Chủ tịch EuroCham: Việt Nam luôn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư châu Âu
Các doanh nghiệp châu Âu đang là nhà đầu tư lớn thứ 6 tại Việt Nam và cho biết rất quan tâm, mong muốn trong những năm tới sẽ phát triển quan hệ đối tác tiến tới vị trí số 1.
Phái đoàn của Hội đồng kinh doanh châu Âu-ASEAN (EU-ABC) làm việc với Bộ Tài chính. (Ảnh: BTC/Vietnam+)
|
Ngày 26/6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đã có buổi làm việc với Phái đoàn của Hội đồng kinh doanh châu Âu-ASEAN (EU-ABC) do ông Jens Ruebbert, Chủ tịch EU-ABC, Giám đốc Điều hành và Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng Landesbank Baden-Wuerttemberg (LBBW), Trưởng Phái đoàn Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN và ông Dominik Meichle, Chủ tịch EuroCham Việt Nam, Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam làm đồng trưởng đoàn.
Tại cuộc làm việc, ông Jens Ruebbert đánh giá cao những kết quả ấn tượng về kinh tế của Việt Nam cũng như các cam kết để thúc đẩy môi trường kinh doanh mạnh mẽ. Ông cho biết kể từ khi thành lập đến nay, Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN đã có nhiều hoạt động, trao đổi chặt chẽ với ASEAN và các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh các doanh nghiệp châu Âu rất quan tâm và hiện là đối tác, nhà đầu tư lớn thứ 6 tại Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp châu Âu mong muốn sẽ tiếp tục phát triển quan hệ đối tác để tiến tới gần vị trí số 1 trong những năm tới.
Theo ông Jens Ruebbert, những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh thời gian qua đã cho thấy sự hấp dẫn của Việt Nam ngày càng tăng đối với các nhà đầu tư châu Âu. Qua đó, ông hy vọng với các chính sách cởi mở của Chính phủ Việt Nam sẽ có thêm những bước tiến trong quan hệ hợp tác kinh tế song phương và đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam.
“Hội đồng kinh doanh châu Âu-ASEAN và EuroCham Việt Nam cũng sẽ nỗ lực hết sức trong việc hoàn thành việc phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU,” ông Jens Ruebbert cam kết.
Ông Dominik Meichle, Chủ tịch EuroCham cũng cho biết Việt Nam luôn là quốc gia hấp dẫn đối với các nhà đầu tư châu Âu và bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục việc cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp châu Âu nói riêng.
Trong thời gian tới, ông Dominik Meichle mong muốn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với Bộ Tài chính thông qua các hoạt động hợp tác liên quan tới thị trường chứng khoán.
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết EU là đối tác quan trọng của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ năm 2020 đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế thương mại giữa hai bên. EU cũng là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, đứng thứ 6 đến hết năm 2023.
Ông Tuấn bày tỏ mong muốn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) sớm được các nước thành viên EU phê chuẩn và đi vào thực thi sẽ là cơ sở tốt cho việc mở rộng các cơ hội đầu tư và thương mại giữa hai bên, khẳng định hơn nữa vị thế và tiềm năng của các nhà đầu tư EU tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn. (Ảnh: BTC/Vietnam+)
|
Thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết trong năm 2023 kinh tế vĩ mô của Việt Nam cơ bản ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, GDP năm 2023 tăng 5,05%.
Tiếp nối đà tăng trưởng đó, kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng trưởng tích cực, GDP quý 1 ước đạt 5,66% so với cùng kỳ năm trước. Trong lĩnh vực thu, chi ngân sách Nhà nước tăng so cùng kỳ, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách Nhà nước gần bằng 53% so dự toán.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2024 với gần 40 nghìn tỷ đồng. Bộ Tài chính dự kiến sẽ tiếp tục tăng cường quản lý tài khóa, kiểm soát bội chi và nợ công, kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng bền vững…
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn và đại diện một số đơn vị chức năng của Bộ Tài chính đã thông tin, giải đáp nhiều nội dung mà phía các doanh nghiệp châu Âu quan tâm như các chính sách thuế đang được sửa đổi (bổ sung thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt), chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm, chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 và công tác chống buôn lậu mỹ phẩm, vấn đề huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)…
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cũng khẳng định Bộ Tài chính sẽ luôn đồng hành, lắng nghe các ý kiến của phái đoàn, các doanh nghiệp EU-ASEAN trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các chính sách tài chính, cũng như tiếp tục xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh, công khai minh bạch./.
Vietnamplus
|