Chỉ nửa năm, Việt Nam chi gần 700 triệu USD để nhập khẩu gạo
Dù là quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới nhưng 6 tháng đầu năm nay nước ta vẫn phải chi ra gần 700 triệu USD để nhập khẩu gạo về phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nội địa.
Báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT, tính đến hết tháng 6 năm nay, cả nước thu hoạch 3,48 triệu ha lúa, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái; năng suất bình quân 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng trên diện tích đã thu hoạch đạt 23,3 triệu tấn, tăng 1,6%.
Theo đó, nước ta đã xuất khẩu 4,68 triệu tấn gạo các loại, thu về 2,98 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu gạo chỉ tăng 10,4% về lượng nhưng tăng mạnh 32% về giá trị do giá xuất khẩu mặt hàng này neo ở mức cao.
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 26/6, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta là 657 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 543 USD/tấn.
Trong nửa đầu năm nay, gạo là mặt hàng đứng thứ 5 về kim ngạch xuất khẩu trong ngành nông nghiệp (sau gỗ và sản phẩm gỗ, thuỷ sản, rau quả, cà phê), đồng thời cũng là một trong những mặt hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao.
Báo cáo của Bộ NN-PTNT cũng nêu rõ, gạo nằm trong top 5 mặt hàng của ngành nông nghiệp có thặng dư thương mại cao khi đạt 2,31 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Tức, chỉ trong nửa đầu năm nay, nước ta phải chi ra khoảng 670 triệu USD để nhập khẩu gạo.
Trong năm 2023, nước ta cũng chi gần 860 triệu USD để nhập khẩu gạo từ các quốc gia. Trong đó, chủ yếu nhập khẩu từ Campuchia và Ấn Độ.
Các chuyên gia và doanh nghiệp cho biết, sản xuất lúa gạo của Việt Nam đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đảm bảo an ninh lương thực và dư lượng lớn gạo để xuất khẩu. Tuy nhiên, nước ta vẫn nhập khẩu một số sản phẩm gạo từ các quốc gia để phục vụ nhu cầu sản xuất chế biến và làm thức ăn chăn nuôi.
Tâm An
VietNamNet
|