Thiếu hụt tàu bay trầm trọng, Vietnam Airlines để mắt tới dòng máy bay C919 của Trung Quốc
Tại cuộc họp thường niên diễn ra vào ngày 21/06, ban lãnh đạo Vietnam Airlines (HOSE: HVN) chia sẻ đang tìm các giải pháp để khắc phục vấn đề thiếu hụt tàu bay nghiêm trọng mà hãng đang đối mặt, trong đó có cả phương án xem xét dòng máy bay C919 của Trung Quốc.
Chia sẻ về tình hình hiện nay, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho biết việc bảo dưỡng động cơ và khó khăn trong việc mua máy bay từ Airbus và Boeing đang tạo ra áp lực lớn cho hãng.
"Khó khăn hiện nay của Vietnam Airlines và các hãng hàng không khác là việc triệu hồi động cơ Pratt & Whitney trên các tàu bay A321/320 NEO. Điều này gây ra tình trạng thiếu hụt máy bay trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch khai thác, phục hồi và mở rộng mạng bay sau đại dịch," ông Hà phát biểu.
Không chỉ động cơ Pratt & Whitney, sự thiếu hụt nhân lực bảo dưỡng tàu bay cũng kéo dài thời gian sửa chữa, từ 70-90 ngày lên đến 250-300 ngày. Hiện Vietnam Airlines có 11 máy bay A321 bị triệu hồi động cơ và 2 đến 4 máy bay A320 đang trong quá trình bảo dưỡng. Năm 2025, hãng sẽ phải dừng bay thêm 6 chiếc nữa để bảo dưỡng động cơ.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines
|
Ông Hà dự báo, các hãng hàng không Việt Nam sẽ thiếu hụt tàu bay nghiêm trọng nhất vào đầu năm 2024 và trở lại vào cuối năm 2025. Trong khi đó, các bên cho thuê máy bay và các hãng hàng không cho rằng sự thiếu hụt này có thể kéo dài ít nhất đến năm 2026-2027.
Bên cạnh đó, nguồn cung máy bay cũng khó tăng ngay lập tức do việc đặt mua máy bay từ Airbus và Boeing thì phải đến năm 2030 mới có thể nhận tàu do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng và nhu cầu tăng cao của ngành hàng không hậu COVID-19.
Quan tâm đến dòng máy bay C919 của Trung Quốc
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt tàu bay, Vietnam Airlines đã làm việc với Pratt & Whitney để đảm bảo cung cấp động cơ dự phòng và lịch sửa chữa sớm nhất. Đồng thời, hãng cũng giảm tần suất khai thác một số chặng không hiệu quả và tăng giờ bay của đội bay từ 15-20%. Vietnam Airlines cũng lùi lịch bán tàu bay để đáp ứng nhu cầu bay, cụ thể là kế hoạch bán 6 tàu A321CEO đã bị hoãn lại.
Trong bối cảnh thiếu hụt hiện tại, một cổ đông đặt câu hỏi: “Liệu Vietnam Airlines có quan tâm tới dòng máy bay C919 của Trung Quốc hay không?”.
Ông Hà đáp lời: "Đây là một nhà sản xuất máy bay và là đối trọng với các hãng sản xuất máy bay châu Âu. Để khai thác máy bay trên thị trường quốc tế, phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chung của ngành hàng không thế giới. Do vậy, Vietnam Airlines có quan tâm tới dòng máy bay C919 của Trung Quốc. Chúng tôi cũng có đội ngũ đang làm việc và theo sát tiến trình hoàn thiện, xin phê duyệt của nhà chức trách về dòng máy bay C919 thân hẹp trong thời gian tới”.
Thực tế, đây có thể là một giải pháp khả thi khi việc đặt mua máy bay từ Airbus và Boeing chỉ có thể giao hàng sớm nhất vào năm 2030 và việc thuê tàu bay cũng gặp nhiều khó khăn.
Với những thách thức trên cùng với xung đột địa chính trị và sự hồi phục không như kỳ vọng của thị trường quốc tế, ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn.
Vietnam Airlines đặt mục tiêu vận chuyển khoảng 22.64 triệu lượt hành khách trong năm 2024, tăng gần 8% so với năm 2023 và bằng 99% so với năm 2019. Hãng đặt mục tiêu đạt doanh thu hợp nhất 105,946 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước, trong khi lãi ròng kỳ vọng ở mức 4,233 tỷ đồng.
Thiên Vân
FILI
|