Năm xuyên phá kỷ lục của Bitcoin
Thị trường tiền ảo khép lại năm 2024 với một cột mốc lịch sử khi Bitcoin một lần nữa khẳng định vị thế dẫn đầu, vượt xa hiệu suất của các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán, trái phiếu và vàng.
Đồng tiền ảo hàng đầu này đã tăng ấn tượng 140% trong 12 tháng, từ mức 42,000 đầu năm lên đỉnh kỷ lục 108,000 USD, vượt xa mức tăng của các chỉ số chứng khoán và vàng.
Diễn biến giá Bitcoin
Những động lực chính thúc đẩy đà tăng trưởng này đến từ ba yếu tố quan trọng.
Trước tiên là sự kiện mang tính bước ngoặt khi SEC phê duyệt các quỹ ETF Bitcoin giao ngay đầu tiên được niêm yết. Quyết định này không chỉ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận Bitcoin một cách thuận tiện hơn mà còn mở đường cho dòng vốn tổ chức đổ vào thị trường tiền ảo.
Việc niêm yết trở thành yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với Bitcoin, giúp nhà đầu tư tiếp cận loại tiền điện tử lớn nhất thế giới mà không cần trực tiếp nắm giữ nó. Ngoài ra, chúng cũng thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức đến với thị trường tiền ảo.
Yếu tố thứ hai là chính sách tiền tệ của Fed đã có sự thay đổi đáng kể. Lần đầu tiên trong 4 năm, Fed đã chuyển sang chu kỳ hạ lãi suất từ tháng 9/2024 với ba đợt cắt giảm liên tiếp: Một đợt 50 điểm cơ bản vào tháng 9 và hai đợt 25 điểm cơ bản trong tháng 11 và 12. Động thái này đã tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn chảy vào các tài sản rủi ro, trong đó có Bitcoin.
Chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là yếu tố thứ ba, mang lại kỳ vọng về một môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho ngành công nghiệp tiền ảo. CEO Binance Richard Teng đã nhận định với Financial Times rằng đây là "cú huých lớn cho tiền ảo". Đặc biệt, việc ông Trump đề cử Paul Atkins - một người ủng hộ tiền ảo - làm Chủ tịch SEC càng củng cố thêm kỳ vọng về một "kỷ nguyên vàng" cho tài sản ảo.
Ở châu Âu, môi trường quy định cũng trở nên thuận lợi hơn khi Ba Lan và Ý xem xét lại chính sách thuế, trong khi EU đạt được tiến bộ với khuôn khổ Quy định Thị trường Tài sản Tiền ảo (MiCA). Ngay cả Trung Quốc, vốn thường có quan điểm thận trọng, cũng bắt đầu thể hiện cách tiếp cận cởi mở hơn với tài sản ảo.
Bitcoin có thể chạm tới 200,000 USD?
Với đà tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2024, giới chuyên gia đang đặt nhiều kỳ vọng vào triển vọng của Bitcoin trong năm 2025.
Elitsa Taskova, Giám đốc sản phẩm của nền tảng cho vay tiền số Nexo, nhận định: "Chúng tôi dự báo Bitcoin có thể tăng gấp đôi lên mức 250,000 USD trong vòng một năm tới".
Theo bà Taskova, dự báo này dựa trên xu hướng Bitcoin ngày càng được công nhận là tài sản dự trữ, sự gia tăng của các sản phẩm ETF liên quan đến tiền số, và mức độ chấp nhận ngày càng cao từ các tổ chức tài chính truyền thống. "Chính sách tiền tệ của Fed - cân bằng giữa lãi suất và lạm phát trong khi tránh đình trệ - sẽ là yếu tố then chốt", bà nói.
Sid Powell, đồng sáng lập và CEO của nền tảng tài chính Maple Finance, đưa ra dự báo thận trọng hơn với mục tiêu giá từ 180,000 đến 200,000 USD vào cuối năm 2025. "Nếu nhìn lại lịch sử, khi các quỹ ETF vàng ra đời, dòng vốn đổ vào trong năm đầu tiên đã tăng mạnh trong những năm tiếp theo. Tôi nghĩ chúng ta có thể kỳ vọng điều tương tự với các quỹ ETF Bitcoin", Powell nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo về khả năng điều chỉnh trong chu kỳ tăng giá mới. Trong các chu kỳ thị trường trước đây, Bitcoin thường tăng mạnh trong vài tháng trước khi giảm sâu. Điển hình như chu kỳ trước, Bitcoin đã tăng lên gần 70,000 USD vào năm 2021 nhưng sau đó giảm xuống dưới 17,000 USD do hàng loạt công ty tiền số phá sản.
Tuy nhiên, Sid Powell nhấn mạnh rằng những đợt giảm 70-80% như trong quá khứ khó có thể lặp lại trong năm 2025 "bởi đã có thêm lực đỡ từ dòng vốn tổ chức". Nhận định này được chia sẻ bởi nhiều chuyên gia, khi họ cho rằng sự tham gia ngày càng sâu rộng của các tổ chức tài chính truyền thống sẽ giúp ổn định thị trường.
Với những dự báo tích cực từ các chuyên gia hàng đầu và môi trường pháp lý ngày càng thuận lợi, năm 2025 hứa hẹn sẽ là một năm đáng chú ý của Bitcoin và thị trường tiền ảo nói chung. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng trước những biến động có thể xảy ra từ các yếu tố vĩ mô như lạm phát dai dẳng hay căng thẳng địa chính trị toàn cầu.
Vũ Hạo
FILI - 09:17:27 08/01/2025
|