Thứ Bảy, 29/06/2024 19:00

5 huyện ven TPHCM lên thành phố sẽ mang lại lợi ích gì?

Việc chuyển đổi mô hình nông thôn 5 huyện ngoại thành TPHCM sang mô hình đô thị là phù hợp và mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Nội dung trong báo cáo về Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM giai đoạn 2021-2030 do Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM thực hiện.

Báo cáo cho biết, thực tế hiện nay, tốc độ đô thị hóa và việc tăng nhanh dân số cơ học đã gây áp lực quá tải lên cơ sở hạ tầng ở các huyện ngoại thành.

Bên cạnh đó, bộ máy quản lý (nông thôn) cũng không theo kịp, dẫn đến hạ tầng, dịch vụ đều quá tải, gây ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân.

“Do vậy, việc nhanh chóng nghiên cứu chuyển huyện thành quận hoặc thành phố thuộc thành phố trên địa bàn 5 huyện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025 là nhiệm vụ đặt ra hết sức cấp bách”, báo cáo nhận định.

Vì sao bỏ quận lên thẳng thành phố?

Báo cáo cũng đưa ra các tiêu chí để nghiên cứu chuyển đổi 5 huyện lên quận hoặc thành phố.

Trong đó khẳng định, việc chuyển đổi 5 huyện lên quận là khó đạt được trước năm 2030, vì các địa phương thiếu hoặc không thể đáp ứng tiêu chí lên quận.

Trong khi đó, tiêu chí lên thẳng thành phố "dễ thở" hơn với 5 địa phương này.


Huyện Bình Chánh có khả năng đạt tiêu chí đô thị loại 3 vào năm 2025. Ảnh: Nguyễn Huế

Cụ thể, qua so sánh và đối chiếu các tiêu chí, hầu hết 5 huyện ngoại thành đều không thể đạt các tiêu chí của đơn vị hành chính đô thị là quận. Do các tiêu chí quy định khá cao, như phải đạt các tiêu chí phân loại của đô thị đặc biệt, không phải tiêu chí đô thị loại 3.

Đáng chú ý, tiêu chí quy định 100% xã, thị trấn phải đạt tiêu chuẩn là phường nếu lên quận. Trong khi đó, phương án lên thành phố chỉ cần tối thiểu 65% xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn phường. Các tiêu chuẩn về trình độ, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị… khi lên quận cũng cao hơn nhiều so với chuyển đổi lên thành phố thuộc thành phố.

Phương án lên quận cũng gặp nhiều khó khăn do các huyện còn nhiều xã nông nghiệp.

Trong khi đó, tiêu chí đối với đơn vị hành chính đô thị là thành phố thuộc thành phố quy định ở mức thấp hơn, như cho phép giữ lại một số xã (sau này sẽ là khu vực ngoại thành, ngoại thị của thành phố mới).

Bên cạnh đó, với phương án lên thành phố thuộc thành phố, số lượng tiêu chí còn thiếu của 5 huyện có thể cải thiện khả thi hơn vào năm 2030.

“Do vậy, phương án chuyển đổi lên thành phố thuộc thành phố là phương án chọn cho 5 huyện ngoại thành đến năm 2030”, báo cáo khẳng định.

Cũng theo báo cáo này, ba huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Hóc Môn có nhiều thuận lợi và khả năng đạt được đô thị loại 3 vào năm 2025.

Còn hai địa phương Cần Giờ và Củ Chi có khả năng chuyển đổi lên mô hình thành phố thuộc thành phố (đô thị loại 3), vào năm 2030.

4 lợi ích cốt lõi 

Theo phân tích từ báo cáo, nếu chuyển đổi mô hình nông thôn sang đô thị sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, với 4 nhóm lợi ích cốt lõi.

Thứ nhất, các địa phương sẽ giải quyết được vấn đề quá tải cơ sở hạ tầng do tăng dân số.

Thực tế cho thấy, dân cư tập trung đến sinh sống ở các huyện ngoại thành ngày càng tăng, trong khi cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp sự gia tăng này.


Huyện Cần Giờ có khả năng đạt tiêu chí đô thị loại 3 vào năm 2030. Ảnh Nguyễn Huế

Bên cạnh đó, bộ máy quản lý cũng bất cập, dẫn đến những hệ lụy về chất lượng sống ngày càng giảm, môi trường ngày càng suy thoái.

