Thứ Tư, 05/06/2024 10:02

Gỡ khó tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tài sản bảo đảm

Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) là một trong các công cụ hỗ trợ phát triển cho DNVVN nhằm triển khai hỗ trợ tiếp cận tín dụng cho DNVVN. Theo đó, các DNVVN không có tài sản bảo đảm có thể được bảo lãnh vay vốn sau khi được thẩm định về tính khả thi, khả năng trả nợ của dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh hoặc xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy định này trên thực tế vẫn rất khó triển khai.

Khó khăn trong thực tiễn

Theo quy định tại Điều 9 Luật Hỗ trợ DNVVN năm 2017 và Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNVVN, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNVVN là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập.

Quỹ thực hiện chức năng cấp bảo lãnh tín dụng cho DNVVN. Theo đó, Quỹ phải thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết; không được từ chối bảo lãnh cho DNVVN đủ điều kiện được bảo lãnh. Các biện pháp bảo đảm cho hoạt động bảo lãnh vay vốn được quy định tại Điều 25 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP gồm: (i) Quyền tài sản, tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp được xem xét cấp bảo lãnh tín dụng hoặc tài sản hiện có của bên thứ ba; (ii) Dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ của doanh nghiệp được xem xét cấp bảo lãnh tín dụng theo đánh giá của Quỹ bảo lãnh tín dụng; (iii) Xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp được xem xét cấp bảo lãnh tín dụng theo đánh giá xếp hạng của Quỹ bảo lãnh tín dụng là doanh nghiệp đảm bảo khả năng trả nợ cho khoản vay tại tổ chức cho vay. Như vậy, việc bảo lãnh tín dụng cho DNVVN ngoài dựa trên tài sản bảo đảm, DNVVN còn có thể thực hiện biện pháp bảo đảm thông qua phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hoặc xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp.

Đồng thời, việc miễn tài sản bảo đảm của Quỹ sẽ căn cứ vào các tiêu chí: Lĩnh vực ngành nghề ưu tiên phát triển của địa phương, điều kiện tài chính của doanh nghiệp, mức độ rủi ro của dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh và khả năng tài chính của Quỹ bảo lãnh tín dụng DNVVN và các tiêu chí khác theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Quỹ bảo lãnh tín dụng DNVVN đánh giá và quyết định việc sử dụng một hoặc nhiều biện pháp nhằm bảo đảm cho hoạt động bảo lãnh vay vốn và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng DNVVN. Trong từng trường hợp, bên bảo đảm được bảo lãnh thỏa thuận, thống nhất với Quỹ về biện pháp bảo đảm và ghi cụ thể trong hợp đồng bảo lãnh tín dụng.  

Như vậy, có thể thấy, các quy định về bảo đảm hoạt động bảo lãnh tín dụng cho DNVVN đã phần nào khắc phục được khó khăn cho các DNVVN không có hoặc không đủ tài sản bảo đảm khi tiếp cận tín dụng. Trên thực tế, có năng lực tài chính của các DNVVN thường khá yếu, nguồn vốn kinh doanh rất hạn hẹp, thiếu tài sản bảo đảm nên rất khó tiếp cận các gói cho vay thông thường của các ngân hàng thương mại.

Do đó, việc Nghị định số 34/2018/NĐ-CP cho phép các DNVVN không có tài sản bảo đảm thì biện pháp bảo đảm cho hoạt động bảo lãnh có thể là chính dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh cấp vốn hoặc xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp theo đánh giá của Quỹ bảo lãnh tín dụng DNVVN. Tuy nhiên, dù đây là một quy định mang tính “mở” nhằm tạo thuận lợi cho các DNVVN trong tiếp cận tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng trên thực tế việc thực hiện quy định này rất khó khăn, cụ thể:

Thứ nhất, về bảo đảm bằng xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp được xem xét cấp bảo lãnh tín dụng theo đánh giá xếp hạng của Quỹ bảo lãnh tín dụng DNVVN là doanh nghiệp phải đảm bảo khả năng trả nợ cho khoản vay tại tổ chức cho vay. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể về các nguyên tắc, tiêu chí để thực hiện xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Do đó, các Quỹ bảo lãnh tín dụng DNVVN hiện nay cũng chưa thể ban hành bất kỳ một bộ tiêu chí nào để xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thị trường dịch vụ xếp hạng tín nhiệm hiện nay ở Việt Nam còn rất sơ khai và theo quy định hiện hành thì việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp làm cơ sở cho hoạt động bảo lãnh của Chính phủ phải do Quỹ bảo lãnh tín dụng DNVVN thực hiện. Vì thế, khu vực tư nhân có chức năng cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cũng không thể tham gia vào thị trường này. Do đó, dẫn đến hệ quả là, trong trường hợp Quỹ bảo lãnh tín dụng DNVVN không thể tự vận hành hệ thống xếp hạng tín nhiệm của riêng mình thì các doanh nghiệp tư nhân cũng rất khó có thể tham gia cung cấp dịch vụ do pháp luật hiện hành cũng không quy định cho phép Quỹ bảo lãnh tín dụng DNVVN được phép thỏa thuận với bên thứ ba để cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp DNVVN.  

