Tập đoàn Phúc Sơn và Tập đoàn Thuận An không phải là đơn vị được Kiểm toán Nhà nước
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Tuấn cho biết, trong thời gian vừa qua có một số vụ án lớn liên quan đến việc đấu thầu. Cụ thể đó là vụ án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn và Tập đoàn Thuận An có sai sót trong đấu thầu, tuy nhiên hai đơn vị này là doanh nghiệp không có vốn Nhà nước nên họ không phải là đơn vị được Kiểm toán Nhà nước.
Sáng 5/6, sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đăng đàn trước Quốc hội để trả lời các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kiểm toán. Đây là lần đầu ông Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn.
Đại biểu Tao Văn Giót (đoàn Lai Châu) nêu, từ các vụ án xảy ra cho thấy công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân hết sức quan tâm. Đặc biệt, Trung ương đã ban hành quyết định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Đại biểu Tao Văn Giót - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu:
|
“Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian qua được thực hiện như thế nào?”, đại biểu Tao Văn Giót hỏi.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Tuấn cho biết, trong thời gian vừa qua có một số vụ án lớn liên quan đến việc đấu thầu. Cụ thể đó là vụ án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn và Tập đoàn Thuận An có sai sót trong đấu thầu.
“Tôi khẳng định hai đơn vị này là doanh nghiệp không có vốn Nhà nước nên họ không phải là đơn vị được Kiểm toán Nhà nước. Xét về giác độ đơn vị có liên quan thì họ liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, với tư cách là nhà thầu”, ông Ngô Văn Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước kiểm toán ở đơn vị, chủ đầu tư và ban quản lý dự án. Trong quá trình đó, kiểm toán 3 nội dung thuộc lĩnh vực của kiểm toán Nhà nước.
Thứ nhất là xác định, đánh giá tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính.
Thứ hai là đánh giá, xác nhận việc tuân thủ pháp luật trong đấu thầu, đầu tư xây dựng cơ bản.
Thứ ba là xác nhận tính hiệu quả trong đầu tư tài chính công, tài sản công.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn
|
Ông Tuấn cho biết, trong việc kiểm toán, chấp hành pháp lệnh về đấu thầu, trên cơ sở hồ sơ, tài liệu, đơn vị được kiểm toán là ban quản lý dự án và chủ đầu tư cung cấp thì kiểm toán thu thập bằng chứng để phục vụ cho kết luận của mình về tính trung thực, tính đúng đắn của báo cáo tài chính.
“Chính vì thế, trong quá trình kiểm toán độc lập, chúng tôi sẽ xem xét toàn bộ quá trình. Riêng về lựa chọn nhà thầu sẽ xem là việc gọi thầu có đúng không, hồ sơ thầu, chấm thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu. Trong quá trình kiểm toán, chúng tôi đã chỉ ra những sai sót và có kiến nghị xử lý tổ chức, cá nhân có liên quan”, ông Tuấn nói thêm.
5 năm đã kiến nghị chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra 19 vụ án
ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) nêu: Báo cáo số 599 của Kiểm toán Nhà nước có nêu Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan cảnh sát điều tra các cấp để xem xét xử lý và tự đánh giá hiện Kiểm toán Nhà nước chỉ phát huy vai trò hiệu quả chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn hạn chế. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, hạn chế này nguyên nhân do đâu? Định hướng giải pháp gì để khắc phục?
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre
|
Trả lời ĐBQH Yến Nhi, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết: "Trong 5 năm qua, từ năm 2019-2023, kiểm toán đã thực hiện kiểm toán và phát hành 1,345 báo cáo tài chính, trong đó đã kiến nghị chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra 19 vụ án.
Với phương châm rất thận trọng, "phải chín, phải rõ" thì mới chuyển nhưng không có nghĩa là vai trò phòng chống tham nhũng của kiểm toán hạn chế đi. Vì một trong những nhiệm vụ chúng tôi hết sức coi trọng là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều tra, đưa ra ánh sáng những hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Trong 5 năm qua, kiểm toán đã cung cấp 1,609 hồ sơ báo cáo tài liệu cho các cơ quan thanh tra kiểm tra. Như vậy, không có nghĩa chúng tôi không chuyển thì không có tác dụng mà đây là những tài liệu đầu vào giúp cho các cơ quan chức năng đẩy nhanh, hiệu quả hơn việc điều tra xét xử các đối tượng tham nhũng, tiêu cực.
Thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp kịp thời hơn, cung cấp tài liệu đầy đủ hơn, gắn với theo dõi, đôn đốc, nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán để phát hiện rõ hơn, thuận lợi hơn cho các cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng các vụ việc tiêu cực".
Trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Yến Nhi, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong báo cáo 559, Kiểm toán Nhà nước đã tự nhận thấy việc chủ động chuyển 19 vụ việc trong 5 năm so với 1,609 hồ sơ tài liệu theo yêu cầu là còn ít. “Chúng tôi tự nhận đó là tồn tại, hạn chế”, ông Tuấn nói.
Về giải pháp khắc phục trong thời gian tới, ông Tuấn nêu phải áp dụng các giải pháp để nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, kịp thời phát hiện sai phạm, thu thập bằng chứng, kịp thời chuyển cho cơ quan điều tra.
Nhật Quang
FILI
|