Nam tương đương với tốc độ tăng trưởng 28,53% của khu vực. Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam có khả năng bắt kịp quá trình chuyển đổi công nghệ toàn cầu, được thúc đẩy nhờ đầu tư nước ngoài.
Những yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng công nghệ của Việt Nam phải kể đến lực lượng lao động trẻ, năng động và chi phí cạnh tranh. Việt Nam đứng thứ ba ở Đông Nam Á về các thỏa thuận đầu tư và tổng vốn đầu tư khởi nghiệp. Trong những năm gần đây, nhiều “kỳ lân” công nghệ và công ty khởi nghiệp trong nước đã hoạt động thành công trong lĩnh vực AI.
Bài viết trên Vietnam-briefing.com nhấn mạnh, khoản đầu tư chiến lược của NVIDIA vào Việt Nam đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ trong quá trình Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo AI tương lai của Đông Nam Á.
Việc NVIDIA thành lập hai trung tâm AI tại Việt Nam và thiết lập quan hệ đối tác với các công ty trong nước như VinBrain và tập đoàn FPT chứng tỏ Việt Nam ngày càng có vị thế nổi bật trong hệ sinh thái AI toàn cầu.
Tầm nhìn dài hạn
Tháng 11/2024, WB công bố báo cáo "Việt Nam 2045: Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi - Con đường dẫn đến tương lai thu nhập cao," trong đó đề xuất lộ trình giúp Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Hoạt động sản xuất tại xưởng sản xuất trụ bêtông ly tâm của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
|
Theo WB, trong 40 năm qua, hội nhập toàn cầu là động lực chính giúp Việt Nam phát triển thành công, tạo nên một trong những giai đoạn tăng trưởng kinh tế dài và nhanh nhất trong lịch sử hiện đại.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất, với khoảng 50% GDP và việc làm phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào xuất khẩu.
Với nền tảng thành công sẵn có, Việt Nam đặt mục tiêu đầy tham vọng trở thành nền kinh tế hiện đại, thu nhập cao vào năm 2045. Điều này đòi hỏi phải duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm khoảng 6% trong hai thập kỷ tới.
Bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết: “Để duy trì tăng trưởng nhanh chóng, Việt Nam cần chuyển đổi từ tham gia vào khâu lắp ráp cuối cùng thâm dụng lao động và có giá trị gia tăng thấp sang phát triển sản xuất và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn.”
Bà nói thêm rằng trong bối cảnh thương mại toàn cầu thay đổi và bất ổn gia tăng, việc đa dạng hóa quan hệ đối tác thương mại và đầu tư là rất cần thiết để xây dựng khả năng phục hồi và đảm bảo thành công lâu dài.
Báo cáo của WB đề xuất một chiến lược tổng thể nhằm thúc đẩy tăng trưởng năng suất, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Các giải pháp chính sách trọng tâm bao gồm: đẩy mạnh hội nhập thương mại chiều sâu; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy các hoạt động sử dụng công nghệ cao với kỹ năng chuyên sâu và thúc đẩy khu vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao; và chuyển đổi sang mô hình sản xuất phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dù triển vọng tích cực, Việt Nam vẫn đối mặt với một số thách thức, bao gồm rủi ro từ biến đổi khí hậu, thiên tai và sự suy giảm tăng trưởng của các đối tác thương mại lớn.
WB khuyến nghị Việt Nam đầu tư mạnh mẽ vào nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và các cải cách cơ cấu, đồng thời tận dụng triệt để các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường và giảm rào cản thương mại.
Tương tự, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam ông Shantanu Chakraborty cũng khẳng định đầu tư công sẽ là “chìa khóa” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo ông, đầu tư công không chỉ giúp thúc đẩy nhu cầu và việc làm, mà còn tác động tích cực đến các ngành phụ thuộc khác như xây dựng, hậu cần và vận tải. Đây sẽ là công cụ đưa Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào chính sách tiền tệ.
Động lực thứ hai là cải cách nhằm tăng cường sự thuận tiện trong kinh doanh và đảm bảo rằng Việt Nam tiếp tục duy trì các lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh nhiều quốc gia khác trong khu vực đang đầu tư xây dựng những cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới.
Giám đốc Quốc gia ADB Shantanu Chakraborty đánh giá đây là hai động lực chính để Việt Nam duy trì đà phát triển bền vững nhằm hướng tới các mục tiêu tăng trưởng mà chính phủ đặt ra trong tương lai.
Phương Nga
Vietnamplus - 05:02:00 01/01/2025
|