Tập đoàn Sơn Hải đề xuất đầu tư cao tốc Nha Trang - Đà Lạt hơn 25 ngàn tỷ
Theo đề xuất của Tập đoàn Sơn Hải, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt có 4 làn xe, tổng chiều dài gần 81km, nối tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Lâm Đồng, tổng mức đầu tư hơn 25 ngàn tỷ đồng.
Ngày 23/05, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản giao Sở Giao thông vận tải xem xét đề xuất dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải.
Trước đó ngày 15/05, Tập đoàn Sơn Hải có tờ trình gửi UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang – Đà Lạt nối tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Lâm Đồng theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT.
Theo đề xuất của Tập đoàn Sơn Hải, cao tốc Nha Trang - Đà Lạt có tổng chiều dài 80.8km, có điểm đầu giao với cao tốc Bắc – Nam phía Đông tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa và điểm cuối tại ngã ba Đarahoa, phường 12, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80-100 km/giờ.
Dự án có tổng mức đầu tư 25,058 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 1,171 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị là 18,889 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác 1,511 tỷ đồng; lãi vay 427 tỷ đồng; chi phí dự phòng 3,060 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào dự án là 17,540 tỷ đồng (chiếm 70%) và vốn nhà đầu tư huy động (gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay và vốn hợp pháp khác) hơn 7,500 tỷ đồng (chiếm 30%).
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2024-2028. Cụ thể, giai đoạn chuẩn bị đầu tư từ năm 2024-2025 (dự kiến sẽ sử dụng kinh phí từ nguồn vốn nhà đầu tư) và giai đoạn đầu tư xây dựng từ năm 2026-2028.
Để sớm hoàn thiện các thủ tục triển khai đầu tư dự án, Tập đoàn Sơn Hải đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép đầu tư xây dựng dự án trước năm 2030. Bên cạnh đó, trình Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù với tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án là 70%.
Tập đoàn Sơn Hải cho biết, dự án đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt sau khi đầu tư xây dựng sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển giữa Nha Trang đến Đà Lạt còn khoảng 1.5-2 giờ (so với hiện tại khoảng 3.5-4 giờ), là động lực phát triển kinh tế - xã hội cho cả 2 tỉnh.
Tuy nhiên, dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt có điều kiện địa hình đặc biệt khó khăn nên chi phí đầu tư xây dựng rất lớn. Mặt khác, dự báo lưu lượng phương tiện tham gia trong giai đoạn đầu chưa cao nên phương án tài chính của dự án khi áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 69 của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án không quá 50% tổng mức đầu tư) không khả thi, kéo dài thời gian hoàn vốn (hơn 48 năm), khó khăn trong việc huy động vốn của nhà đầu tư và tổ chức tín dụng, không thu hút được nhà đầu tư.
Do đó, để đảm bảo tính khả thi và thuận lợi trong việc thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước theo phương thức đối tác công tư, nâng cao tính khả thi của phương án tài chính, rút ngắn thời gian hoàn vốn (còn khoảng 27 năm), thì sự tham gia vốn nhà nước phải chiếm 70% tổng mức đầu tư dự án.
Tập đoàn Sơn Hải nổi tiếng về cam kết bảo hành đường cao tốc Bắc Nam lên tới 10 năm, thành lập ngày 13/04/1998, có trụ sở tại phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ngành nghề kinh doanh chính là thi công xây dựng công trình.
Biển bảo hành 10 năm trên các tuyến đường mà Tập đoàn Sơn Hải thực hiện
|
Doanh nghiệp do ông Nguyễn Viết Hải (sinh năm 1966, từng là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2016-2021) làm Chủ tịch HĐTV và ông Lê Thanh Hướng làm Giám đốc công ty.
Ông Nguyễn Viết Hải - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Sơn Hải
|
Quốc lộ 27C là trục đường trọng điểm nối liền 2 trung tâm thành phố du lịch lớn qua hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng. Toàn tuyến có chiều dài 121 km; trong đó, khu vực đèo Khánh Lê thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa (chiều dài khoảng 30km dài nhất Việt Nam), khu vực đèo Giang Ly thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng.
|
Thanh Tú
FILI
|