Thứ Sáu, 28/06/2024 12:17

ĐHĐCĐ ITD: Ông Lâm Thiếu Quân chính thức rời HĐQT sau 25 năm

Điểm nhấn tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Công nghệ Tiên Phong đến từ việc miễn nhiệm toàn bộ 8 thành viên HĐQT, chứng kiến sự ra đi của ông Lâm Thiếu Quân, người đã gắn bó với Công ty suốt 25 năm qua. HĐQT nhiệm kỳ mới tinh gọn với 5 thành viên.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Công nghệ Tiên Phong diễn ra chiều ngày 27/06/2024 tại quận 7, TPHCM - Ảnh: Tử Kính

Hạn chế làm dự án Nhà nước, data center sẽ là hướng đi tiếp theo

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 chiều ngày 27/06, Chủ tịch HĐQT CTCP Công nghệ Tiên Phong (HOSE: ITD) Doãn Thị Bích Ngọc cho biết trong năm qua, HĐQT tập trung rà soát các lĩnh vực cốt lõi, tìm hiểu lĩnh vực nào sẽ phát triển và cái nào sẽ khó khăn, có thể tháo gỡ được hay sắp xếp lại. Trước đây, thế mạnh chính của Tập đoàn là giao thông thông minh. Ngoài ra, ITD còn có một công ty con tuy nhỏ nhưng cũng khá nổi bật trên thương trường là CTCP Công nghệ Tự động Tân Tiến trong mảng tự động.

Trong lĩnh vực công nghệ, hầu hết dự án của ITD đều sử dụng nguồn vốn Nhà nước. Với đặc điểm của kinh tế Việt Nam, cùng những thế mạnh đầu ngành của Doanh nghiệp thì không thể từ chối những dự án như vậy, điều này đã giúp ITD từng có nhiều năm “bay cao” thắng lợi.

Tuy nhiên, trong khoảng 3 năm gần đây, sự phát triển của đối thủ cũng như các quy định pháp luật đã làm các dự án vốn Nhà nước ngày càng khó khăn hơn để có thể thực hiện.

Cách đây 3 - 4 năm, lãnh đạo ITD đã đưa ra định hướng mở rộng thị trường, mở rộng nguồn khách hàng và tách dần khỏi các dự án vốn Nhà nước; cũng như thấy rằng các lĩnh vực cốt lõi dần có những vấn đề nên đã tập trung đầu tư thêm và công ty con CTCP Tư vấn và Phát triển Phần mềm Larion đã bước chân vào Tập đoàn từ đây.

Chúng ta tìm kiếm khách hàng nước ngoài, khách hàng tư nhân, khách hàng đầu tư của những công ty không có vốn Nhà nước”, bà Ngọc nói. Thực chất trong 2 năm qua, chiến lược này cũng đã được thể hiện, điển hình là công ty con CTCP Kỹ thuật Điện Toàn Cầu, trước đây nguồn thu đều đến từ hạ tầng viễn thông thuộc vốn Nhà nước, nhưng sau này chủ yếu từ các công ty tư nhân. Công ty Tân Tiến cũng vậy.

Năm 2024, lãnh đạo dự báo tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thách thức, khó khăn cũng như thuận lợi sẽ đan xen. Mức độ phục hồi năm nay vẫn còn khiêm tốn. ITD sẽ đẩy mạnh lĩnh vực mới, đến từ Công ty Larion hoặc những đơn vị tương tự. Công ty Toàn Cầu vẫn làm mảng truyền thống chống sét và hạ tầng viễn thông, mang về doanh số đều đặn dù không đáng kể nhưng điểm rất hứa hẹn sẽ nằm ở mảng data center.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng – Tổng Giám đốc Công ty Toàn Cầu, một data center được xây dựng thường dài hơn một năm và phía Toàn Cầu đã ký hợp đồng 350 tỷ đồng, nên năm nay chắc chắn sẽ đạt doanh số cũng như lợi nhuận. “Tuy nhiên, với tốc độ phát triển data center cũng như server AI và các trào lưu khác, lượng hợp đồng Toàn Cầu có được thời gian tới sẽ cao hơn rất nhiều so với trước đây, và đó sẽ là sự bứt phá của Toàn Cầu cũng như ITD”, lãnh đạo thông tin.

Anh Dũng là một trong những người có công khai phá mảng mới trong 2 năm vừa qua, và nhờ đó Toàn Cầu cũng như ITD đã có tên tuổi bay xa trong mảng Data Center. Mảng này năm tới sẽ phát triển rất lớn”, bà Ngọc lạc quan và nhận định yếu tố này sẽ giúp ITD thoát khỏi kết quả kinh doanh thấp.

Ở mảng giao thông thông minh, Công ty cũng đang cố gắng để chuyển hướng, ngoài giao thông trên cao tốc để nhận thêm phần giao thông của các đô thị. “Đây cũng là một hướng phát triển rất lớn mặc dù sẽ vất vả vì liên quan đến nguồn vốn ngân sách”, Chủ tịch thừa nhận. 

Theo Phó Chủ tịch Mai Hoài An, ITD đã có hơn 150 tỷ đồng doanh số đến từ nước ngoài. Việc gia công, xuất khẩu phần mềm, xuất khẩu trí tuệ có lợi thế là không đòi hỏi đầu tư lớn.

Hy vọng lấy lại tiền sau khi thắng kiện Công ty VETC

ITD nhắm đến mục tiêu doanh thu đạt 750 tỷ đồng, bằng mức đề ra năm ngoái nhưng chỉ hoàn thành được khoảng 79%. Lãi ròng vẫn kỳ vọng con số không đổi, 25 tỷ đồng. Cổ tức năm 2024 dự kiến tối thiểu 8% vốn điều lệ.

Năm 2023, Doanh nghiệp trích lập dự phòng toàn bộ khoản phải thu khó đòi đối với Công ty TNHH Thu phí Tự động VETC khiến lỗ lịch sử đến 59 tỷ đồng.

Diễn biến lãi ròng của ITD từ năm 2008 đến nay

Chủ tịch nói điều này làm lợi nhuận của cổ đông giảm gần 60 tỷ đồng. “Đây cũng là sự đau lòng của HĐQT nhưng cũng là một hành động quyết liệt để làm lành mạnh các mảng về quản trị, tài chính kế toán”.

Theo ITD, đây là kết quả dư nợ của nhiều năm trước dồn lại và Công ty đã dồn hết nguồn lực để thu hồi khoản nợ trên, bằng chứng là ITD đã thắng kiện với kết quả xét xử buộc VETC phải trả nợ gốc và lãi chậm thanh toán theo quy định.

Theo quyết định của Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội, VETC phải trả nợ gốc và lãi chậm thanh toán với tổng số tiền gần 91 tỷ đồng; thanh toán tiền lãi kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thanh toán xong. Do đó, việc thu hồi sẽ được phản ánh vào sổ sách kế toán năm 2024.

Lãnh đạo vẫn tỏ ra lạc quan khi cho rằng cổ đông vẫn có thể sẽ đỡ buồn hơn dù không được chia cổ tức bởi các khoản này sẽ được lấy về trong năm nay và năm tới.

Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Vĩnh Thuận, hiện tại công ty vẫn chưa có báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 (năm tài chính của ITD bắt đầu từ ngày 01/04/2023 – 30/03/2024) nhưng đặc thù kinh doanh của ITD thường chậm trong quý 1 do làm dự án, trừ Công ty Larion có nguồn thu từ phần mềm sẽ đều đặn hơn.

Về bài học VETC cũng như các công nợ khác, ông Thuận nói khi tình hình kinh doanh khó khăn, phần lớn các công ty sẽ cố gắng chiếm dụng vốn của đối tác. Còn về công nợ lớn như trong BCTC đề cập, là do dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo cuối tháng 3 đã xong và xuất hóa đơn nhưng khi chốt sổ thì vẫn còn treo ở đó nhưng thực tế đã được thanh toán gần hết. Hàng tồn kho lớn cũng xuất phát từ dự án này.

BKS thẳng thắn nhận định kết quả kinh doanh của ITD các năm qua phụ thuộc nhiều vào một số dự án lớn, nên tính ổn định chưa cao, doanh số trồi sụt biến động lớn giữa các năm và chưa được xác lập được xu hướng bền vững. Công ty cần rà soát lại, thậm chí xây dựng lại chiến lược kinh doanh nếu muốn tồn tại và phát triển.

Tinh gọn HĐQT từ 8 người xuống còn 5 người

Dù còn 1 năm nữa mới kết thúc nhiệm kỳ 2021-2025 nhưng ITD quyết định miễn nhiệm 8 thành viên HĐQT, bao gồm 1 người đã có đơn từ nhiệm từ ngày 21/05/2024 là ông Đinh Hoài Châu. Công ty đã bầu lại 5 thành viên, bao gồm 1 thành viên độc lập cho nhiệm kỳ 2024-2028.

4 nhóm cổ đông, mỗi nhóm sở hữu trên 10% đề cử 4 người cũ tiếp tục ngồi vào HĐQT gồm: Thành viên HĐQT Nguyễn Hữu Dũng (sinh năm 1971) được đề cử bởi nhóm cổ đông sở hữu 10.34%. Ông Dũng hiện làm Thành viên HĐQT công ty con CTCP Tư vấn và Phát triển phần mềm Larion; Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty con CTCP Kỹ thuật điện Toàn Cầu; Chủ tịch HĐTV công ty con gián tiếp Công ty TNHH Global – Sitem; Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Tánh Linh (đơn vị đề cử).

