Mạng sống người đi đường không để quy đổi… lợi nhuận cho ngành rượu bia!
Tối 27/06, chiếc “xe điên” do tài xế Trần Thị Thu Thanh (sinh năm 1987, trú tại đường Lê Hồng Phong, phường 4, TP Vũng Tàu) điều khiển đã làm chết 2 người, 5 người bị thương, trong đó có 2 người chấn thương nặng. Đến sáng 28/06, cơ quan chức năng công bố kết quả kiểm tra nồng độ cồn đối với nữ tài xế này, cả 2 lần thổi và xét nghiệm máu đều có chỉ số độ cồn ở mức kịch khung.
Trước đó, sáng cùng ngày, với 388/450 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành (đạt 79.84% tổng số đại biểu Quốc hội), 32 đại biểu không tán thành, 30 đại biểu không biểu quyết, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đáng chú ý, tại khoản 2, điều 9 của luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Thực tế, thái độ đồng thuận của 357 đại biểu Quốc hội trong việc nhất trí cấm tuyệt đối nồng độ cồn đã không thể cứu được 2 mẹ con là nạn nhân của tài xế nữ ở Vũng Tàu. Với mức nồng độ cồn kịch khung nên trước khi tông trực diện vào 2 nạn nhân đang chờ đèn đỏ thì tài xế này đã “càn quét” trên đoạn đường 500m khiến 5 người bị thương. Tức cô ta đã hoàn toàn mất khả năng kiểm soát để có thể lờ mờ nhận ra mình đang gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Để chí ít cô ta còn làm được cái việc duy nhất mà bản năng mách bảo là… dừng (tông) xe vào vệ đường không có người qua lại hay cây ven đường trước khi gây hại người đi đường, làm chết 2 mẹ con người vô tội.
Và có vẻ như tình cờ, trước đó 2 ngày, 25/06, đại diện Heineken Việt Nam xác nhận công ty đang tiến hành các thủ tục để tạm ngừng hoạt động dự án Nhà máy bia Heineken chi nhánh Quảng Nam vào tháng 6-2024. Thông tin này khiến một bộ phận trong cộng đồng ngay lập tức biểu lộ thái độ không đồng tình với việc kiểm soát gắt gao nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Không ít người cho rằng Nghị định 100/2019 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông là “thủ phạm” gây thiệt hại cho nền kinh tế rượu bia, cụ thể là giảm ngân sách của tỉnh Quảng Nam (Trước đại dịch COVID-19, trung bình mỗi năm, Heineken Việt Nam đóng ngân sách từ 1000 -1,200 tỷ cho tỉnh này).
Đúng như xác nhận của đại diện Heineken Việt Nam: “Từ sau giai đoạn dịch COVID-19, nền kinh tế nói chung, bao gồm ngành bia đã đối mặt rất nhiều thách thức, dẫn đến sự sụt giảm niềm tin và nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị định 100/2019 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng dẫn đến những thay đổi trong hành vi và hình thành thói quen tiêu dùng mới của người tiêu dùng”.
Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, tâm lý, thói quen, chọn lựa của người tiêu dùng nói chung đã thay đổi nhiều, không riêng gì trong mảng bia rượu. Hơn nữa, quyết định dừng hoạt động nhà máy bia tại Quảng Nam vốn nằm trong mục tiêu nhằm “tối ưu hóa quy mô sản xuất và thích ứng với thực tế đang có nhiều thay đổi” và cả mục tiêu không phát thải các-bon trong hoạt động sản xuất.
Tất nhiên, Nghị định 100/2019 là tác nhân quan trọng dẫn đến sự sụt giảm 2 con số trong năm 2023 và tiếp tục sụt giảm 1 con số tính đến nay. Nếu nhìn sang con số kết quả liên doanh giữa Heineken và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) sau nhiều năm “ngất ngưỡng” ở mức 4,000 -5,000 tỷ đồng lợi nhuận cho SATRA thì sẽ thấy giờ chỉ còn 2,700 tỷ đồng, mức thấp nhất trong nhiều năm sau khi có quy định về nồng độ cồn.
Song, chắc chắn cái chết của hai mẹ trong vụ tai nạn tối 27/06 vừa qua không phải đầu tiên do thủ phạm là tài xế lái xe sau khi uống bia rượu và cũng sẽ không phải là cuối cùng, ngay khi Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Bởi nếu biết rằng quy định cấm dùng rượu bia khi lái xe không phải là nội dung mới. Nó kế thừa quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và quy định cụ thể cho lĩnh vực giao thông đường bộ. Nhưng nạn nhân của các hung thần bia rượu trên đường, của các loại “xe điên” vẫn cứ nối dài, gây biết bao thảm kịch cho gia đình, xã hội, làm “biến dạng” đời sống xã hội, văn hóa cộng đồng từ làng xóm đến quán xá, công sở, khu dân cư…
Việc tuyên truyền, vận động thôi là chưa đủ, không đủ và không thể; bởi ngay cả khi có chế tài mạnh - như từ khi ban hành Nghị định 100/2019 tới nay, sự tác động là có thật, đa phần người dân có ý thức “sợ bị thổi” nhiều hơn, thực hiện nghiêm nói không với bia rượu khi lái xe nhưng, những vụ tai nạn, thậm chí là gây ra thảm kịch do bia rượu vẫn xảy ra.
Vì vậy, thái độ đồng thuận biểu quyết của 357 vị đại biểu Quốc hội là thước đo cho sự đồng thuận xã hội, dù có ảnh hưởng lên nền kinh tế, nhất là ngành bia rượu có mức đóng thuế và ngân sách cao, ổn định nhưng không thể quy đổi trị giá lợi nhuận và giá trị có tính… vĩnh cửu là mạng sống của mỗi con người; là sự bảo toàn ở mức tuyệt đối mà nhà nước phải tìm mọi cách quản trị, duy trì cho mỗi công dân của mình.
Thậm chí, ở diễn đàn Quốc hội đã có đưa ra xin ý kiến đại biểu về quy định có ngưỡng tối thiểu. Nhưng cuối cùng, lý lẽ chính đáng nhận được nhất trí cao nhất vẫn là cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện.
Trước mạng sống quý giá của con người và sự an toàn của một xã hội văn minh, mọi trưng cầu, lấy ý kiến đều không có lựa chọn có hay không, nó chỉ một và duy nhất, loại bỏ khái niệm “uống một giọt”, “làm một ly” ra khỏi người lái xe. Thế thôi!
Quốc Học
FILI
|