TP HCM sẽ phát triển mạnh các ngành dịch vụ
TP HCM cần nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp ngành dịch vụ.
Ngày 25-7, tại hội thảo tham vấn ý kiến lần 1 "Phát triển ngành dịch vụ của TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" do Sở Công Thương phối hợp với các viện, trường tổ chức, các đại biểu cho rằng thành phố đã đạt được nhiều kết quả trong phát triển ngành dịch vụ song vẫn chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng và còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững.
Nhiều tiềm năng phát triển
Phát biểu mở đầu hội thảo, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết TP HCM xác định dịch vụ là ngành quan trọng đóng góp vào phát triển chung của thành phố. Trong 10 năm qua, ngành dịch vụ luôn có tỉ trọng đóng góp cao, trên 60% tổng sản phẩm trên địa bàn. Chỉ tính riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu năm 2023 đã đóng góp 59,6% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn), chiếm 90% khu vực dịch vụ.
"Việc xây dựng Đề án "Xây dựng TP HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao" (gọi tắt là Đề án) là một yêu cầu cấp thiết nhằm giúp thành phố tiếp tục có những giải pháp khắc phục những vướng mắc, tồn tại và tạo đà bứt phá trong tương lai theo các định hướng, tầm nhìn phát triển kinh tế TP HCM nói chung và ngành dịch vụ nói riêng" - Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhìn nhận.
Theo phân tích của Cục Thống kê TP HCM, thành phố có đầy đủ điều kiện cần và đủ để phát triển thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực. Nếu như năm 2010, dịch vụ chiếm 57,7% GRDP thì đến năm 2023 đã tăng lên 64,9%. Khu vực dịch vụ luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng bình quân chung GRDP thành phố. Riêng giai đoạn 2021-2023, khu vực dịch vụ tăng bình quân 4,76%/năm, cao hơn 1,23 điểm % so với mức tăng GRDP.
Logistics, cảng biển là những ngành dịch vụ mà TP HCM sẽ tập trung đầu tư. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
|
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, Tổ phó Tổ Đề án - cho rằng việc khai thác tốt các tiềm năng phát triển của thành phố, nhất là các ngành dịch vụ chất lượng cao, mang lại giá trị gia tăng sẽ tạo động lực mạnh hơn nữa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng Đông Nam Bộ, ĐBSCL và cả nước. Với vị trí chiến lược của TP HCM, cần thiết phải tập trung các giải pháp, chính sách phù hợp để góp phần thúc đẩy thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực trong thời gian tới.
"Hơn 10 năm qua, TP HCM đã là trung tâm về dịch vụ cũng như cực tăng trưởng về dịch vụ của Việt Nam, đóng góp khoảng 30% tỉ trọng và tăng trưởng khu vực dịch vụ của cả nước giai đoạn 2010 - 2022" - ông Vũ dẫn chứng.
Còn nhiều rào cản
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), cho rằng chưa cần tác động gì, TP HCM đã là một thành phố dịch vụ. Vì vậy, vấn đề của Đề án là làm sao nâng tầm ngành dịch vụ theo từng giai đoạn, hướng đến tầm khu vực và quốc tế nên cần có lộ trình cụ thể cho từng ngành.
"Trong bối cảnh mới, chiến lược phát triển không dừng ở từng ngành riêng lẻ mà tất cả ngành dịch vụ đều phải đặt trên nền tảng đổi mới sáng tạo. Vì vậy, phải đưa ngành công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông và đổi mới sáng tạo lên hàng đầu, có cơ chế đột phá hơn nhằm phát triển ngành này để các ngành còn lại dựa theo đó mà phát triển" - ông Hòa đề xuất.
TS Nguyễn Hoài Nam, Khoa Khoa học xã hội - Luật, Giám đốc Chương trình Luật kinh tế - Trường ĐH Hoa Sen (TP HCM), cho rằng rào cản phát sinh từ các quy định của pháp luật đang làm gia tăng chi phí sản xuất và tiêu hao nguồn lực của DN ngành dịch vụ. "Thời gian qua, Nhà nước đã có những hoạt động cải cách mạnh mẽ về điều kiện kinh doanh thuận lợi, các quy định kinh doanh đối với lĩnh vực dịch vụ trên địa bàn cả nước nói chung và TP HCM nói riêng nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng. Nhiều quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ vẫn còn bất hợp lý" - ông Nam nhận xét.
Để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho lĩnh vực dịch vụ tại TP HCM, TS Nguyễn Hoài Nam đề xuất cần nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư của DN. Trong đó, cần tập trung giải quyết ngay những bất cập đã được DN phản ánh nhiều lần, như quy định về phòng cháy chữa cháy, kiểm tra chuyên ngành...
Theo ông Nam, cần vận dụng cơ chế "một luật sửa nhiều luật" đối với các vướng mắc, điểm nghẽn đã được làm rõ, đi kèm với quy trình thực hiện rút gọn để có thể thực thi ngay. Tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh; khẩn trương cụ thể hóa cơ chế bảo vệ cán bọ,̂ công chức thi hành công vụ, dám đột phá, không vụ lợi. Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ DN giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước…
Trên cơ sở các ý kiến góp ý có sự đồng thuận cao với dự thảo Đề án, GS Nguyễn Trọng Hoài - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM, đại diện nhóm tư vấn Đề án - nhấn mạnh cách tiếp cận của Đề án là duy trì và nâng cấp các ngành dịch vụ đang tồn tại. Cùng với đó, tìm ra những ngành dịch vụ mang tính đột phá, tính tiềm năng theo xu hướng của khu vực và thế giới. Từ đó, đầu tư các nguồn lực để phát triển những ngành dịch vụ này.
5 đặc điểm của ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao
Theo tổ công tác xây dựng Đề án, Việt Nam chưa có định nghĩa chính thức về các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Với mục tiêu phát triển và định vị TP HCM trở thành 1 trung tâm dịch vụ của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có thể khái quát 5 nhận diện về đặc điểm của ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, gồm: chuyên môn và kỹ năng cao; công nghệ tiên tiến; tính sáng tạo và đổi mới; tính linh hoạt, tùy chỉnh và cá nhân hóa; khả năng tương tác và phục vụ tốt.
|
Bài và ảnh: Thanh Nhân
Người lao động
|