Góc nhìn đầu tư 2025: Ngành thủy sản - Biến thách thức thành cơ hội (Kỳ 1)
Ngành thủy sản là một trong những trụ cột xuất khẩu chủ lực của nước ta, với năng lực cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3 trên bản đồ thủy sản thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Na Uy. Với chiến lược phát triển bền vững và khai thác các thị trường tiềm năng, ngành thủy sản kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng và vươn tới mục tiêu xuất khẩu cao hơn trong năm 2025.
Tình hình xuất khẩu thủy sản năm 2024
Ngành thủy sản Việt Nam đã khép lại năm 2024 với những kết quả đáng ghi nhận. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cán đích với giá trị hơn 10 tỷ USD, tăng 11.9% so với năm 2023, đánh dấu một năm phục hồi mạnh mẽ sau đầy rẫy thách thức từ thị trường toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam giai đoạn 2015-2024
(Đvt: Tỷ USD)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt, với đóng góp khoảng 59% vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Cụ thể, xuất khẩu tôm đạt giá trị gần 3.9 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023, nhờ vào chiến lược tập trung thế mạnh hàng giá trị gia tăng và đa dạng hóa phân khúc sản phẩm. Trong khi đó, cá tra mang về 2 tỷ USD, tăng 9%, nhờ sự hồi phục của các thị trường chiến lược, đồng thời mở rộng sang các thị trường mới. Với động lực từ năm 2024, ngành thủy sản đang đặt mục tiêu vượt mốc 11 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2025, khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn.
Cơ cấu xuất khẩu thủy sản Việt Nam theo sản phẩm năm 2024
Nguồn: VASEP
Ngành cá tra - Củng cố thị trường chiến lược, khai phá tiềm năng mới
Theo báo cáo Triển vọng Nông nghiệp 2024-2033 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tiêu thụ cá bình quân đầu người toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng, đạt 21.4 kg vào năm 2033, tăng 2.7% so với mức 20.8 kg trong giai đoạn 2021-2023. Tốc độ tăng trưởng này sẽ chậm lại so với thập kỷ trước, chủ yếu do sự ổn định của nhu cầu ở các quốc gia thu nhập cao và sự bão hòa trong tiêu thụ cá tại các khu vực này.
Ngược lại, các thị trường tiêu thụ cá ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là ở Châu Á, Châu Mỹ Latinh và Châu Đại Dương, sẽ chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ. Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi các yếu tố như tăng trưởng dân số, cải thiện thu nhập và xu hướng chuyển dịch sang tiêu thụ thực phẩm lành mạnh, trong đó cá trở thành lựa chọn ưu tiên thay thế cho các nguồn protein khác.
Tiêu thụ cá bình quân đầu người của các khu vực
(Đvt: Kg/người/năm)
Nguồn: OECD - FAO
Cá tra, với khả năng sản xuất lớn và giá thành cạnh tranh, đang ngày càng khẳng định vị thế trong ngành thủy sản toàn cầu. Sự hồi phục mạnh mẽ tại các thị trường chiến lược như Mỹ, Trung Quốc và EU, cùng sự mở rộng sang các khu vực tiềm năng như châu Phi, Đông Nam Á và Trung Đông hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, ngành cá tra vẫn đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là sự cạnh tranh gay gắt từ các loại cá thịt trắng khác. Trước bối cảnh này, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, áp dụng công nghệ hiện đại và chủ động chiến lược phát triển thị trường để duy trì lợi thế cạnh tranh và gia tăng giá trị xuất khẩu.
Xuất khẩu cá tra sang các thị trường chính năm 2024
(Đvt: Triệu USD)
Nguồn: VASEP
Thị trường Mỹ là điểm sáng của xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm qua. Tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm cá tra sang Mỹ năm 2024 đạt 345 triệu USD, tăng 27% so với năm trước. Đặc biệt, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng (GTGT) sang thị trường này đã đạt hơn 12 triệu USD, tăng gấp 21 lần so với năm 2023, mức cao nhất trong suốt 10 năm qua. Đây là dấu mốc quan trọng phản ánh sự chuyển dịch trong xu hướng tiêu dùng. Bên cạnh sản phẩm chủ lực là phi lê cá tra đông lạnh, các doanh nghiệp trong ngành cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để sáng tạo ra các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.
Ngành tôm - Đối đầu thách thức
Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với tổng kim ngạch năm 2024 chạm mốc gần 4 tỷ USD. Đây là một kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh ngành này phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự cạnh tranh khốc liệt từ các "ông lớn" xuất khẩu tôm như Ấn Độ, Ecuador và sự phục hồi chậm của giá cả và sức mua tại các thị trường chủ lực. Bước sang năm 2025, ngành tôm Việt Nam cần tập trung vào chiến lược nâng cao giá trị gia tăng và tối ưu hóa hiệu quả sản xuất để duy trì vị thế.
Giá tôm chân trắng nguyên liệu (cỡ 100 con/kg) ở một số quốc gia giai đoạn 2023-2024
(Đvt: USD/kg)
Nguồn: VASEP
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI - 13:00:00 21/01/2025
|