Phó Chủ tịch HĐQT Mai Hoài An (1973) (sở hữu 8.27%) cùng em gái là bà Mai Thị Quỳnh Trang (nắm 1.92%) đề cử ông An tiếp tục làm Thành viên HĐQT ITD. Ông An đang làm Phó Chủ tịch ITD; Thành viên HĐQT công ty liên kết CTCP Intelnet; Ủy viên ban chấp hành hội tin học TPHCM (HCA).

Tổng Giám đốc Nguyễn Vĩnh Thuận (1978) được đề cử bởi 4 cổ đông sở hữu 10.12%. Hiện ông đang làm Thành viên HĐQT ITD; Chủ tịch HĐQT công ty con Kỹ thuật điện Toàn Cầu.

Thành viên HĐQT Nguyễn Ngọc Trung (1976) (sở hữu 5.98%) cùng vợ là bà Lê Thị Hồng Trang (nắm 4.22%) tiếp tục đề cử ông Trung vào HĐQT ITD. Ông Trung còn làm Thành viên HĐQT Tư vấn và Phát triển Larion; Chủ tịch HĐQT công ty con CTCP Công nghệ Tự động Tân Tiến; Giám đốc CTCP Công nghệ Thành Thiên.

Duy nhất ông Đinh Thế Hiển (1961) là người mới, được đề cử bởi 6 cá nhân sở hữu tổng cộng 10.01%. Ông Hiển hiện đang làm Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng; Chủ tịch Ban đại diện Quỹ đầu tư cổ phiếu và trái phiếu Manulife.

Chia sẻ tại ngày ra mắt, ông Hiển cho rằng các công ty công nghệ, sản xuất phần mềm hiện nay còn hạn chế. Doanh số năm nay của ITD chỉ là sự khởi đầu, nhưng với tiềm năng của lĩnh vực này trong nhiều năm tới thì có thể gấp 10 lần. “Như FPT đã kiếm được mấy chục ngàn tỷ, mình chỉ cần 1% cũng được vài ngàn tỷ rồi”, ông nói đồng thời kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có thêm các doanh nghiệp công nghệ như ITD được niêm yết trên sàn.

Theo bà Ngọc, ITD vừa qua cũng đã có thay đổi một chút trong mô hình, như việc chuyển giao vị trí Tổng Giám đốc, đồng thời tách bộ phận quản lý đầu tư ra để thành lập ban quản trị đầu tư và trực tiếp cử một Phó Chủ tịch phụ trách mảng này.

Lý do, các bộ phận cốt lõi mang tính công nghệ, kỹ thuật quá cao nên nếu cùng lúc “ôm đồm vừa đầu tư, vừa làm chuyên môn thì không tránh khỏi không được chuẩn, mà cũng không đủ tầm để làm”, Chủ tịch nói đồng thời cho biết việc thay đổi này nhằm tinh gọn mô hình quản trị của Tập đoàn, và mỗi lĩnh vực đều có một chuyên gia phụ trách.

5 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2024 – 2028. Từ trái qua: ông Đinh Thế Hiển, ông Nguyễn Hữu Dũng, ông Mai Hoài An, ông Nguyễn Vĩnh Thuận và ông Nguyễn Ngọc Trung - Ảnh: Tử Kính
Doãn Thị Bích Ngọc và ông Lâm Thiếu Quân (cầm hoa) không còn làm Thành viên HĐQT ITD nhiệm kỳ mới - Ảnh: Tử Kính

Ông Lâm Thiếu Quân gắn bó tại ITD từ năm 1999 với vai trò Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. 10 năm sau, ông giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Tháng 07/2023, ông từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc sau 24 năm. Tại đại hội lần này, ông chính thức rời HĐQT sau 25 năm gắn bó. Theo báo cáo quản trị 2023, ông Quân còn nắm hơn 1% cổ phần ITD.

Tử Kính

FILI

Các tin tức khác

>   ĐHĐCĐ ASP: Kinh doanh khí gas ở Việt Nam, khó nhất là quản lý vỏ bình (28/06/2024)

>   Thiếu hụt tàu bay trầm trọng, Vietnam Airlines để mắt tới dòng máy bay C919 của Trung Quốc (28/06/2024)

>   TTC AgriS góp mặt trong top 500 Fortune Đông Nam Á, tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế (28/06/2024)

>   S12: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (28/06/2024)

>   PDV: Ký hợp đồng kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2024 (28/06/2024)

>   SDV: Thay đổi giấy đăng ký kinh doanh (28/06/2024)

>   IRC: Ký hợp đồng kiểm toán BCTC năm 2024 (28/06/2024)

>   MH3: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (28/06/2024)

>   NUE: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (28/06/2024)

>   VET: Nghị quyết Hội đồng quản trị (28/06/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật