Thứ Sáu, 07/06/2024 11:26

Khẩn trương gỡ vướng để phát triển vốn Nhà nước sau cổ phần hóa

Thời gian qua, SCIC đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đối với các công ty cổ phần sau cổ phần hóa, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn có những vướng mắc về cơ chế, chính sách đòi hỏi cần khẩn trương điều chỉnh tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13, cũng như quy định cụ thể trong các Nghị định về SCIC.

Khẩn trương gỡ vướng để phát triển vốn Nhà nước sau cổ phần hóa- Ảnh 1.

Đó là ý kiến của lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về những kết quả cũng như những điểm cần cải thiện để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong thời gian tới. 

Đã bán vốn tại 1.059 doanh nghiệp, thu về gấp 4,1 lần giá vốn

Lãnh đạo SCIC cho biết, các chỉ tiêu kinh doanh chủ yếu đều tăng trưởng liên tục, năm sau cao hơn năm trước. SCIC đã tiếp nhận 1.081 doanh nghiệp (bao gồm 25 tập đoàn, tổng công ty) với tổng vốn nhà nước hơn 32.344 tỷ đồng; trong đó tiếp nhận và triển khai tái cơ cấu, xử lý tồn tại của một số tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn: Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty Thủy sản Việt Nam – CTCP (Seaprodex), Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi), Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)…; thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia cổ đông chiến lược tại một số doanh nghiệp lớn như: CTCP Dược Hậu Giang, CTCP Xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO, CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, CTCP Nhựa Bình Minh…

SCIC đã bán vốn tại 1.059 doanh nghiệp (bán hết: 955 doanh nghiệp, bán bớt: 104 doanh nghiệp, bán quyền mua: 19 doanh nghiệp), thu về 51.849 tỷ đồng, gấp 4,1 lần giá vốn.

Giải ngân đầu tư với tổng số tiền 38.779 tỷ đồng. Nộp NSNN với tổng số tiền 92.823 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận/Vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân 13%/năm.

So với thời điểm thành lập: đến hết năm 2023, doanh thu của SCIC tăng gấp 52 lần; lợi nhuận sau thuế tăng gấp 72 lần; vốn chủ sở hữu tăng gấp 17 lần; tổng tài sản tăng gấp 12 lần. Giá trị thị trường danh mục SCIC quản lý là khoảng 140.000 tỷ đồng. SCIC đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đối với các công ty cổ phần sau cổ phần hóa, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Về cơ chế chính sách, đại diện SCIC khẳng định: Luật số 69/2014/QH và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, một số quy định đã không còn phù hợp, đòi hỏi phải được rà soát, sửa đổi để thích ứng với thực tiễn và định hướng cơ cấu lại DNNN, hoàn thiện khung pháp lý bảo đảm cho việc phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, phù hợp yêu cầu hội nhập quốc tế.

Từ thực tiễn hơn 17 năm hoạt động thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu và đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo SCIC nêu một số ý kiến góp ý.

Theo đó, về quan điểm, việc sửa đổi, bổ sung Luật số 69 cần căn cứ vào quan điểm của Đảng tại các Nghị quyết về quản lý, sắp xếp DNNN sau cổ phần hóa. Cụ thể, cần chuyển hướng căn bản từ "tăng cường quản lý" sang "củng cố, phát triển" để "củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế".

Theo đó, bên cạnh việc thống nhất nguyên tắc tách bạch chức năng quản lý vốn nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước, các quan điểm xây dựng Luật sửa đổi lần này phải bảo đảm các mục tiêu.

Thứ nhất, đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ quản lý theo cơ chế hành chính sang cơ chế đầu tư, kinh doanh vốn, đặc biệt là đối với các DNNN sau cổ phần hóa.

Thứ hai, cần có sự phân định rõ giữa DNNN do Nhà nước sở hữu 100% vốn với doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu dưới 100% vì đây là hai loại hình doanh nghiệp có sự khác biệt về cơ chế vận hành, mục đích, mục tiêu, nhiệm vụ. Việc quản lý DNNN 100% vốn nhà nước nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị - xã hội. Trong khi đối với doanh nghiệp dưới 100% vốn nhà nước, việc quản lý nhằm đảm bảo các mục tiêu kinh tế, đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước và các cổ đông khác.

Thứ ba, cần làm rõ doanh nghiệp SCIC tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các bộ, địa phương là doanh nghiệp có vốn nhà nước hay doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước do hiện nay còn có các quan điểm khác nhau về việc này.

Hoàn thiện cơ chế chính sách, tháo gỡ vướng mắc

Lãnh đạo SCIC cho hay, Bộ Chính trị đã ghi nhận "Những kết quả hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tiếp tục khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng trong quá trình đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của DNNN" và chỉ đạo tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho SCIC hoạt động có hiệu quả, làm rõ địa vị pháp lý và định hướng hoạt động của SCIC.

Đảng đã có chủ trương "nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của SCIC… theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật".

Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty trong phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ đã xác định: "Nghiên cứu, nâng cao vai trò của SCIC, nhất là vai trò là nhà đầu tư của Chính phủ để thu hút thêm nguồn lực tài chính vào các doanh nghiệp, dự án lớn, quan trọng".

Mới đây, thông báo số 240/TB-VPCP ngày 23/6/2023 về kết luận của Thường trực Chính phủ sau buổi làm việc với Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng công ty đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng 1 chương về đầu tư kinh doanh vốn tại dự thảo Luật thay thế Luật số 69/2014/QH13.

