Lãi suất tăng lại và thế khó của chính sách tiền tệ
Vấn đề đặt ra ở đây là liệu đó chỉ là một đợt tăng lãi suất để “hài hòa” với mục tiêu tỷ giá, hay là một dấu hiệu về đảo chiều chính sách, chấm dứt chính sách tiền tệ nới lỏng hỗ trợ nền kinh tế?
VPBank tăng 0,3 điểm phần trăm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ 2 chỉ trong vòng nửa tháng, sau lần tăng đều 0,2 điểm phần trăm diễn ra vào cuối tháng 3. Ảnh: LÊ VŨ
|
Lãi suất “chạm đáy” và đang tăng trở lại
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đồng loạt tăng lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá trên thị trường mở (OMO) và lãi suất tín phiếu trong phiên ngày 22-5-2024. Cụ thể, NHNN đã cho chín thành viên vay gần 25.000 đồng trên kênh OMO kỳ hạn bảy ngày với lãi suất 4,5%/năm.
So với phiên trước, cả lượng cho vay lẫn lãi suất đều được điều chỉnh tăng. Đây cũng là lần thứ hai NHNN tăng lãi suất trên OMO trong vòng một tháng qua. Trước đó, cơ quan này tăng lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá từ 4%/năm lên 4,25%/năm trong phiên ngày 23-4.
Cùng ngày 22-5-2024, NHNN đã phát hành 650 tỉ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, với lãi suất trúng thầu 4%/năm (tăng so với 3,9%/năm trong phiên trước đó).
Lúc này xuất hiện ba lợi ích khó mà “hài hòa” được: (1) lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ nền kinh tế; (2) lãi suất đầu vào không thấp để khuyến khích tiền ở lại NHTM và duy trì chênh lệch lãi suất tiền đồng so với đô la Mỹ trong tầm kiểm soát; (3) NHTM có đủ lợi nhuận để tạo ra của để dành, tăng dự phòng đối với rủi ro nợ xấu tăng lên.
|
Việc tăng lãi suất trên OMO và lãi suất tín phiếu cho thấy động thái của NHNN là điều chỉnh “đẩy” lãi suất ngắn hạn lên. Điều này diễn ra trong bối cảnh tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng liên tục được các ngân hàng thương mại (NHTM) niêm yết sát trần và cao hơn giá NHNN bán can thiệp. Nói cách khác, diễn biến này đã được dự đoán trước, sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra. Quy mô giao dịch cũng như mức độ tăng lãi suất cũng không có gì gọi là bất ngờ.
Song song với mặt bằng lãi suất ngắn hạn cao hơn ở các công cụ OMO và tín phiếu của NHNN, thì mặt bằng lãi suất huy động của các NHTM cũng được đẩy lên, và mặt bằng lãi suất 6% đã xuất hiện.
Nói cách khác, có thể mặt bằng lãi suất nói chung trong nền kinh tế đã chạm đáy và khó có thể giảm nhiều hơn nữa trong bối cảnh NHNN đang phải cố gắng điều chỉnh tỷ giá sao cho không quá căng thẳng. Và chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng với đô la Mỹ là một trong những nhân tố cần được điều chỉnh sao cho khoảng chênh lệch này không quá lớn, nếu không như vậy thì sẽ dẫn đến dự báo đô la Mỹ còn tăng nữa, tạo tâm lý tích trữ đô la Mỹ.
Một số ý kiến cho rằng, việc nâng lãi suất trên OMO và tín phiếu giúp giải tỏa phần nào áp lực bán ra ngoại tệ can thiệp của NHNN. Trong suốt hơn một tháng qua, dù NHNN đã thực hiện bán ngoại tệ can thiệp, với lượng ngoại tệ bán ra được ước tính là trên 3,5 tỉ đô la Mỹ, nhưng giá bán đô la Mỹ tại các NHTM vẫn ở mức sát trần, thậm chí kịch trần cho phép và cao hơn giá bán can thiệp.
Vấn đề đặt ra ở đây là liệu đó chỉ là một đợt tăng lãi suất để “hài hòa” với mục tiêu tỷ giá, hay là một dấu hiệu về đảo chiều chính sách, chấm dứt chính sách tiền tệ nới lỏng hỗ trợ nền kinh tế?
Liệu quan điểm với chính sách tiền tệ đã thay đổi?
Về cơ bản, tôi không nghĩ như vậy. Việc điều chỉnh lãi suất lần này cần được đặt trong bối cảnh là áp lực tỷ giá gia tăng, đồng thời cũng có tình trạng người dân rút tiền tiết kiệm đi đầu tư vào vàng. Nói cách khác, đây là một pha “nhấn phanh” với việc lãi suất tiền đồng nói chung là khá thấp trong bối cảnh giá vàng tăng mạnh và việc lãi suất đô la Mỹ trên thị trường quốc tế cao được dự đoán sẽ duy trì lâu hơn dự báo. Một số phân tích còn cho rằng năm nay Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ chỉ cắt lãi suất một lần, thậm chí là không có lần nào. So với dự báo cắt năm lần (thậm chí có tổ chức dự báo cắt bảy lần) hồi cuối năm ngoái và đầu năm nay, thì đây rõ ràng là một thay đổi lớn trong kỳ vọng về lãi suất đô la Mỹ.
Và do đó, động thái từ phía NHNN và các NHTM của Việt Nam chỉ là điều chỉnh để thích ứng với tình hình mới. Duy trì mặt bằng lãi suất thấp, ở mức có thể để hỗ trợ nền kinh tế sẽ vẫn là mục tiêu mà NHNN và Chính phủ nhắm đến. Nói cách khác, quan điểm dùng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế tốt nhất có thể vẫn được duy trì.
Đó là vì đặt trong bối cảnh tín dụng chung cho nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Lấy ví dụ, với đầu tàu kinh tế TPHCM, bốn tháng đầu năm nay tín dụng trên địa bàn chỉ tăng 1,31%.
Song song đó, Chính phủ vẫn đang khuyến khích giảm lãi suất cho vay hơn nữa. Tại Văn bản số 231/TB-VPCP ngày 18-5-2024, Thủ tướng yêu cầu “tiếp tục phấn đấu giảm 1-2% lãi suất cho vay, nhất là cho các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội”.
Với áp lực về tăng trưởng tín dụng và chỉ đạo tìm cách tiếp tục hạ lãi suất cho vay như vậy, NHNN và các NHTM vẫn sẽ phải tìm cách để mặt bằng lãi suất không tăng quá nhanh trong thời gian tới và vẫn giữ quan điểm hỗ trợ nền kinh tế ở mức độ có thể.
Tuy nhiên, muốn là một chuyện, còn thực thi thì lại không còn dễ nữa.
Thế khó cho điều hành chính sách tiền tệ trong ngắn hạn
Trong ngắn hạn, áp lực tỷ giá vẫn được dự báo sẽ còn cao trong một khoảng thời gian nữa, với áp lực chung đến từ nhu cầu đô la Mỹ cho nhập khẩu, việc Fed giữ lãi suất đô la Mỹ cao và áp lực giữ dòng tiền tiết kiệm lại ngân hàng.
Vấn đề còn đặc biệt khó hơn khi mà những điều này diễn ra trong bối cảnh Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn sẽ được gia hạn đến hết năm 2024.
Điều này có hai tác động dự kiến. Một, một số doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn mới, nên nhu cầu vốn để cho vay dự kiến sẽ tăng hơn trong thời gian tới. Hai, các NHTM sẽ phải cố gắng tăng phần lợi nhuận thu được để tăng “của để dành”, là các khoản dự phòng rủi ro có thể tăng sau khi Thông tư 02 hết hạn – nghĩa là buộc các NHTM phải ghi nhận nợ xấu với một số khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ hiện nay.
Cả hai điều này khiến cho lãi suất khó mà giảm nhiều được nữa (nhu cầu vốn tăng, nhu cầu duy trì biên lãi suất sẽ kéo mặt bằng lãi suất lên). Hơn nữa, NHNN cũng có sức ép phải duy trì mặt bằng lãi suất tiền đồng không quá xa với đô la Mỹ.
Tuy nhiên, giữ mặt bằng lãi suất tiền đồng cao hơn lại mâu thuẫn với yêu cầu của Chính phủ giảm 1-2% lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Lúc này xuất hiện ba lợi ích khó mà “hài hòa” được: (1) lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ nền kinh tế; (2) lãi suất đầu vào không thấp để khuyến khích tiền ở lại NHTM và duy trì chênh lệch lãi suất tiền đồng so với đô la Mỹ trong tầm kiểm soát; (3) NHTM có đủ lợi nhuận để tạo ra của để dành, tăng dự phòng đối với rủi ro nợ xấu tăng lên.
Thế trận này được dự đoán sẽ dễ thở hơn vào các tháng cuối năm khi áp lực với tỷ giá được dự đoán sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, đó chỉ là dự đoán mà thôi. Hơn nữa, cho dù dự đoán đó thành thật, thì áp lực đối với việc điều hành lãi suất và tỷ giá từ nay đến đó cũng không nhỏ.
Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol, Anh
TBKTSG
|