Những rủi ro hệ thống trong "cơn sốt" bitcoin
Giá bitcoin tăng hơn 40%, thu hút sự chú ý của thị trường toàn cầu, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ủng hộ tiền kỹ thuật số và lựa chọn một số người có cùng quan điểm này vào nội các.
Đồng tiền kỹ thuật số bitcoin. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Đồng bitcoin mới đây đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 100.000 USD, một dấu mốc quan trọng trong lịch sử tiền kỹ thuật số.
Trong tháng qua, giá bitcoin tăng hơn 40%, thu hút sự chú ý của thị trường toàn cầu, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ủng hộ tiền kỹ thuật số và lựa chọn một số người có cùng quan điểm này vào nội các.
Việc đồng bitcoin tăng giá mạnh phản ánh sự thay đổi trong động lực chính trị và tài chính của Mỹ. Quỹ đạo của các chính sách dưới thời chính quyền của ông Trump sắp tới có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sự cân bằng giữa những quy định và vốn đầu cơ, định hình tương lai của nền kinh tế Mỹ.
Sự chuyển hướng trong quan điểm của ông Trump về tiền kỹ thuật số cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của dòng vốn liên quan đến loại tiền này.
Năm 2019, ông Trump chỉ trích tiền kỹ thuật số là đồng tiền “rất biến động” và có lợi cho các hoạt động bất hợp pháp. Tuy nhiên, vào năm 2024, ông đã tuyên bố kế hoạch đưa Mỹ trở thành siêu cường bitcoin toàn cầu.
Việc lựa chọn nội các của ông Trump cũng phản ánh sự chuyển hướng này. Việc ông Trump chọn ông Paul Atkins, một người ủng hộ tiền kỹ thuật số, vào vị trí Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ đã tiếp tục thúc đẩy đà lên giá của bitcoin.
Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy 17% người Mỹ đã đầu tư, giao dịch hoặc sử dụng bitcoin hoặc các loại tiền kỹ thuật số khác. Con số này tăng lên 23% ở các nhóm thu nhập cao và 41% ở người trưởng thành dưới 30 tuổi.
Tuy nhiên, dù sức hấp dẫn của bitcoin ngày càng tăng, sự hoài nghi vẫn tồn tại.
Các nhà kinh tế như Giáo sư về chính sách thương mại quốc tế tại Đại học Cornell, Eswar Prasad, cho rằng giá trị không ổn định đã khiến bitcoin trở thành một phương tiện phù hợp cho đầu cơ hơn là giao dịch.
Nhiều người Mỹ vẫn cảnh giác với sự an toàn của tiền kỹ thuật số, với cuộc khảo sát của Pew cho thấy chỉ 5% bày tỏ sự tin tưởng mạnh mẽ vào độ tin cậy của đồng tiền này.
Một mặt, tính biến động đặc trưng của bitcoin khiến đồng tiền này dễ bị thao túng bởi những nhà đầu tư có vốn lớn. Với tính thanh khoản và tiện ích hạn chế, bitcoin rất nhạy cảm với tâm lý thị trường, những thay đổi về quy định, các cuộc tấn công mạng và giao dịch đầu cơ.
Mặt khác, những năm chính sách tiền tệ của Mỹ được nới lỏng đã thúc đẩy lạm phát, làm xói mòn sức mua của người dân Mỹ và thúc đẩy họ tìm kiếm những tài sản rủi ro hơn.
Rủi ro về bong bóng đầu cơ của tiền kỹ thuật số cũng không phải là mới. Vào năm 2023, các vụ lừa đảo liên quan đến tiền kỹ thuật số ở Mỹ đã gây ra thiệt hại hơn 5,6 tỷ USD, tăng 45% so với năm trước đó.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu, Mỹ phải áp dụng các quy định tài chính có trách nhiệm, nếu không có thể gây tổn hại cho cả nhà đầu tư Mỹ và nền kinh tế toàn cầu nói chung./.
Lê Minh
(TTXVN/Vietnam+)
|