Như vậy, quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đều khẳng định vai trò và sự cần thiết mô hình hoạt động của SCIC thực hiện vai trò Nhà đầu tư của Chính phủ. Chiến lược phát triển SCIC giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2035 đã xác định định hướng của SCIC là tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, thực hiện tốt vai trò là nhà đầu tư của Chính phủ.

Vì vậy, đại diện SCIC đã nêu một số kiến nghị.

Thứ nhất, bổ sung điều khoản quy định về loại hình doanh nghiệp thực hiện chức năng đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước vào nội dung Dự thảo Luật sửa đổi Luật số 69.

Thứ hai, do hoạt động của doanh nghiệp có chức năng đầu tư kinh doanh vốn mang tính đặc thù cao, khác với phần lớn các DNNN hoạt động sản xuất kinh doanh khác, nên SCIC kiến nghị Bộ Tài chính xem xét và xây dựng 1 chương riêng quy định đặc thù về doanh nghiệp thực hiện chức năng đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước tại dự thảo Luật thay thế Luật số 69, trong đó quy định về một số nội dung đặc thù để tạo điều kiện trong hoạt động của SCIC, bảo đảm SCIC thực hiện tốt nhiệm vụ, vai trò Chính phủ giao.

Cụ thể, cần quy định rõ thẩm quyền quyết định đầu tư của các cấp trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh vốn, đầu tư tài chính; đánh giá hiệu quả theo tổng thể danh mục đầu tư; việc đầu tư vốn ra ngoài SCIC thực hiện theo Nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của doanh nghiệp; không hạn chế lĩnh vực đầu tư...

Đối với các khoản đầu tư thực hiện nhiệm vụ chính trị-xã hội, đại diện SCIC cho rằng không nên áp dụng nguyên tắc bảo toàn, phát triển vốn nhà nước; Chính phủ quy định cơ chế đánh giá riêng theo mục tiêu chính trị-xã hội.

Cần có cơ chế thoái vốn đặc thù, tăng sự chủ động và linh hoạt đối với các khoản đầu tư do SCIC đầu tư. Việc xác định mức vốn điều lệ của doanh nghiệp được thực hiện theo cơ chế riêng và tuân thủ quy định tại Nghị định về Điều lệ của SCIC. SCIC được ghi nhận bổ sung vốn điều lệ từ việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các DN chuyển giao...

Đại diện SCIC cho hay: Theo quy định hiện hành, SCIC là cơ quan có chức năng tiếp nhận và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp tiếp nhận từ các Bộ, địa phương. Vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do SCIC tiếp nhận bàn giao từ các bộ, địa phương được ghi nhận và hạch toán vào vốn chủ sở hữu của SCIC. Tuy nhiên, hiện còn có các quan điểm khác nhau về việc xác định vốn tại các doanh nghiệp SCIC tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các bộ, địa phương.

Đó là, SCIC với vai trò là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn chủ sở hữu thì vốn tại các doanh nghiệp SCIC tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các bộ, địa phương là vốn của SCIC – vốn của DNNN tại doanh nghiệp.

Hay SCIC với vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thì vốn tại các doanh nghiệp SCIC tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các bộ, địa phương không được coi là phần vốn góp của SCIC mà vẫn là vốn nhà nước tại doanh nghiệp do SCIC đại diện chủ sở hữu.Việc chưa quy định rõ ràng nội dung này sẽ gây vướng mắc cho hoạt động của SCIC và các doanh nghiệp có vốn đầu tư của SCIC. Cụ thể, đối với SCIC, có trường hợp không xác định rõ vốn chuyển giao về SCIC là vốn nhà nước hay vốn SCIC đầu tư tại các doanh nghiệp sẽ gây vướng mắc cho SCIC trong việc áp dụng các quy định của nhà nước trong công tác quản trị vốn tại các doanh nghiệp này.

Còn đối với các doanh nghiệp có vốn chuyển giao về SCIC trong đó SCIC nắm giữ trên 50% vốn điều lệ sẽ vướng mắc trong việc xác định các doanh nghiệp này có còn là DNNN nữa hay không? (Theo quy định tại khoản 11 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020: "DNNN bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ").

"Vì vậy, khái niệm này đối với trường hợp của SCIC cần được quy định rõ hơn tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật số 69 cũng như quy định cụ thể trong các Nghị định về SCIC, tránh cách hiểu khác nhau trong thời gian qua", lãnh đạo SCIC góp ý.

Anh Minh

Báo Chính phủ

Các tin tức khác

>   Tập đoàn vận tải chuyển phát nhanh lớn nhất thế giới muốn mở rộng đầu tư hoạt động tại Việt Nam (07/06/2024)

>   Thủ tướng chỉ đạo sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thương mại điện tử (07/06/2024)

>   Việt Nam có nhiều tiềm năng hợp tác xuyên biên giới trong lĩnh vực điện (07/06/2024)

>   Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tham gia sâu lĩnh vực bán dẫn (06/06/2024)

>   22/45 máy bay A321NEO dừng khai thác, Cục Hàng không chỉ đạo 'nóng' (06/06/2024)

>   Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Giá vé máy bay chiếm 30-40%, làm giảm tính cạnh tranh của các tour du lịch (06/06/2024)

>   Bộ Kế hoạch và Đầu tư ''mạnh tay'' triển khai các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công (06/06/2024)

>   Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch 300 tỷ sao không sử dụng lại đem bỏ vào ngân hàng lấy lãi? (05/06/2024)

>   Bộ Tài chính: Cả nước có 101 doanh nghiệp được phê duyệt đề án cơ cấu lại (05/06/2024)

>   Tập đoàn Phúc Sơn và Tập đoàn Thuận An không phải là đơn vị được Kiểm toán Nhà nước (05/06/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật