22/45 máy bay A321NEO dừng khai thác, Cục Hàng không chỉ đạo 'nóng'
22/45 máy bay A321NEO tạm dừng khai thác do lệnh triệu hồi động cơ PW1100, Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành chỉ đạo 'nóng'.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường nâng cao biện pháp bảo đảm an toàn hàng không.
Chỉ thị được ban hành trong điều kiện hàng không bị ảnh hưởng của lệnh triệu hồi động cơ PW1100. Việc này khiến đội tàu bay (máy bay) A321NEO của các hãng hàng không Việt Nam phải tạm dừng khai thác với số lượng lớn (22/45 máy bay), gây tình trạng thiếu tàu bay.
Để duy trì hoạt động khai thác, các hãng hàng không đã tối ưu hoá để tăng thời gian sử dụng máy bay, đáp ứng nhu cầu vận chuyển của ngành hàng không Việt Nam.
22/45 tàu bay A321NEO dừng khai thác do phải triệu hồi động cơ PW1100. Ảnh: Tư liệu
|
Để đảm bảo sử dụng tàu bay hiệu quả, an toàn, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu người khai thác máy bay, tổ chức bảo dưỡng máy bay chủ động rà soát tổng thể quy trình bảo dưỡng, tối ưu hoá kế hoạch bảo dưỡng, sắp xếp đầy đủ thời gian cho công tác bảo dưỡng máy bay.
Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phụ tùng, thiết bị, dụng cụ phục vụ bảo dưỡng máy bay nhằm kịp thời phát hiện và khắc phục triệt để hỏng hóc, đảm bảo máy bay được đưa vào khai thác ở trạng thái tốt nhất.
Người khai thác máy bay, tổ chức bảo dưỡng máy bay triển khai và duy trì hoạt động giám sát công tác bảo dưỡng đầy đủ, theo đúng quy trình và tài liệu hướng dẫn.
Ngoài ra, cần đảm bảo thực hiện đầy đủ công tác huấn luyện định kỳ với nhân viên hàng không, bổ sung các nội dung đã được nhận diện thông qua hệ thống điều tra an toàn.
Giá vé máy bay tiếp tục "hạ nhiệt"
Mặc dù các hãng hàng không đang thiếu máy bay nhưng theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, giá vé máy bay trên các chặng bay nội địa (trục chính và du lịch) hạng phổ thông cơ bản đang thấp hơn đáng kể so với mức tối đa quy định.
Theo đó, trong tháng 6, giá vé tương đương từ 13-80% mức giá tối đa trên các chặng bay.
Cụ thể, chặng bay Hà Nội - TP.HCM vào ngày 8/6 của Vietnam Airlines có giá thấp nhất khoảng 1,3 triệu đồng và giá cao nhất đạt gần 3 triệu đồng (tương đương 37-86,4% mức giá tối đa theo quy định);
Vietjet dao động từ 1,1-2,6 triệu đồng/chiều; Bamboo Airways có giá vé dao động từ 1,1-1,5 triệu đồng/chiều; Viettravel Airlines có giá vé từ 1,1-1,2 đồng/chiều (tương đương 29,6-35,2% mức giá tối đa theo quy định).
Trong khi đó, giá tối đa của chặng bay này theo quy định là 3,4 triệu đồng/chiều.
Ở chặng Hà Nội – Đà Nẵng với mức giá vé tối đa theo quy định là 2,89 triệu đồng, giá vé của các hãng hàng không hiện nay cũng đang bán ở mức thấp hơn.
Cụ thể, giá vé của Vietnam Airlines dao động ở mức 729 nghìn đồng đến 1,8 triệu đồng/chiều (tương đương 25-62% mức giá tối đa theo quy định); Vietjet Air có mức giá 390 nghìn đồng đến 1,7 triệu đồng/chiều (tương đương 13,5-57,1% mức giá tối đa theo quy định); Bamboo Airways có mức giá vé từ 769 nghìn đồng đến 1,4 triệu đồng/chiều.
Với chặng Hà Nội - Phú Quốc, Vietnam Airlines công bố giá 2,3 triệu đồng, (tương đương 56,7% mức giá tối đa theo quy định là 4 triệu đồng); Vietjet Air có giá dao động từ 1,4-2 triệu đồng (tương đương 34,8-51% mức giá tối đa theo quy định).
Khi đặt vé cho các ngày xa hơn, các hãng có sẵn các mức giá thấp hơn để hành khách lựa chọn. Trong tháng 7/2024, giá vé tương đương từ 20-70% mức tối đa trên các chặng bay.
N. Huyền
VietNamNet
|