Sự gia tăng việc làm phi nông nghiệp một cách tự phát dẫn đến đất nông nghiệp ngày càng bỏ hoang, không canh tác, gây lãng phí và gây thoái hóa đất.

Vì vậy, việc chuyển đổi sang mô hình đô thị giúp các địa phương quy hoạch lại một cách tổng thể, như khu vực nào sẽ chuyển sang thành thị; khu vực nào sẽ giữ lại xã nông thôn. Từ đó, các địa phương có kế hoạch đầu tư hiệu quả hơn.

Lợi ích thứ hai là đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội ngoại thành và nội thành.

Cụ thể, khi chuyển đổi mô hình, công tác quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng cũng sẽ thay đổi theo. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư nhiều hơn, bền vững hơn. Đồng thời, sẽ thu hút được nguồn lực đầu tư của các nguồn lực kinh tế khác trong xã hội.

Ngoài ra, việc chuyển đổi cũng sẽ tạo thêm công ăn việc làm; giãn dân cơ học, giúp các quận nội thành khỏi bị dồn ách bởi áp lực công việc, nhà cửa.

Lợi ích thứ ba là về quản lý nhà nước, tạo ra cơ hội phát triển sau chuyển đổi.

Cụ thể, về phương diện tổ chức bộ máy: Việc chuyển đổi mô hình sẽ giúp các địa phương cơ cấu lại tổ chức, vị trí cơ quan đảng và chính quyền tinh nhuệ, phù hợp hơn; cải cách hành chính và chuyển đổi số sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn. 

“Việc chuyển đổi từ chính quyền nông thôn sang chính quyền đô thị góp phần giúp công tác quản lý nhà nước trong tương lai được tăng cường và nâng lên một bước mới”, nội dung báo cáo ghi.

Bên cạnh đó, với các mức độ khác nhau, các cấp chính quyền đô thị sẽ có nhiều điều kiện về mặt thể chế, để bảo đảm các dịch vụ công cộng cơ bản, thiết yếu, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của dân cư.

Về phương diện thể chế: Khi chuyển sang chính quyền đô thị, các yêu cầu về mật độ, tốc độ xử lý công việc cao hơn.

Điều này sẽ thúc đẩy các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cải thiện năng lực quản lý, đáp ứng yêu cầu mới.

Về phương diện nguồn nhân lực: Lợi ích mang lại sẽ là cán bộ, công chức, viên chức có điều kiện làm việc tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. Giúp vị thế của chính quyền địa phương được nâng lên, từ đó sẽ có nhiều cơ hội việc làm mới được tạo ra.

Thứ 4 là lợi ích về nâng cao trình độ dân trí.

Theo đó, việc chuyển các xã lên phường đồng nghĩa với việc thu hút lao động có trình độ, giảm hộ nghèo, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tốt hơn.

Ngoài ra, cơ hội thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút doanh nghiệp để phát triển hoạt động thương mại dịch vụ tăng lên, hỗ trợ người dân tăng thu nhập.

Người dân ở khu vực nông thôn sẽ được chuyển đổi thành thị dân, hòa nhập vào phát triển chung của xã hội đô thị.

Hồ Văn

VietNamNet

Các tin tức khác

>   Chỉ nửa năm, Việt Nam chi gần 700 triệu USD để nhập khẩu gạo (29/06/2024)

>   Phê duyệt quy hoạch khu du lịch có cáp treo vượt biển dài hơn 4 km (29/06/2024)

>   Phê duyệt quy hoạch nâng cấp, mở rộng sân bay Cà Mau đón 1 triệu khách/năm (29/06/2024)

>   Khách quốc tế đến Việt Nam tăng chậm lại (29/06/2024)

>   Sản xuất công nghiệp quý II/2024 tăng 8.55% so với cùng kỳ năm trước (29/06/2024)

>   Chỉ 17% doanh nghiệp sản xuất lo quý 3 sẽ tệ hơn quý 2 (29/06/2024)

>   Việt Nam xuất siêu 11.63 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024 (29/06/2024)

>   6 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI vào Việt Nam ước đạt 15.19 tỷ USD, tăng hơn 13 % so với cùng kỳ  (29/06/2024)

>   Mạng sống người đi đường không để quy đổi… lợi nhuận cho ngành rượu bia! (28/06/2024)

>   Ông Trương Thanh Hoài được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương (28/06/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật