Thứ Sáu, 28/06/2024 17:04

ĐHĐCĐ ASP: Kinh doanh khí gas ở Việt Nam, khó nhất là quản lý vỏ bình

Năm 2023, CTCP Tập đoàn Dầu khí An Pha (HOSE: ASP) báo lỗ 84 tỷ đồng, là mức lỗ nặng nhất kể từ khi niêm yết trên HOSE vào năm 2008. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Doanh nghiệp hướng đến việc có lãi trở lại, nhưng không có dự định chia cổ tức. Ngoài ra, Tổng Giám đốc ASP cũng có những chia sẻ về khó khăn, thuận lợi khi kinh doanh LPG tại Việt Nam.

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của ASP. Ảnh: Châu An

Cụ thể, ASP đặt mục tiêu doanh thu hơn 3.4 ngàn tỷ đồng cho năm 2024, thấp hơn thực hiện năm trước khoảng 8%; lãi sau thuế 9 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 84 tỷ đồng. Về chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ, mục tiêu là 160 ngàn tấn, giảm gần 20%.

Kết quả các năm và kế hoạch 2024 của ASP

Kết quả năm 2023 là mức lỗ kỷ lục mà ASP từng ghi nhận. Doanh nghiệp cho biết, năm qua tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn bất ổn, trong khi kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình vĩ mô thế giới. Tổng mức tiêu thụ sản phẩm chính là LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng) vì thế giảm mạnh, đặc biệt là ở nhóm sử dụng LPG trực tiếp tại các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, chính sách siết chặt xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã ảnh hưởng đến doanh số cấp gas cho khách hàng thuộc mảng HORECA (khách sạn – nhà hàng – dịch vụ tiệc) của Doanh nghiệp.

Mức lãi suất vay ngắn hạn năm 2023 duy trì ở mức cao (bình quân 7%/năm) và chỉ điều chỉnh giảm vào 2 tháng cuối năm (dưới 4%), trong khi ASP có dư nợ vay cao. Lãi vay ngắn hạn đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả chung. Hơn nữa, tỷ giá cũng tăng cao, lên đến 24,700 đồng/USD vào cuối năm. Là đơn vị nhập khẩu LPG trực tiếp, chênh lệch tỷ giá cũng khiến Doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Cuối cùng, giá CP (giá hợp đồng) biến động lớn trong năm, khiến ASP phải triển khai các gói hỗ trợ, bao giá phát sinh để giữ sản lượng, cũng làm kết quả chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Về kế hoạch 2024, ASP nhận định tình hình còn nhiều khó khăn. Tỷ giá đã liên tục tăng mạnh trong các tháng đầu năm, dẫn đến chênh lệch tỷ giá với LPG nhập khẩu. Giá CP liên tục giảm từ đầu năm và diễn biến phức tạp, đầu tháng giảm sâu rồi điều chỉnh vào cuối tháng, khiến ASP phát sinh nhiều chi phí hỗ trợ. Ngoài ra, tồn đọng sản xuất kinh doanh năm 2023 cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến 6 tháng đầu năm 2024, đặc biệt là các khoản công nợ phải thu khó đòi.

Tuy vậy, thị trường vẫn ghi nhận một số điểm tích cực, khi nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi. Nhu cầu tiêu thụ LPG bắt đầu tăng trưởng trở lại, trong khi các nhà máy khu công nghiệp hoạt động với công suất lớn hơn. Ngoài ra, cổ đông lớn SaiSan từ Nhật Bản đã có sự hỗ trợ tài chính cho ASP, do vậy Doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng so với cùng kỳ.

Nguồn: ASP

Về vấn đề tỷ giá, Tổng Giám đốc Kobayashi Naoki cho rằng đây là vấn đề khó nói. Hiện tại, ASP đang sử dụng đồng USD để nhập khẩu LPG. Vấn đề là thị trường thay đổi mỗi ngày, và tỷ giá thì thậm chí còn thay đổi theo tình hình thế giới – hiện đang bất ổn với chiến tranh, xung đột…

“Chúng tôi đã có một số giải pháp liên quan đến rủi ro tỷ giá. Về mặt tốt, sản lượng LPG hiện tại đã lên kế hoạch rồi, nên ASP nắm được sản lượng nhập là bao nhiêu. Với sản lượng này, sẽ lấy tỷ giá tương lai của ngân hàng để áp dụng. Nhưng về mặt xấu thì khi vay nợ để nhập khẩu, chúng ta lấy tỷ giá tương lai. Lúc trả tiền, dễ xảy ra lỗ chênh lệch tỷ giá. Vậy nên, ASP đang cân nhắc có nên sử dụng tỷ giá tương lai để nhập hay không” – trích lời Tổng Giám đốc Kobayashi.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, đại hội thông qua việc không chia cổ tức cho cả năm 2023 và 2024. Cho năm 2024, HĐQT tiếp tục không nhận thù lao. Tuy nhiên, mức thù lao cho Thành viên HĐQT độc lập (từ cổ đông lớn tại Nhật Bản) là 334 triệu đồng/năm.

Một nội dung đáng chú ý, ĐHĐCĐ thông qua việc miễn nhiệm loạt nhân sự chủ chốt trong HĐQT, gồm: Chủ tịch HĐQT Kawamoto Takehiko; 2 Thành viên HĐQT là ông Trần Minh Loan và ông Hosokoji Yu; Thành viên HĐQT độc lập là ông Kasahara Yasuyoshi.

Đồng thời, tiến hành bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2027. Các ứng viên là ông Kobayashi Naoki, ông Nitta Kazufuku, và ông Sakamoto Shinichiro.

Được biết, ông Naoki trước kia là nhân viên kinh doanh của Công ty TNHH Saisan, sau đó đóng vai trò chuyên gia tại ASP từ tháng 12/2014-04/2015, và hiện đang nắm chức vụ CEO của ASP; ông Shinichiro là Trưởng phòng kiểm toán nội bộ Công ty; ông Kazufuku là CEO của Metran Co. Ltd – một doanh nghiệp chuyên sản xuất thiết bị y khoa (chủ yếu là máy hô hấp nhân tạo, máy gây mê…).

Chia sẻ tại đại hội, ông Hosokoji – Thành viên HĐQT từ nhiệm cho biết một trong những sứ mệnh của HĐQT là phải vận hành tốt, đạt kết quả tốt để chia cổ tức cho cổ đông. Nhưng kết quả 2023 không tốt, nên Doanh nghiệp không thể làm được. Do vậy, việc thay thế thành viên HĐQT mới hy vọng sẽ đem lại khả năng vận hành tốt, mang về lợi nhuận và có thể chia cổ tức cho cổ đông trong các năm tiếp theo.

Có ý kiến cho rằng các thành viên trong HĐQT mới đều là người Nhật. Về vấn đề này, ông Hosokoji cho biết đây là quyết định sau khi thảo luận, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm giữa ban quản trị để đưa ra cơ cấu HĐQT mới.

“Tân Tổng Giám đốc Kobayashi cũng rất giỏi tiếng Việt, các thành viên, đội ngũ bên dưới lại rất xuất sắc. Tất cả sẽ phối hợp cùng ông Kobayashi để xây dựng bộ máy mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp phát triển”.

Kinh doanh gas ở Việt Nam, khó nhất là giữ được vỏ bình

Đây là chia sẻ của Tổng Giám đốc Kobayashi. Ông nhận định, với kinh nghiệm làm việc tại ASP và trong ngành LPG hơn 10 năm, thì việc khó nhất khi kinh doanh gas tại Việt Nam là quản lý vỏ, bình.

Ông Kobayashi Naoki - Tổng Giám đốc ASP

“Tại Nhật Bản, Chính phủ Nhật quy định tất cả các vỏ bình gas, dù to hay bé, đều phải có mã series quản lý. Nếu mất vỏ, cảnh sát hay các cục quản lý công nghệ sẽ điều tra ra ngay vì bình nào cũng có mã. Kinh doanh gas ở Nhật vì thế sẽ không mất vỏ. Nếu sản xuất thêm thì vỏ bình sẽ tăng thêm, có thể quản lý được dù là qua bao nhiêu năm đi nữa.

Tại Việt Nam thì không quy định gắn số. Vậy nên số bình thu về không đảm bảo. Có trường hợp xuất 100 vỏ bình, 2 tháng sau thu lại còn 80 vỏ” – ông Kobayashi cho biết.

Theo Tổng Giám đốc ASP, ở đây có 2 vấn đề. Thứ nhất, vỏ bình là tài sản của Công ty, nếu xuất 100 vỏ mà chỉ thu về 80, nghĩa là đã mất tài sản và ảnh hưởng đến dòng tiền. Thứ 2, vỏ bình mất đi nhiều khả năng sẽ vào thị trường chợ đen.

“Truyền thông đại chúng đã thông tin về việc bình gas bị chiết nạp lậu, lấy bình của ASP và chiết nạp gas vào. Đương nhiên, khách hàng khi dùng gas thì chỉ nhìn vào thương hiệu trên vỏ. Nếu thấy vỏ của ASP, họ chỉ biết là ASP chứ không biết ai là người chiết nạp. Như vậy sẽ gây rủi ro, không đảm bảo an toàn. Hơn nữa, cũng không có gì đảm bảo khí họ chiết nạp đúng là LPG. Đây là điểm khó khăn”.

Việc quản lý vỏ bình là khó nhất khi kinh doanh gas tại Việt Nam - theo Tổng Giám đốc ASP

Ông Kobayashi nói thêm, hiện tại Công ty đang phối hợp với Chính phủ và các bộ ngành liên quan để có giải pháp quyết liệt hơn, giải quyết được vấn nạn chiết nạp gas lậu, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn trong mảng kinh doanh khí gas.

Hiện tại, ASP đã thực hiện nhiều hoạt động M&A, cũng đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại đến bán buôn, bán lẻ. Hiện tại, khi có nhiều kênh kinh doanh như vậy, chúng tôi có nhiều khó khăn trong việc quản lý và kiểm soát lợi nhuận. Trong đó, mảng bán buôn là mảng rất khó kiểm soát về lợi nhuận. Nên dự kiến sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung vào kênh bán lẻ (hộ gia đình), là kênh mang lại lợi nhuận cao nhất cho Tập đoàn.

Tập trung vào kênh bán lẻ, đưa thương hiệu Gas One từ Nhật Bản đến Việt Nam

Đối với kế hoạch năm 2024 của HĐQT mới, Tổng Giám đốc Kobayashi chia sẻ rằng ASP đã thực hiện nhiều hoạt động M&A, cũng như đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại cho đến bán buôn, bán lẻ. Tuy nhiên, việc có nhiều kênh kinh doanh khiến Doanh nghiệp gặp khó trong quản lý và kiểm soát lợi nhuận.

“Đặc biệt là mảng bán buôn, rất khó để kiểm soát lợi nhuận. Nên dự kiến sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung vào kênh bán lẻ (hộ gia đình), là kênh mang lại lợi nhuận cao nhất cho Tập đoàn” – ông cho hay.

Bên cạnh đó, ông Hosokoji Yu tiết lộ rằng ASP đang lên kế hoạch đưa thương hiệu Gas One nổi tiếng tại Nhật Bản đến tay người tiêu dùng Việt Nam.

Châu An

FILI

Các tin tức khác

>   Thiếu hụt tàu bay trầm trọng, Vietnam Airlines để mắt tới dòng máy bay C919 của Trung Quốc (28/06/2024)

>   TTC AgriS góp mặt trong top 500 Fortune Đông Nam Á, tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế (28/06/2024)

>   S12: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (28/06/2024)

>   PDV: Ký hợp đồng kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2024 (28/06/2024)

>   SDV: Thay đổi giấy đăng ký kinh doanh (28/06/2024)

>   IRC: Ký hợp đồng kiểm toán BCTC năm 2024 (28/06/2024)

>   MH3: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (28/06/2024)

>   NUE: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (28/06/2024)

>   VET: Nghị quyết Hội đồng quản trị (28/06/2024)

>   FLC bị cưỡng chế gần 239 tỷ đồng tiền thuế (28/06/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật