Thứ Tư, 24/07/2024 07:45

Màn 'quay xe' của BYD và dấu hỏi lớn về kịch bản đại hạ giá như ở Thái Lan

Thị trường ô tô Việt Nam có quy mô khoảng 400 nghìn chiếc mỗi năm và tiến tới 1 triệu xe vào năm 2030. Dù vậy, "ông lớn" Trung Quốc BYD dường như đang muốn biến thị trường Việt Nam thành nơi tiêu thụ đơn thuần, thay vì đầu tư xa hơn?

Màn quay xe đáng thất vọng của "gã khổng lồ" BYD ở Việt Nam

BYD (Build Your Dream) là một thương hiệu xe hơi đình đám của Trung Quốc. Năm 2023, hãng ô tô Trung Quốc đã chính thức vượt Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới với 3,02 triệu chiếc được bán ra.

Tận dụng giai đoạn toàn cầu chuyển đổi sang xe điện như một xu thế tất yếu, BYD đang mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ra ngoài biên giới Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam với quy mô hơn 100 triệu dân, tiềm năng đạt dung lượng 1 triệu ô tô vào năm 2030 và vị trí địa lý ngay sát bên là một thị trường hấp dẫn không thể bỏ qua.  

Đầu năm 2023, hãng Reuters đưa tin BYD có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Việt Nam để sản xuất phụ tùng xe hơi. Sau đó, tại cuộc gặp với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vào tháng 5/2023, Chủ tịch Tập đoàn BYD Wang Chuanfu cũng đã bày tỏ nguyện vọng này.

Lãnh đạo Tập đoàn Gelex - một đối tác đang trong quá trình đàm phán hợp tác với BYD cho biết sẵn sàng dành 100 ha tại Khu công nghiệp ở tỉnh Phú Thọ để BYD xây nhà máy. 

Dư luận thị trường trong nước đã có những ngóng đợi nhất định khi nhìn nhận rằng, đây là một thương hiệu đáng gờm và sẽ mang đến làn gió mới lạ tích cực cho thị trường xe điện Việt Nam.

Buổi ra mắt và công bố giá của 3 dòng xe điện BYD tại Việt Nam thu hút được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Ảnh: Hoàng Hiệp

Tuy nhiên, gã khổng lồ ô tô điện Trung Quốc đã có màn "quay xe" đáng thất vọng.

Đáp lại thịnh tình của đối tác Việt Nam, cũng như sự cởi mở về môi trường đầu tư kinh doanh của chính quyền địa phương, BYD bất ngờ rút lại kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Phú Thọ. Lý do ban đầu được tiết lộ rằng, do thị trường xe điện đang có dấu hiệu chững lại và hãng cần thận trọng xem xét lại kế hoạch mở nhà máy ở Việt Nam. Có thể đây cũng chính là lý do khiến New Energy Holdings (NEH), công ty con của Tasco Auto đã bất ngờ gửi văn bản tới BYD huỷ hợp tác làm nhà phân phối tại Việt Nam vào tháng 5 năm nay.

Mới đây, BYD đã "lộ diện" những toan tính đầu tư của mình. Ngày 15/7, Thủ tướng Campuchia, ông Hun Manet đã đăng tải trên mạng xã hội rằng, thương hiệu ô tô Trung Quốc - BYD sẽ xây dựng một nhà máy lắp ráp với công suất 20.000 xe mỗi năm tại Campuchia. Thông tin này được đưa ra sau cuộc gặp giữa ông Hun Manet và Liu Xueliang, Tổng giám đốc điều hành BYD khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Trước đó, ngày 4/7, BYD đã khánh thành nhà máy sản xuất xe đầu tiên ở Thái Lan, cũng là nhà máy đầu tiên của hãng tại Đông Nam Á. Đồng thời, một nhà máy khác của BYD cũng đã được đặt tại Indonesia và đang trong quá trình xây dựng. 

Cho đến thời điểm nay, ông lớn BYD hiện diện ở Việt Nam chỉ còn là màn ra mắt hoành tráng 3 mẫu xe điện hôm 18/7 dưới dạng nhập khẩu, phân phối đơn thuần kèm các sự kiện lái thử xe được tổ chức ở TP.HCM và Hà Nội trong tháng 5. Ngay cả một kế hoạch đầu tư trạm sạc phục vụ cho người tiêu dùng Việt Nam mua xe điện BYD cũng đã được hãng trả lời là "không". Còn kế hoạch đầu tư một nhà máy sản xuất tại Việt Nam gần như không còn được nhắc đến. 

Với các động thái trên, có thể thấy, BYD đang chỉ muốn thăm dò nhu cầu thị trường Việt, hay chỉ như một kiểu "check in" đánh bóng tên tuổi với người dùng Việt. Hãng xe số 1 Trung Quốc với tiềm lực tài chính mạnh dường như không coi Việt Nam là điểm đến đầu tư, mà chỉ đơn thuần là một thị trường tiêu thụ trong bản đồ bán hàng của mình tại Đông Nam Á. 

Toan tính thực dụng này phần nào đã khiến BYD mất điểm trong người tiêu dùng Việt, dù cho hãng xe điện Trung Quốc chưa đặt mục tiêu lợi nhuận ở giai đoạn đầu khi bán xe tại Việt Nam. 

Âm mưu thâm tóm thị trường Việt bằng chiến lược giá rẻ, tái diễn kịch bản ở Thái Lan?

Ngày 18/7, BYD chính thức ra mắt 3 mẫu xe điện tại Việt Nam là Dolphin (hatchback cỡ B) giá từ 659 triệu đồng, Atto 3 (SUV cỡ B+) giá từ 766-886 triệu đồng và Seal (sedan cỡ D) có giá từ 1,19-1,359 tỷ đồng. Đây là mức giá tương đương và có phần cao trong cùng phân khúc. Tuy nhiên, nhìn sang bài học ở Thái Lan, đây có thể không phải là mức giá cuối cùng mà BYD muốn bán cho người dùng Việt.

Cụ thể, đầu tháng 7, mẫu xe điện BYD Atto 3 tại Thái Lan có 4 phiên bản bất ngờ được công bố mức giá mới chỉ từ 799.900 - 859.900 baht (513,5 - 552 triệu đồng). Mức giá này giảm từ 90.000 - 340.000 baht (khoảng 57,8 - 218,2 triệu đồng) so với trước. Cách đó không lâu, giá mẫu xe này lên tới 899.900 - 1,199 triệu baht (577,6 - 770 triệu đồng).

Điều này khiến rất nhiều khách hàng Thái Lan đã tin tưởng mua BYD Atto 3 trước đó cảm thấy bị "hớ", bức xúc và gửi đơn kiện. 

Ngay lập tức, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã yêu cầu Giám đốc điều hành BYD là Wang Chuanfu phải đảm bảo khách hàng Thái Lan được bảo vệ, theo đó giá xe trong tương lai sẽ phải hợp lý hơn. Nhà phân phối của BYD đã phải nhượng bộ hoàn tiền cho khách hàng. Tuy nhiên mới đây, Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng Thái Lan cho biết đã tiếp tục điều tra việc giảm giá xe điện của BYD.

Có thể nói, ra mắt giá cao rồi lại đại hạ giá như cách BYD đang làm ở Thái Lan không phải là một chương trình ưu đãi vì người tiêu dùng. Đây là dấu hiệu của hành vi "bán phá giá" hòng chiếm lĩnh thị phần.

Trong ngành công nghiệp ô tô điện thế giới, ai cũng biết, BYD cũng như nhiều hãng xe khác của Trung Quốc vừa bị Uỷ ban châu Âu (EC) điều tra chống bán phá giá. Kết quả điều tra đã lộ ra khoản ngân sách lớn mà Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ cho các hãng xe điện của nước mình. Khoản trợ cấp này không chỉ là khoản tiền giảm giá trực tiếp cho người mua xe, mà còn là các khoản ưu đãi lớn tổng thể khi các hãng xe điện Trung Quốc thuê đất, vay tín dụng. Do đó, BYD đã phải chịu mức thuế mới tăng cao hơn, lên mức 17,4% khi bán xe vào EU.

Mặc dù BYD không phải là đơn vị nhận nhiều khoản trợ cấp nhất từ chính phủ Trung Quốc, nhưng từ kết quả điều tra của Uỷ ban châu Âu, có thể thấy rằng giá bán xe điện BYD tại Việt Nam chưa có gì đảm bảo rằng đó là mức giá cấu thành đầy đủ yếu tố đầu vào của thị trường và không có trợ cấp của Chính phủ.

Các mẫu xe của BYD tại Việt Nam đang có giá chênh khá cao so với thị trường Thái Lan. Ảnh: Hoàng Hiệp

Một điểm đáng chú ý khác là công suất sản xuất ô tô điện tại Trung Quốc đang dư thừa. Các nhà sản xuất nước này trước rào cản của EU và Mỹ đang tăng cường tìm kiếm các thị trường mới để đẩy hàng tồn. Cách đây không lâu, hình ảnh hàng chục ngàn xe điện BYD bị tồn đọng ở cảng châu Âu vì kém chất lượng cũng đã gây nhều chú ý. 

Chia sẻ trong sự kiện ra mắt xe của mình ở Việt Nam, Tổng giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của BYD Auto Liu Xueliang cho hay: "Tại Việt Nam, chúng tôi không xuất hiện để cạnh tranh trực tiếp với bất kỳ thương hiệu nào. Chiến lược của chúng tôi là đồng hành cùng các doanh nghiệp khác để phát triển ngành công nghiệp xe sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường".

Tuy nhiên, nếu như BYD không đầu tư trạm sạc, không xây nhà máy sản xuất mà chỉ mang xe đến bán ở Việt Nam thì không có gì có thể đảm bảo rằng, đó không phải là xe hàng tồn hay có vấn đề về chất lượng khiến các thị trường khác chối bỏ?

Nếu như BYD áp dụng chiêu đại hạ giá trong tương lai đối với các mẫu xe đang bán tại Việt Nam, rất có thể kịch bản cạnh tranh phá giá tương tự như ở Thái Lan cần được các cơ quan quản lý Việt Nam xem xét đến. 

Hoàng Hiệp

VietNamNet

Các tin tức khác

>   Cơ hội lớn xuất khẩu trứng gia cầm (24/07/2024)

>   Từ kinh tế tuyến tính đến kinh tế tuần hoàn: Theo đuổi tiêu chuẩn thế nào để đáp ứng SDGs? (23/07/2024)

>   Tập đoàn NIDEC coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng nhất trên toàn cầu (23/07/2024)

>   Áp thuế chống phá giá với thép cán nóng nhập khẩu: Bảo vệ DN nội, người tiêu dùng có chịu thiệt? (23/07/2024)

>   Lộ diện sai phạm DN đất hiếm khiến nguyên Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc bị bắt (23/07/2024)

>   Phạt chủ thương hiệu bánh mì hoa cúc Otto có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm (23/07/2024)

>   Thủ tướng: Hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 vào dịp Quốc khánh 2/9 (23/07/2024)

>   Sự cố gián đoạn máy tính toàn cầu: Một số chuyến bay Việt Nam phải điều chỉnh (22/07/2024)

>   Thu về 8,1 tỷ USD, thế mạnh Việt đón thêm tin vui từ Mỹ (22/07/2024)

>   Bộ Công Thương: Chưa nên giao tư nhân đầu tư điện gió ngoài khơi (22/07/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật