Thứ Sáu, 08/03/2024 11:02

Tín dụng giảm đầu năm – Có cần quá lo lắng?

Nếu nhìn vào quá khứ những năm qua, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm có chậm nhưng không đến mức tăng trưởng âm như năm nay. Liệu có cần quá lo lắng trước xu hướng này?

Tăng trưởng âm

Sau khi tăng 13.71% trong năm 2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế trong tháng 1 đầu năm nay đã giảm trở lại 0.6%. Tiếp đến trong nửa đầu tháng 2 dư nợ tín dụng giảm thêm 0.4%, để nâng mức giảm so với cuối năm 2023 lên -1% (cập nhật đến ngày 16/02). Nếu xét theo số tuyệt đối, dư nợ tín dụng toàn hệ thống trong 1 tháng rưỡi đầu năm nay giảm xấp xỉ 135,600 tỷ đồng, về lại mức hơn 13.4 triệu tỷ đồng.

Phần lớn ý kiến cho rằng do ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, tăng trưởng tín dụng sụt giảm trong các tháng đầu năm là điều bình thường, khi khách hàng có xu hướng tất toán dư nợ vào cuối năm Âm lịch (trước tết Nguyên đán) và hạn chế vay vốn đầu năm, một phần do yếu tố tâm lý, tập tục không muốn đi vay ngay đầu năm, phần khác do đây cũng là giai đoạn các hoạt động sản xuất kinh doanh chưa được đẩy mạnh nên nhu cầu vay thấp.

Tuy nhiên nếu nhìn vào quá khứ những năm qua, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm có chậm nhưng không đến mức tăng trưởng âm như năm nay. Báo cáo của CTCK Rồng Việt (VDSC) cho thấy bình quân tăng trưởng tín dụng trong hai tháng đầu năm của giai đoạn 2013 - 2023 chỉ là 0.56%. Dữ liệu lịch sử cũng cho thấy tăng trưởng tín dụng âm trong hai tháng đầu năm xuất hiện trong các năm 2014 và 2018.

Đáng lưu ý, cũng theo báo cáo của VDSC, tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng tiêu biểu trong tháng 01/2024 giảm mạnh hơn diễn biến của toàn ngành như Ngân hàng Vietcombank (-2.3% so với cuối năm 2023), Ngân hàng BIDV (-1.3%) hay Ngân hàng MBBank (-0.7%). Đây đều là những nhà băng có quy mô dư nợ tín dụng lớn, chiếm thị phần đáng kể trong dư nợ toàn ngành, nên sự sụt giảm của nhóm này cũng ảnh hưởng đáng kể lên tăng trưởng toàn ngành.

Với việc NHNN đã giao hết hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các nhà băng ngay từ đầu năm, thanh khoản của hệ thống vẫn dồi dào, nhưng hoạt động cho vay của các ngân hàng chưa có sự tăng trưởng như kỳ vọng, nên có những lo ngại là điều dễ hiểu. Vì xu hướng này có thể đang phản ánh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ vốn yếu kém, nhu cầu đầu tư, tiêu dùng còn thấp.

Trước tình hình này, các cơ quan quản lý cảm thấy “sốt ruột” là điều dễ hiểu. Ngày 20/2/2024, tức chỉ sau 3 ngày làm việc kết thúc kỳ nghỉ tết Nguyên đán, NHNN đã tổ chức hội nghị toàn ngành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tiếp đến vào ngày 06/3, NHNN lại có công văn hỏa tốc gửi Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại về việc chuẩn bị nội dung tham dự hội nghị do Thủ tướng chủ trì để bàn giải pháp thúc đẩy tín dụng, dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng 3 này.

Trước đó ngày 05/3, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện số 18/CĐ-TTg về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024. Trong Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực; kết quả cấp tín dụng của từng TCTD, NHTM đến thời điểm hiện tại để theo thẩm quyền và quy định của pháp luật có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, lãi suất năm 2024 hiệu quả, khả thi.

Có nên quá lo lắng?

Xu hướng tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm nay dù không quá tích cực, nhưng có lẽ cũng không đến mức quá lo lắng. Thứ nhất là với tăng trưởng tín dụng của riêng tháng cuối năm 2023 lên đến 4%, dễ nhận thấy không ít nhà băng đã chạy chỉ tiêu cuối năm để tạo nền tăng trưởng cho năm sau bằng các khoản cho vay ngắn hạn, vay cầm cố sổ tiết kiệm. Do đó, bước sang các tháng đầu năm sau, các khoản vay này sớm được tất toán là điều tất yếu. Diễn biến tăng trưởng huy động vốn đến giữa tháng 2 vừa qua cũng đồng thời giảm 1.6% so với cuối năm 2023 cũng góp phần cho thấy điều này.

Ngoài ra, với các doanh nghiệp nhu cầu vốn (chủ yếu ngắn hạn) đã tăng mạnh trong tháng cuối năm 2023, dành cho hoạt động sản xuất, thương mại phục vụ kỳ nghỉ lễ Tết. Do đó phần dư nợ này sẽ giảm theo kỳ hạn vay và thời hạn trả nợ vào dịp Tết, nhằm khai thác hiệu quả nguồn vốn vay, hạn chế việc phải chi trả lãi vay trong kỳ nghỉ dài ngày.

Thứ hai là thay vì quá chú tâm vào con số tăng trưởng tín dụng, có lẽ cần quan sát các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từ đầu năm đến nay để có nhận định rõ ràng hơn về bối cảnh kinh tế vĩ mô. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm nay ước tính tăng 5.7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi 2 tháng cùng kỳ năm 2023 giảm 2.9%.

Còn theo kết quả khảo sát của S&P Global, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 50.4 điểm trong tháng 02/2024, đánh dấu tháng thứ 2 liên tiếp vượt ngưỡng 50 điểm, cho thấy các điều kiện trong nền kinh tế vẫn đang được mở rộng. Ở hoạt động thương mại, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 113.96 tỷ USD, tăng 18.6% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy cả sản xuất nội địa và xuất nhập khẩu đều đang trên đà hồi phục tích cực trở lại.

Với tăng trưởng tín dụng của riêng tháng cuối năm 2023 lên đến 4%, dễ nhận thấy không ít nhà băng đã chạy chỉ tiêu cuối năm để tạo nền tăng trưởng cho năm sau bằng các khoản cho vay ngắn hạn, vay cầm cố sổ tiết kiệm. Do đó, bước sang các tháng đầu năm sau, các khoản vay này sớm được tất toán là điều tất yếu.

Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối tháng 2 có lẽ đã có sự cải thiện hơn, nếu nhìn vào diễn biến của các thành phố lớn, vốn chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng dư nợ của toàn nền kinh tế. Như tại TP Hồ Chí Minh, sau khi sụt giảm 0.93% trong tháng 1 đầu năm (cao hơn mức giảm 0.6% của cả nước), đến ngày 29/2 đã ghi nhận tăng trở lại 0.6% so với tháng trước, ước đạt 3.53 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn ước tính là 1.67 triệu tỷ đồng, tăng 0.7%, còn dư nợ trung hạn, dài hạn ở mức gần 1.86 triệu tỷ đồng, tăng 0.5%.

Trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Hà Nội đến cuối tháng 2/2024 đạt hơn 3.68 triệu tỷ đồng, tăng 0.93% so với tháng trước và tăng 1.96% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn ở mức hơn 1.53 triệu tỷ đồng, tăng 2.04% so với cuối năm 2023; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt hơn 2.15 triệu tỷ đồng, tăng 1.9%. Như vậy, hoạt động cho vay của thủ đô đã duy trì xu hướng tăng trưởng liên tiếp trong 2 tháng đầu năm và có mức tăng khá tốt.

Dù vậy, cũng có những yếu tố có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng của năm nay cần phải quan sát thêm, đó là nguy cơ nợ xấu tăng nhanh ảnh hưởng đến động lực cho vay, khẩu vị rủi ro của các ngân hàng; hoạt động cho vay doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái bị kiểm soát chặt chẽ hơn; trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng đang đầu tư được mua lại trước hạn,…

Thụy Nhiên

FILI

Các tin tức khác

>   OceanBank ‘đại hạ giá’ khoản nợ xấu nghìn tỷ (08/03/2024)

>   Phó Thống đốc: Đề xuất áp dụng thủ tục rút gọn để đẩy nhanh thi hành Luật Các TCTD 2024 (07/03/2024)

>   Số lượng thanh toán QR code tháng 1 tăng gần 900% (07/03/2024)

>   Làm sao để dòng vốn diễn ra trôi chảy với chi phí thấp nhất? (15/03/2024)

>   Lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn rục rịch tăng, còn dư địa giảm lãi suất? (08/03/2024)

>   Eximbank trao tặng nhà lắp ghép cho 300 hộ nghèo huyện biên giới Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An (07/03/2024)

>   [Infographics] Toàn cảnh kết quả kinh doanh ngân hàng năm 2023 (15/03/2024)

>   NHNN triển khai lấy ý kiến về cơ chế thử nghiệm đối với hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) (07/03/2024)

>   Động lực chính cho tăng trưởng ngành ngân hàng năm 2024 đến từ đâu? (07/03/2024)

>   Chuyên gia HSC: Lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng trưởng trở lại nhưng rủi ro chất lượng tài sản vẫn còn (06/03/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật