Dệt may dần lấy lại đà tăng trưởng
Bức tranh dệt may đang tươi sáng hơn cùng kỳ năm ngoái.
Theo thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may đạt gần 16 tỉ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, điểm sáng xuất hiện ở thị trường Mỹ khi dệt may Việt Nam vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc khi đạt 6 tỉ USD và tăng 4% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Điểm sáng từ thị trường Mỹ
Không chỉ vượt Trung Quốc về xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành may đã có đơn hàng đến hết quý III, đang đàm phán cho quý IV - mùa cao điểm sản xuất phục vụ thị trường Noel và đầu năm mới.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VITAJEANS), Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (AGTEX), thông tin những tháng đầu năm, xuất khẩu hàng may mặc của TP HCM sang Mỹ tăng 40%.
"Xuất khẩu sang EU giai đoạn này phải chịu phí vận chuyển cao, tâm lý người tiêu dùng châu Âu không ổn định, đơn hàng sụt giảm nên nhiều DN chuyển hướng tập trung xuất khẩu sang Mỹ. Bản thân VITAJEANS cũng chuyển dịch thị trường về Mỹ, có đơn hàng đến tháng 9-2024. Trong tháng 6 này, công ty xuất khẩu hơn 1 triệu sản phẩm sang Mỹ" - ông Việt cho biết.
Doanh nghiệp đang đứng trước cơ hội gia tăng xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Mỹ
|
Theo quan sát của VITAJEANS, xuất khẩu sang Mỹ bắt đầu phục hồi từ tháng 4, khả năng sẽ tích cực hơn từ tháng 6 đến tháng 8, thậm chí có thể kéo dài đến tháng 10 do thị trường này đã tiêu thụ hết hàng tồn từ cuối năm 2023 nên khá thiếu hàng và sức mua phục hồi tốt.
Một số DN cũng đẩy mạnh chào bán sản phẩm may mặc nói riêng và dệt may nói chung vào Mỹ. So với EU, thị trường này ổn định, không đòi hỏi sử dụng công nghệ cao nhưng giá không cao.
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), Phó Chủ tịch VITAS, cũng xác nhận xuất khẩu của TCM và nhiều DN khác trong ngành sang Mỹ trong thời gian qua đã thuận lợi hơn. Tuy nhiên, DN phải cạnh tranh về giá với Bangladesh, dẫn đến giá xuất khẩu không cao.
"6 tháng đầu năm, dệt may xuất khẩu tăng trưởng khoảng 10%. Năm 2023, thị trường Mỹ sụt giảm lớn nhất nên 6 tháng đầu năm nay phục hồi mạnh nhất. Gần đây, Mỹ cấm nhập khẩu sản phẩm từ Tân Cương (Trung Quốc), trong đó có mặt hàng bông, khiến nhập khẩu hàng may mặc Trung Quốc sang Mỹ giảm. Nếu nhìn nhận một cách khách quan, đây là cơ hội cho các DN xuất khẩu may mặc sang Mỹ" - ông Tùng nhìn nhận.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT TCM lưu ý Mỹ đang đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, nếu DN sử dụng nguyên liệu vải làm từ sợi bông của Tân Cương (Trung Quốc) sẽ không được nhập khẩu vào Mỹ.
Chủ động nắm bắt cơ hội mới
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc VINATEX, giải thích sự tăng trưởng của ngành dệt may nửa đầu năm 2024 không phải do nhu cầu tiêu thụ toàn cầu cải thiện mà đến từ sự dịch chuyển đơn hàng từ các nước khác sang Việt Nam và lợi thế tỉ giá khi VNĐ mất giá 5% so với USD. Trong đó, đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ tích cực hơn một phần nhờ vào sự đầu tư của nhiều DN.
Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm, VINATEX đã triển khai hợp tác với Tập đoàn Coats của Anh về sản xuất vải chống cháy, đến tháng 7 sẽ có sản phẩm đầu tiên xuất khẩu đi Mỹ. Cũng trong tháng 7, VINATEX sẽ đưa vào trung tâm phát triển sản phẩm mới. Đây là trung tâm được đầu tư hiện đại, bài bản, chuyên làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), hướng đến trọng tâm phát triển chuỗi chiến lược dệt kim đã định hình trong giai đoạn đến 2025.
Thông tin từ các DN dệt may tại TP HCM, ngoài Mỹ, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan cũng đang tăng nhập khẩu hàng may mặc Việt Nam.
Với đà phục hồi xuất khẩu đến thời điểm này, khả năng ngành dệt may Việt Nam sẽ chinh phục được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ USD trong năm nay. "Giải pháp cho DN lúc này là tái cấu trúc và đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi xanh để đáp ứng yêu cầu nhà mua hàng, cải thiện năng lực cạnh tranh. Một số DN đầu ngành đã có thể giảm phát thải carbon khoảng 10%-20% ngay trên dây chuyền sản xuất" - ông Phan Văn Việt cho hay.
Cũng theo ông Việt, đầu tư phát triển bền vững trong lĩnh vực dệt may đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi các ngân hàng thương mại tập trung cho vay ngắn hạn, chưa có chính sách hỗ trợ tốt cho vay trung và dài hạn. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ DN tiếp cận vốn hiệu quả hơn.
"Thế giới nhiều biến động, diễn biến thị trường toàn cầu khó đoán nên các DN không chủ quan mà luôn theo dõi sát tình hình để chủ động, linh hoạt ứng phó. Các DN cũng cần có sự ủng hộ của Chính phủ để thành lập vùng nguyên liệu và công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, giảm thuế để thu hút các DN, quỹ đầu tư nước ngoài rót vốn phát triển ngành nhanh, mạnh hơn" - đại diện VITAS kiến nghị.
Nhiều lợi thế cạnh tranh
Nói về cơ hội và thách thức của ngành dệt may trong năm 2024, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, cho hay nền chính trị ổn định, 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, lao động có tay nghề cao, DN có uy tín với nhãn hàng và việc bắt kịp yêu cầu tự động hóa, quản trị số toàn cầu... là những lợi thế cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam.
Với quyết tâm lấy lại đà tăng trưởng cao của trước dịch COVID-19, các DN đã tập trung đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, tiếp tục đầu tư vào xanh hóa (giảm phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon...) đồng thời chủ động chuyển từ sản xuất theo phương thức gia công sang các phương thức khác.
Trong khi đó, các thách thức đang đến từ chính sách mua hàng và cách mua hàng của các nước nhập khẩu: yêu cầu sản phẩm có thành phần sợi tái chế, sợi tự nhiên, thời gian giao hàng ngắn lại... Các DN Việt cũng đang gặp khó khăn trong phát triển thương hiệu riêng, DN nhỏ và vừa thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
|
Thanh Nhân
Người lao động
|