Thủ tướng: Bỏ tư duy "không biết mà vẫn quản, không quản được thì cấm"
Dứt khoát bỏ tư duy "không quản được thì cấm, không biết mà vẫn quản", thay vào đó "ai quản lý tốt nhất thì giao", là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong xây dựng pháp luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên gọp thứ 4 của Ban Chỉ đạo. Ảnh: VGP
|
Chiều 29/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật chủ trì Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo.
Phiên họp tập trung thảo luận, cho ý kiến về: Xử lý vướng mắc, bất cập liên quan phân cấp, phân quyền, ủy quyền; rà soát văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tố chức, bộ máy; trao đổi, thảo luận về một số vấn đề khác liên quan đến việc triển khai các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Theo Bộ Tư pháp, qua rà soát đến nay, có tổng số hơn 5,000 văn bản chịu tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Trong đó, có hơn 2,800 văn bản liên quan thay đổi tên gọi của cơ quan, tổ chức, đơn vị; có gần 1,900 văn bản có nội dung cần xử lý ngay và hơn 300 văn bản có nội dung cần xử lý nhưng chưa cấp thiết.
Theo Bộ Nội vụ, pháp luật về phân cấp, phân quyền, ủy quyền được quy định chủ yếu trong dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và một số luật chuyên ngành. Qua rà soát, xác định có hơn 1,000 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan 2 Luật trên.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng yêu cầu dứt khoát bỏ tư duy "không quản được thì cấm, không biết mà vẫn quản", thay vào đó quán triệt tư duy "ai quản lý tốt nhất thì giao", "người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm", "cái gì cấm thì đưa vào luật, cái gì không cấm thì tạo không gian cho sáng tạo", "cái gì doanh nghiệp và người dân làm được, làm tốt hơn thì Nhà nước dứt khoát không làm".
Theo Thủ tướng, quản lý Nhà nước chỉ tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch, pháp luật, cơ chế, chính sách, kiến tạo phát triển; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh không "ôm" việc lên Trung ương mà địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Về một số nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành rà soát, nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy; nhanh chóng trình ban hành những văn bản phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; không để khoảng trống pháp lý và gián đoạn hoạt động.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, xây dựng để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc xử lý các vấn đề vướng mắc, phát sinh liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó đề xuất quy định các nguyên tắc và giao Chính phủ tiếp tục hướng dẫn cụ thể.
Bộ Nội vụ chủ trì, xây dựng để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thành lập một số bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 sau khi có chủ trương của Đảng.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Nội vụ xây dựng dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Bộ Tư pháp xây dựng dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Bộ Tài chính được giao hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; khẩn trương trình Chính phủ trong tháng 1/2025 để trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự thủ tục rút gọn.
Cũng theo Thủ tướng, ngoài các luật, nghị quyết sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 cũng rất nặng nề nên các cơ quan cần chủ động, khẩn trương phối hợp để bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Tùng Phong
FILI - 05:28:00 30/12/2024
|