Đồng Nai lên kế hoạch di dời các doanh nghiệp vào khu công nghiệp
Theo kế hoạch đến năm 2030, Đồng Nai sẽ ưu tiên di dời sớm các dự án có vị trí sản xuất trong khu dân cư đông đúc, gây tiếng ồn,… và các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nghề ô nhiễm môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào khu công nghiệp.
Ngày 15/05, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành kế hoạch xây dựng đề án đề xuất lộ trình di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào khu, cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch, lộ trình di dời trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Đồng Nai sẽ ưu tiên di dời sớm các dự án có vị trí sản xuất trong khu dân cư đông đúc, gây tiếng ồn, an ninh trật tự… có tác động ảnh hưởng không tốt đến môi trường sống xung quanh, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Cùng với đó là các cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc danh mục các ngành nghề ô nhiễm môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Còn giai đoạn sau năm 2030, Đồng Nai sẽ di dời các doanh nghiệp, dự án sản xuất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp có vị trí trong khu dân cư, không còn phù hợp quy hoạch.
Về địa điểm dự kiến di dời, với doanh nghiệp quy mô lớn di dời vào các khu công nghiệp; doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa di dời vào các khu hoặc cụm công nghiệp.
Riêng đối với doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất siêu nhỏ được đề xuất di dời vào cụm công nghiệp hoặc có thể chuyển đổi công năng từ sản xuất công nghiệp sang thương mại dịch vụ cho phù hợp quy hoạch.
Về chính sách hỗ trợ khi di dời, trên cơ sở tổng hợp đề xuất của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, UBND cấp huyện nghiên cứu đề xuất hỗ trợ di dời cho từng đối tượng với UBND tỉnh.
Đề án di dời sẽ được xây dựng thành 2 đề án riêng. Trong đó, đề án di dời cấp huyện được giao cho các huyện xây dựng triển khai phương án và hoàn thành chậm nhất trong tháng 12/2024. Còn đề án di dời cấp tỉnh, UBND tỉnh giao Sở Công thương xây dựng và hoàn thành trong năm 2025.
UBND tỉnh cũng yêu cầu khi xây dựng đề án di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào các khu công nghiệp cấp tỉnh phải xác định rõ các cơ sở pháp lý, chính sách hỗ trợ di dời. Ngoài ra, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban ngành liên quan chung tay tổ chức thực hiện đề án.
Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cũng được UBND tỉnh giao rà soát diện tích đất quy hoạch khu công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dành tối thiểu 5ha hoặc tối thiểu 3% tổng diện tích đất của khu công nghiệp để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đổi mới sáng tạo thuê lại đất theo quy định.
Một góc khu công nghiệp Biên Hòa 1
|
Ngày 16/05 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai có buổi làm việc với các đơn vị liên quan về tình hình triển khai di dời các doanh nghiệp ra khỏi khu công nghiệp Biên Hòa 1.
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho biết hiện nay quá trình thực hiện di dời các doanh nghiệp gặp một số khó khăn như doanh nghiệp chưa lên kế hoạch di dời, chưa có địa điểm di dời và có đề nghị gia hạn thời gian thực hiện hoạt động di dời; các doanh nghiệp còn băn khoăn về chính sách bồi thường khi di dời, chính sách hỗ trợ người lao động, chính sách hỗ trợ tín dụng để tái đầu tư…
Để đẩy nhanh tiến độ di dời, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đề nghị các sở ban ngành liên quan tham mưu phương án, cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời doanh nghiệp và người dân để thực hiện đề án. Tổng hợp, xử lý những nội dung kiến nghị của doanh nghiệp và báo cáo tiến độ thực hiện cho UBND tỉnh.
* Phê duyệt đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1
* Đồng Nai: 330 ha đất khu công nghiệp Biên Hòa 1 chuyển thành khu đô thị, thương mại
Thanh Tú
FILI
|