Thứ Năm, 27/06/2024 18:48

Nhiều xu hướng mới trong lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ

Sau đại dịch COVID-19, nhiều xu hướng mới đã được hình thành trong lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ, từ nhu cầu của người tiêu dùng đến định hướng của các doanh nghiệp.

Tại buổi hội thảo “Masan: Bước chuyển mình của doanh nghiệp hàng đầu ngành tiêu dùng bán lẻ” diễn ra vào chiều 27/06, nhiều vấn đề về lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ đã được chuyên gia giải đáp.

Xu hướng thoái vốn khỏi các mảng kinh doanh không trọng yếu

Theo bà Bùi Nguyễn Cẩm Giang – Trưởng phòng Phân tích, Ngành hàng Tiêu dùng & Bán lẻ, HSC, xu hướng thoái vốn khỏi các mảng kinh doanh không cốt lõi (non-core) đã và đang diễn ra sau giai đoạn COVID-19. Vì xu hướng tiêu dùng thay đổi nhanh, dẫn đến tốc độ tăng trưởng và biên lợi nhuận các mảng kinh doanh của các nhãn hàng đều biến động mạnh.

Việc thoái vốn khỏi mảng non-core giúp các doanh nghiệp tập trung vào mảng cốt lõi và sinh lời cao, giúp bảng cân đối kế toán trở nên lành mạnh hơn bằng cách giảm nợ và tăng lượng tiền.

Với một số doanh nghiệp khác, việc thoái vốn khỏi mảng non-core sẽ giúp vượt qua khó khăn khi không đủ lực để duy trì các mảng ngoài ngành.

Ngân hàng Standard Chartered cũng nhận định rằng, đây là 1 trong 3 xu hướng quan trọng hình thành nên giá trị tài sản trong năm 2024, bên cạnh trí tuệ nhân tạo và năng lượng xanh.

Bà Giang đưa ra trường hợp của Unilever trong năm 2023 đã thực hiện một số thương vụ như thoái vốn khỏi Dollar Shave Club, khởi động lại thoái vốn danh mục tại Elida Beauty - thương vụ vừa hoàn thành vào tháng 6/2024.

Tháng 3 vừa rồi, Unilever cũng công bố tách riêng mảng kem vốn có mô hình hoạt động khác với cốt lõi của mình. Sau khi hoàn thành, Unilever trở nên đơn giản hơn, tập trung hơn vào các mảng kinh doanh chính là làm đẹp, sức khỏe, chăm sóc cá nhân và gia đình, dinh dưỡng.

Với chủ trương ít sản phẩm hơn, kết quả tốt hơn, tác động mạnh hơn, tập trung vào các nhãn hàng chính giúp kết quả kinh doanh Unilever tăng trưởng trở lại.

Thực tế, giá cổ phiếu Unilever tăng mạnh từ khi kết quả lợi nhuận quý 1/2024 được công bố, sau đó còn tăng mạnh hơn nữa sau chương trình mua lại cổ phần trị giá 1.5 tỷ USD dự kiến thực hiện trong năm 2024.

Vì vậy, khi thoái vốn khỏi mảng non-core trở thành xu hướng mạnh thì việc đầu tư vào các doanh nghiệp đang có những động thái này cũng là một xu hướng nổi bật hiện nay.

Đâu là xu hướng tiêu dùng mới?

Sau đại dịch COVID-19, người dân vẫn đang có xu hướng ở nhà nhiều hơn, nấu ăn tại nhà nhiều hơn, kéo theo nhu cầu sử dụng các sản phẩm sử dụng cho nấu ăn tại nhà như các loại gia vị, đặc biệt ở Việt Nam là nước mắm, nước tương tăng nhanh.

Theo nghiên cứu thị trường của Infocus Mekong Research, 50-70% người được khảo sát trả lời rằng họ đang ưu tiên cho các hoạt động ở nhà nhiều hơn trước.

Bà Giang cho biết nhu cầu về sự tiện lợi đang là xu hướng nổi bật, thể hiện thông qua nhu cầu cho các sản phẩm bữa ăn sẵn (ready to eat) và bữa ăn sơ chế sẵn (ready to cook) nở rộ.

Một xu hướng khác là người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới sức khỏe hơn. Theo nghiên cứu của Kantar, trong quý 1/2024, vấn đề bệnh tật, ốm đau, an toàn thực phẩm đang là mối lo ngại hàng đầu của người tiêu dùng, kéo theo xu hướng lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, minh bạch từ các nhà cung cấp, bán lẻ uy tín.

Mảng tiêu dùng khác cũng đang phục hồi sau COVID-19 là nước giải khát, vì thông thường sản phẩm này được tiêu thụ cùng các hoạt động ngoài trời, thể thao, dã ngoại. Do đó, khi các hoạt động này quay trở lại bình thường sẽ dẫn đến nhu cầu nước giải khát tăng.

Cuối cùng là xu hướng cao cấp hóa sản phẩm. Tuy không còn mới, thậm chí chững lại trong giai đoạn kinh tế khó khăn, nhưng bà Giang tin rằng sẽ ngày càng nổi bật về dài hạn.

Doanh số bán lẻ Việt Nam đang trên đà phục hồi

Trong 5 tháng đầu năm 2024, doanh số bán lẻ của Việt Nam có sự phục hồi nhưng còn chậm, với mức tăng 8.7% (tăng 5.2% nếu điều chỉnh lạm phát). Đáng lưu ý, doanh số bán lẻ dịch vụ phục hồi nhanh hơn doanh số bán lẻ hàng hóa, nhờ sự phục hồi của ngành du lịch trong bối cảnh lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng vọt.

Đi sâu hơn vào từng lĩnh vực, doanh số ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) có lẽ đã qua thời điểm khó khăn nhất, doanh số tăng trở lại vào tháng 4-5/2024, sau 4 quý liên tiếp sụt giảm.

Theo nghiên cứu của Nielsen, doanh số ngành FMCG đã tăng 2.8% trong tháng 4-5/2024, so với mức giảm 2.9% trong quý 1/2024 và giảm 4.1% trong quý 4/2023, đồng thời nâng tổng mức tăng trưởng 5 tháng 2024 lên 1.1%.

Ngoài ra, ngành hàng điện tử tiêu dùng và thiết bị gia dụng cũng phục hồi nhẹ, ví dụ điển hình là doanh số bán điện thoại thông minh đi ngang so với mức giảm lớn trong năm 2023.

Bà Giang kỳ vọng ngành tiêu dùng sẽ phục hồi mạnh hơn trong nửa cuối năm 2024 và năm 2025, vì tại Việt Nam, dù kim ngạch xuất khẩu và chỉ số việc làm đã phục hồi trong 5 tháng đầu năm, nhưng mức tăng mạnh nhất lại thuộc về ngành công nghệ, trong khi ngành này chỉ chiếm 6% lực lượng lao động, còn những ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc và da giày chiếm tỷ trọng đến 21% - lại chưa tăng đáng kể. Điều này cho thấy thu nhập người lao động chưa cải thiện nhiều trong 5 tháng đầu năm.

Theo bà Giang, kim ngạch xuất khẩu, số lượng việc làm của các ngành sử dụng nhiều lao động như da giày, dệt may sẽ có cơ hội tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2024, do kỳ vọng các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam mà điển hình là Mỹ sẽ trở lại nhập hàng nhiều hơn, qua đó thúc đẩy thu nhập người lao động, thúc đẩy mức tiêu dùng chung.

Ngoài ra, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, hỗ trợ cho doanh số bán lẻ dịch vụ và tiêu dùng nói chung.

Huy Khải

FILI

Các tin tức khác

>   Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (27/06/2024)

>   HSBC: Việt Nam sẵn sàng tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm (27/06/2024)

>   Quốc hội chốt cấm lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (27/06/2024)

>   10 Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024 (27/06/2024)

>   IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt gần 6% trong năm 2024 (26/06/2024)

>   Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành quy định chi tiết thi hành 4 Luật liên quan đến BĐS và Ngân hàng (26/06/2024)

>   GS. Klaus Schwab: WEF nhìn nhận Việt Nam như một hình mẫu (26/06/2024)

>   Chính phủ đảm bảo nguồn kinh phí 913.300 tỷ để tăng lương (25/06/2024)

>   Khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Yên, nguyên Phó Trưởng ban Ban Nội chính Trung ương (25/06/2024)

>   Điều chỉnh lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng, xem xét trợ cấp hưu trí hợp lý (25/06/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật