Chủ tịch Vinatex: Nhiều doanh nghiệp không dám hô khẩu hiệu xanh hoá
Theo ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT), cứ tưởng rằng sản phẩm xanh sẽ lên ngôi, nhưng trong giai đoạn kinh tế khó khăn nó lại là mặt hàng ế vì quá đắt. Chỉ khi thu nhập, đời sống tiến bộ, người dân mới mong muốn “ăn sạch, làm sạch”.
Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. Ảnh chụp màn hình
|
Phát biểu tham luận tại tọa đàm “Doanh nghiệp tiên phong thực thi ESG và kinh tế tuần hoàn” tổ chức chiều 07/06, Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường nhắc lại, trong giai đoạn kinh tế khó khăn, COVID-19, mặt hàng thời trang xanh cũng như thực phẩm xanh lại ế vì quá đắt.
Đơn cử, Vinatex có những đối tác nhập về sơ tái chế, sơ tuần hoàn giá trị từ 10-20 triệu USD nhưng để trong kho 1 năm không có đơn hàng sản xuất.
Ông Trường thừa nhận việc thực thi ESG và đảm bảo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là một quá trình dài hạn. Mặc dù Nhà nước có đưa ra được các chính sách kết hợp khung tiêu chuẩn, nhưng người tiêu dùng không có nhu cầu, không thể chi trả cho việc “ăn sạch mặc sang”.
Thực tế, kinh tế thế giới đang khủng hoảng, người dân đang quay về “ăn cơ bản, mặt cơ bản”, thậm chí quần áo sang trọng cũng không bán được, trong vòng 3 năm trở lại đây chỉ có mặt hàng cơ bản mới bán được. Điều này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp sẽ không dám hô khẩu hiệu xanh hoá, phát triển sản phẩm tuần hoàn, bền vững. Riêng Vinatex, việc phối hợp chặt chẽ với đối tác trong chuỗi cung ứng để xác định bước đi là cực kỳ quan trọng.
“Giảm rác thải để giám giá thành, chứ không phải với ý nghĩa làm xanh cho thế giới, đích đến vẫn là giảm giá thành cho sản phẩm”, ông Trường nhấn mạnh.
Ở Việt Nam, dù chính sách chưa có, luật chưa yêu cầu, nhưng nếu khách hàng không mua thì tự các doanh nghiệp sẽ thay đổi, nâng tiêu chuẩn lên để đáp ứng khách hàng.
Là nền kinh tế đang phát triển, hướng vào xuất khẩu, nếu Việt Nam muốn tiên phong xây dựng chính sách về môi trường so với các nước phát triển thì rất dễ bị “việt vị”. Vì vậy, Chủ tịch Vinatex kiến nghị trong quá trình xây dựng chính sách về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh nên để doanh nghiệp đi trước một bước, đáp ứng được thị trường xuất khẩu.
"Từ thực tiễn doanh nghiệp, chúng ta có thể xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam bám theo tiêu chuẩn thị trường các nước phát triển, làm sao để cả hai bên cùng hài hòa", ông Trường nêu quan điểm.
Tổng hợp lại, theo ông Trường, kinh tế tuần hoàn là chủ trương, nhưng thực hiện ở doanh nghiệp không phải đường thẳng, mà là đường cong có lúc lên lúc xuống, có lúc tệ đi.
Để loại bỏ các rào cản trong việc thực hiện kinh tế tuần hoàn, Chủ tịch Vinatex nhấn mạnh ngoài việc thể chế hóa các tiêu chuẩn đối với các lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp cần xác định khoảng cách kỹ năng trong Công ty. Từ đó, xây dựng chương trình đào tạo, quy hoạch nguồn nhân lực cấp quốc gia để phục vụ quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông tới người tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng là điều nên thực hiện. Đồng thời, xây dựng văn hóa tiêu dùng các sản phẩm xanh, bền vững, từ đó ủng hộ các doanh nghiệp sản xuất đảm bảo trách nhiệm, đạo đức kinh doanh.
Thế Mạnh
FILI
|