Sản xuất tại Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc đạt mức cao nhất trong nhiều năm
Hoạt động sản xuất của Đài Loan và Hàn Quốc ghi nhận mức cao nhất trong 2 năm, trong khi dữ liệu đáng từ Trung Quốc lại gây thất vọng, theo các chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) do S&P Global công bố.
Trong tháng 6/2024, chỉ số PMI của Đài Loan đã tăng vọt lên 53.2 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 3/2022 và là dấu hiệu của sự mở rộng kinh tế. Các nhà máy tại Đài Loan báo cáo sự cải thiện rộng rãi về nhu cầu, với doanh số bán hàng nội địa và quốc tế đều tăng, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn.
Trong khi đó, chỉ số PMI của Hàn Quốc cũng tăng lên 52 điểm, mức cao nhất trong hai năm. Đây là lần đầu tiên chỉ số này vượt ngưỡng 50 sau nhiều tháng ở dưỡi ngưỡng này, nhờ vào sự gia tăng đơn hàng xuất khẩu từ các khách hàng châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.
Tại Đông Nam Á, Philippines, Thái Lan và Indonesia đã duy trì sự tăng trưởng trong hoạt động sản xuất, trong khi Malaysia hơi tụt vào vùng thu hẹp.
Trong khi đó, Trung Quốc lại ghi nhận kết quả đáng thất vọng, với PMI vẫn ở mức 49.5 điểm trong tháng 6/2024, bất chấp các biện pháp kích thích của Chính phủ. Sự thu hẹp liên tục trong hoạt động sản xuất của Trung Quốc đe dọa mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay.
Sự phục hồi của ngành sản xuất châu Á dự kiến sẽ làm dịu bớt phần nào những lo lắng về kinh tế toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét tăng thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc như xe điện và chất bán dẫn, với lý do các sản phẩm này được trợ cấp lớn để cạnh tranh không lành mạnh. Bắc Kinh đã đe dọa sẽ trả đũa.
Việt Nam cải thiện mạnh
Trong khi đó, công xưởng đang lên Việt Nam đã đạt PMI 54.7 điểm, với các công ty tăng cường sản xuất, mua sắm và tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh. Trên thực tế, mức cải thiện các điều kiện hoạt động là một trong hai mức mạnh nhất kể từ tháng 11/2018, tương đương với các mức được ghi nhận trong tháng 4/2021 và tháng 5/2022.
Tại đất nước hình chữ S, tăng trưởng trong ngành sản xuất đã gia tăng mạnh vào cuối quý 2. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng với một trong những tốc độ nhanh nhất từng được ghi nhận, từ đó các công ty có thể tăng sản lượng và hoạt động mua hàng, và tăng số lượng nhân viên lần đầu tiên trong 3 tháng.
Tốc độ tăng chi phí đầu vào cũng nhanh hơn, đạt mức cao của hai năm khi chi phí vận tải và đặc biệt là giá dầu tăng. Để bù đắp, các công ty đã tăng giá bán hàng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 6/2022.
Các báo cáo cho thấy nhu cầu đã cải thiện khi một số khách hàng quay trở lại yêu cầu có thêm đơn đặt hàng trong tháng. Trong một số trường hợp, giá cả cạnh tranh đã giúp các công ty có được các đơn đặt hàng mới. Trong khi đó số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2/2022, mặc dù tốc độ tăng là chậm hơn nhiều so với tổng số lượng đơn đặt hàng mới.
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh tương xứng với mức tăng của sản lượng sản xuất, và tháng 6 đã ghi nhận mức tăng mạnh nhất của sản lượng trong hơn 5 năm rưỡi qua. Mức tăng mạnh của số lượng đơn đặt hàng mới đã tạo áp lực lên công suất hoạt động, từ đó lượng công việc tồn đọng đã tăng lần thứ hai trong ba tháng. Mặc dù chỉ ở mức nhẹ, tốc độ tăng là mạnh nhất kể từ tháng 1.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|