Thứ hai, về bảo đảm cho hoạt động bảo lãnh bằng chính dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh. Theo đó, dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ. Việc xem xét cấp bảo lãnh tín dụng theo đánh giá của Quỹ. Tức là, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNVVN có toàn quyền đánh giá đối với dự án được bảo lãnh vay vốn. Như vậy, việc một dự án có được vay vốn hay không phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình đánh giá, thẩm định của Quỹ theo quy định của Nghị định số 34/2018/NĐ-CP là một quy trình tương đối khép kín và thiếu những nguyên tắc đảm bảo minh bạch, độc lập và chịu sự kiểm tra, giám sát… Quy trình đánh giá, thẩm định dự án đầu tư mang nặng tính hành chính cũng chính là rào cản cho việc tiếp cận hỗ trợ tài chính của DNVVN.

Ngoài ra, một bộ phận không DNVVN là các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up), những dự án khởi nghiệp có tính rủi ro cao nhưng lại rất cần sự hỗ trợ về vốn. Vì vậy, ngay tại thời điểm yêu cầu bảo lãnh, dự án đầu tư đã tiềm ẩn nhiều rủi ro và vì thể khó có thể cam kết về tính hiệu quả, khả năng hoàn vốn, trả vốn vay của dự án. Do đó, nếu đòi hỏi các dự án này phải có hiệu quả và khả năng trả nợ ngay từ thời điểm vay vốn là một điều không hợp lý.

Một số giải pháp

Thứ nhất, Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành hướng dẫn cụ thể về các nguyên tắc, tiêu chí chung khi xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các Quỹ bảo lãnh tín dụng DNVVN cần ban hành bộ tiêu chí cụ thể về xếp hạng tín nhiệm DNVVN làm cơ sở để có thể xem xét cấp bảo lãnh tín dụng cho DNVVN. Bên cạnh đó, cần bổ sung hành lang pháp lý cho phép các doanh nghiệp tư nhân được cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp bên cạnh Quỹ bảo lãnh tín dụng DNVVN.  

Đồng thời, hiện nay, các ngân hàng thương mại đã có hệ thống thẩm định tín dụng có thể đánh giá mức độ tín nhiệm của các DNVVN mà Quỹ bảo lãnh tín dụng DNVVN có thể bảo lãnh. Theo đó, NHNN nên chỉ đạo các tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm của các ngân hàng thương mại phối hợp với các Quỹ bảo lãnh tín dụng DNVVN để vừa khai thác tốt cơ sở dữ liệu của DNVVN, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tránh được sự chồng chéo đối với việc thẩm định khoản vay giữa Quỹ bảo lãnh tín dụng DNVVN và các ngân hàng thương mại.

Thứ hai, hoàn thiện quy trình thẩm định dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh theo hướng công khai, minh bạch; đồng thời có thể mời thêm các chuyên gia thuộc các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng tham gia hội đồng thẩm định dự án để đảm bảo tính khách quan. Bên cạnh đó, xem xét bổ sung quy định theo hướng, trường hợp doanh nghiệp bị từ chối cấp bảo lãnh, doanh nghiệp được quyền thuê bên thứ ba đánh giá tính hiệu quả của dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh và khoản phí thẩm định này do doanh nghiệp xin cấp bảo lãnh chi trả. Theo đó, đơn vị thẩm định chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả thẩm định của mình.

Đinh Tấn Phong - CISED

FILI

Các tin tức khác

>   Gắn kết khách hàng thông qua sticker đại diện cho thương hiệu trên các nền tảng số (04/06/2024)

>   Nữ phó giám đốc ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.705 tỷ đồng (04/06/2024)

>   Xu hướng NIM của hệ thống ngân hàng quý 1/2024 (06/06/2024)

>   SeABank hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 24,957 tỷ đồng (04/06/2024)

>   Dự kiến nhận 1,336 tỷ đồng từ KCN Phong Phú, cổ phiếu STB tăng kịch trần (04/06/2024)

>   Lãi suất tăng lại và thế khó của chính sách tiền tệ (03/06/2024)

>   Săn cơ hội trúng 2 xe BMW cao cấp từ Sacombank (03/06/2024)

>   Chi tiêu trả góp ra sao để quản lý tài chính tốt? (03/06/2024)

>   Gửi tiết kiệm tại NCB, nhận ngay vé xem Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024 (03/06/2024)

>   NHNN nói về việc cần thiết duy trì công cụ hạn mức tín dụng (03/06/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật