Lý do Bình Dương chưa bỏ tiền mua trạm BOT như tuyên bố
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương, từ năm 2018, ngành chức năng đã làm việc với chủ đầu tư về việc mua lại để di dời các trạm thu phí BOT trên hai tuyến ĐT.747A, ĐT.747B song vướng quy định nên tới nay vẫn chưa triển khai.
Chưa có quy định cụ thể
Thời gian qua, người dân tại tỉnh Bình Dương thắc mắc về việc trên địa bàn có nhiều trạm BOT nghe thông tin di dời đã lâu song đến nay vẫn chưa thực hiện.
Ngày 24/7, giải thích về việc di dời trạm BOT trên hai tuyến ĐT.747A, ĐT.747B, ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bình Dương - cho biết, từ năm 2018, Sở đã làm việc với Công ty Genimex (chủ đầu tư dự án) về việc mua lại trạm thu phí để nâng cấp mở rộng hai tuyến đường kể trên.
Theo ông Minh, kế hoạch mua lại trạm BOT nhằm nâng cấp đảm bảo đồng bộ hệ thống vỉa hè, cây xanh, thoát nước và chiếu sáng trên tuyến theo đề án sắp xếp lại trạm thu phí trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Công ty Genimex đã thống nhất việc triển khai thực hiện chấm dứt hợp đồng BOT trước hạn, chuyển giao cho Nhà nước quản lý đối với dự án trên.
Cũng theo ông Minh, sở dĩ đến nay vẫn chưa thực hiện di dời trạm BOT kể trên do hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc dùng vốn ngân sách để chấm dứt hợp đồng BOT.
“Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành có liên quan sớm tham mưu, báo cáo UBND tỉnh về việc chấm dứt hợp đồng BOT dự án trên để nâng cấp, mở rộng đồng bộ đường theo đúng quy định”, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho hay.
Trạm thu phí trên tuyến ĐT.747A.
|
Theo hợp đồng, trạm BOT do Công ty Genimex làm chủ đầu tư còn thời hạn 8 năm. Nếu Bình Dương mua lại để di dời sẽ phải chi số tiền lớn ngân sách để bù vào khoảng thời gian trên.
Trước đó tỉnh Bình Dương xây dựng đề án thu mua các trạm BOT đáp ứng nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp. Việc xóa trạm BOT sẽ thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển hàng hóa.
Giải quyết ngập úng, chiếu sáng
Liên quan đến tuyến ĐT.747A và ĐT.741 chưa có hệ thống thoát nước gây ngập úng khi mưa, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết cách đây hơn 25 năm Bình Dương là tỉnh chủ yếu phát triển nông nghiệp; hệ thống giao thông đường bộ lạc hậu.
Thời điểm triển khai các dự án BOT, khu vực chưa phát triển đô thị, dân cư thưa thớt, dọc hai bên tuyến là ruộng, vườn, cây cao su. Do đó trong các dự án BOT không có đầu tư dải phân cách, chiếu sáng, vỉa hè, hệ thống thoát nước dọc đối với các đoạn ngoài khu vực đông dân cư. Theo đó, ngoài khu vực đông dân cư chủ yếu thoát nước theo địa hình tự nhiên, bằng mương đất.
Trạm thu phí trên tuyến ĐT.747B.
|
Hiện nay, dọc theo các tuyến đường BOT có nhiều nhà dân, công ty, xí nghiệp nên hệ thống mương đất bị sang lấp, làm mất tác dụng, khả năng dẫn dòng, thu thoát nước, từ đó gây ngập cục bộ một số vị trí trên các tuyến đường kể trên.
Thời gian qua, Sở GTVT tỉnh Bình Dương rà soát, đôn đốc địa phương, đơn vị được phân cấp quản lý đường bộ, đơn vị BOT triển khai thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết tình trạng ngập nước cục bộ trên các tuyến đường được giao quản lý thực hiện một số hạng mục bổ sung cấp thiết như lắp đặt bổ sung đèn tín hiệu, dải phân cách, xử lý tạm thời các vị trí ngập cục bộ… ngoài hợp đồng dự án (bằng nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng thường xuyên).
Sở GTVT Bình Dương đã vận động chủ đầu tư dự án đường giao thông kể trên, trình UBND tỉnh dự án Nâng cấp, mở rộng phần bổ sung, tuy nhiên còn vướng mắc một số quy định trong việc đầu tư bổ sung dự án trên đường BOT đang khai thác trên cơ sở kéo dài thời gian thu phí dự án.
Vừa qua, chủ đầu tư đã có văn bản báo cáo một số khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, lưu lượng phương tiện trên tuyến giảm (không có khả năng thu hồi vốn khi triển khai dự án đầu tư các hạng mục bổ sung), xin dừng dự án đầu tư các hạng mục bổ sung trên.
Giám đốc Sở GTVT Bình Dương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh xem xét, có ý kiến đối với kiến nghị của chủ đầu tư và có giải pháp về việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tiếp tục thực hiện dự án bổ sung hoặc vận dụng nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng thường xuyên để từng bước đầu tư các hạng mục bổ sung cấp thiết (thoát nước, chiếu sáng…).
Hương Chi
Tiền phong
|