10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2024
Dù chịu phần nào thiệt hại từ bão Yagi, năm 2024, vẫn có nhiều thuận lợi, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Những động lực tăng trưởng mạnh mẽ từ xuất khẩu, đầu tư FDI, và sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp, giúp Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024.
Trong năm qua, tình hình thiên tai ở nước ta diễn ra rất khốc liệt gây ảnh hưởng rất nhiều lên đời sống người dân.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, năm 2024, ở Việt Nam đã xảy ra 21/22 loại hình thiên tai. Sau những tháng đầu năm hạn hán tại các tỉnh phía Nam là bão mạnh, mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét trên diện rộng ở miền Bắc, mưa lũ lớn ở Trung Bộ.
Đáng chú ý nhất là bão số 3 (Yagi) - cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền; hoàn lưu bão gây mưa lớn toàn Bắc Bộ và Thanh Hóa, gây lũ lớn, đặc biệt lớn diện rộng (hầu hết các sông vượt báo động 3), trong đó lũ lịch sử xuất hiện trên 7 tuyến sông, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại hầu hết các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, nhất là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng....
Do mưa lớn cực đoan, hiện tượng lũ quét, sạt lở đất đã xảy ra tại nhiều điểm, gây thiệt hại rất lớn về người trong năm 2024. Trong đó, có những trận rất nghiêm trọng như lũ quét tại Làng Nủ, Lào Cai ngày 10/09, sạt lở đất tại Cao Bằng ngày 09/09.
Bên cạnh đó còn có mưa lũ lớn tại các tỉnh miền Trung sau bão số 6, trong đó tại Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đỉnh lũ đạt 4.14m, trên mức báo động 3 là 1.44m, lớn thứ hai từ năm 1979 đến nay và chỉ thấp hơn lũ lịch sử năm 2020.
Thiên tai năm 2024 đã làm 514 người chết, mất tích (gấp 3.04 lần so với năm 2023 và 2.44 lần mức trung bình 10 năm từ 2014-2023); 2,207 người bị thương. Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 88,748 tỷ đồng (gấp 9.52 lần với năm 2023 và 4.19 lần mức trung bình 10 năm từ 2014-2023).
Dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, tình hình kinh tế xã hội trong nước phục hồi rõ nét, dự báo tăng trưởng cao trong quý 4, dẫn dắt tăng trưởng cả năm 2024 có thể đạt và vượt 7%.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân có xu hướng giảm dần, 11 tháng tăng 3.69% so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực, lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch. Do đó, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025.
Tính chung 11 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 715.55 tỷ USD, tăng 15.4% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 11 tháng đạt 369.93 tỷ USD, tăng 14.4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 103.88 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 28.1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 266.05 tỷ USD, tăng 12.4%, chiếm 71.9%. Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu công nghiệp chế biến đạt 325.52 tỷ USD, chiếm 88%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 345.62 tỷ USD, tăng 16.4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 126.05 tỷ USD, tăng 18.5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 219.57 tỷ USD, tăng 15.2% với nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 323.72 tỷ USD, chiếm 93.7%.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 108.9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 130.2 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24.31 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 26.2 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22.17 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 46.48 tỷ USD.
Tính chung 11 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31.4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài ước tính đã giải ngân được khoảng khoảng 21.68 tỷ USD, tăng 7.1% so với cùng kỳ năm 2023.
Các doanh nghiệp FDI hiện hữu tiếp tục đưa ra các cam kết về đầu tư thêm vốn dự án, hỗ trợ năng lực sản xuất đang mở rộng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thu hút sự quan tâm từ các tập đoàn đa quốc gia lớn như Google dự định mở văn phòng tại Việt Nam vào tháng 4/2025 và NVIDIA mở trung tâm R&D để phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam. Những nỗ lực liên tục nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao về cả chiều rộng và chiều sâu với các đối tác quốc tế cũng sẽ đóng vai trò là động lực thúc đẩy dòng vốn đầu tư tiếp theo.
Chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11/2024 tăng cao, đạt 1.7 triệu lượt người, tăng 38.8% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 11 tháng năm 2024, khách quốc tế đến Việt nam đạt hơn 15.8 triệu lượt người, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp nối năm 2023, năm 2024 tiếp tục có nhiều quốc gia nâng cấp quan hệ chiến lược toàn diện với Việt Nam và mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tháng 3/2024, Việt Nam và Úc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Hai nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; lao động, việc làm; đồng thời thảo luận về tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác để bảo vệ và thúc đẩy an ninh ổn định trong khu vực, trong đó nhất trí một thỏa thuận đối tác về gìn giữ hòa bình; đồng thời nâng tầm đối thoại về an ninh giữa Việt Nam và Úc lên cấp bộ trưởng.
Đến đầu tháng 10/2024, Pháp trở thành nước đầu tiên trong EU có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Các quan hệ hợp tác về an ninh, quốc phòng, kinh tế thương mại, chuyển đổi năng lượng, y tế, giáo dục…
Gần nhất, cuối tháng 11/2024, Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực: An ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Như vậy, hiện Việt Nam đang hợp tác chiến lược toàn diện với 9 nước: Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Pháp và Malaysia.
“Chuyển đổi kép - chuyển đổi xanh và chuyển đổi số” đang trở thành xu hướng phát triển chiến lược của nhiều quốc gia, giúp hướng đến đồng thời các mục tiêu phát triển bền vững và số hóa. Việt Nam cũng nhanh chóng nắm bắt xu thế này, lấy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh làm động lực quan trọng để phát triển.
Việt Nam đã có Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Năm 2025 sẽ là một năm bản lề bởi Việt Nam phấn đấu đạt được nhiều mục tiêu quan trọng trong năm tới, chẳng hạn như kinh tế số sẽ chiếm 25% GDP và tỷ trọng tín dụng xanh trong nền kinh tế đạt 10% .
Các doanh nghiệp đang tiến hành thay đổi tổ chức và triển khai ứng dụng công nghệ với quy mô lớn. Tính đến năm 2023, khoảng 47% số doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thực hiện các bước chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau, theo Cục Phát triển doanh nghiệp -Bộ Kế hoạch và Ðầu tư. Các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu nghiên cứu kế hoạch chuyển đổi xanh. Khảo sát năm 2022 của PwC, 40% doanh nghiệp đã có kế hoạch và đặt ra cam kết ESG. 48.7% doanh nghiệp nói rằng giảm phát thải, chuyển đổi xanh là cần thiết, theo một khảo sát do Ban phát triển kinh tế tư nhân công bố năm 2024.
Việt Nam có nhiều thuận lợi nhất định để triển khai chuyển đổi kép. Dân số 100 triệu với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động gần 70%, gần 80% dân số sử dụng internet, số lượng người sở hữu điện thoại thông minh tăng hơn gấp đôi so với thập kỷ trước… đã góp phần mở ra tiềm năng lớn về tiêu dùng số cho Việt Nam. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024, Việt Nam là một trong những nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ASEAN, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng là 16%. Xét về tổng giá trị hàng hóa giao dịch, Việt Nam có tiềm năng trở thành nền kinh tế số lớn thứ hai vào năm 2030.
Đầu tư cho hạ tầng là nền tảng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn FDI chất lượng vào Việt Nam. Chính phủ đang cho thấy thái độ quyết liệt trong việc thúc đẩy đầu tư công, tập trung vào nhiều dự án hạ tầng chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế.
Báo cáo của Vụ Kế hoạch - Đầu tư, năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công 56,666 tỷ đồng. Quá trình thực hiện, Bộ được bổ sung 18,815 tỷ đồng, nâng tổng kế hoạch vốn năm nay của cả ngành giao thông là 75,481 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 11/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 52,750 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch đã được giao (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt khoảng 75%). Tuy nhiên, con số này vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước (ở mức 60.4%).
Ngày 30/11, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, với tổng vốn hơn 67 tỷ USD, tốc độ thiết kế 350 km/h. Đây là “siêu dự án” chưa từng có ở Việt Nam, được thông qua sau 18 năm nghiên cứu và chuẩn bị.
Ngày 06/12/2024, Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025, trong đó Bộ GTVT được giao 71,135 tỷ đồng (nếu tính cả nguồn vượt thu các năm 2021, 2022, 2023 thì tổng kế hoạch vốn năm 2025 khoảng 87,000 tỷ đồng).
Năm 2024 có thể được xem là năm bản lề của công cuộc chuyển đổi khi 31 Luật đã được Quốc hội thông qua. Những luật sửa đổi, bổ sung được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã thông qua 2 Luật quan trọng:
- Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024, thay thế Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017).
- Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, thay thế Luật Đất đai 2013.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua 11 Luật:
- Luật Lưu trữ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025, thay thế Luật Lưu trữ 2011.
- Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, thay thế Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014.
- Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025, thay thế Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
- Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025.
- Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, thay thế Luật Giao thông đường bộ 2008.
- Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, thay thế Luật Giao thông đường bộ 2008.
- Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, thay thế Luật Thủ đô 2012.
- Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, thay thế Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 (sửa đổi 2019).
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 và Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/8/2024.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua 18 Luật:
- Luật Công chứng 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025.
- Luật Công đoàn 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025.
- Luật Di sản văn hóa 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025.
- Luật Dữ liệu 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025.
- Luật Đầu tư công 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
- Luật Địa chất và khoáng sản 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025.
- Luật Điện lực 2024 có hiệu lực từ ngày 01/02/2025.
- Luật Phòng, chống mua bán người 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
- Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025.
- Luật Phòng không nhân dân 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025.
- Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025.
- Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.
- Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược có hiệu lực từ ngày 01/07/2025.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 2024 có hiệu lực từ ngày 01/12/2024.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực từ ngày 01/07/2025.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 15/01/2025.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Giá vàng liên tục lập đỉnh trong năm 2024 đẩy nhu cầu mua, bán vàng trong nước tăng cao. Sau 6 phiên đấu thầu vàng không đạt được mục tiêu kéo giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai phương án cho 4 ngân hàng quốc doanh (Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) cùng với Công ty SJC bán vàng miếng trực tiếp cho người dân theo mức giá bán được NHNN ấn định.
Dù giá vàng vẫn còn neo cao và bị giới hạn số lượng mua/bán trong ngày, nhưng với tâm lý kỳ vọng thị trường vàng còn tăng, xuất hiện tình trạng người dân xếp hàng đi mua vàng tại các điểm bán. Nhằm tránh tình trạng này kéo dài, Công ty SJC và 4 ngân hàng quốc doanh chuyển sang đăng ký mua vàng trực tuyến.
Cát Lam
Thiết kế: Tuấn Trần
FILI - 10:00:00 30/12/2024
|